(HNM) - Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN); xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Để làm rõ vấn đề nêu trên, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |
Phát huy tối đa tinh thần dân chủ
- Thưa ông, các văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị nhằm hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Mục tiêu đó có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam?
- Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của MTTQ Việt Nam được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và được luật hóa bằng Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và nhiều đạo luật khác. Đặc biệt, Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam. Đây là những căn cứ để MTTQ Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền một cách hiệu quả trong điều kiện mới, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, thể chế hóa quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; bảo đảm mở rộng và thực thi có hiệu quả nền dân chủ XHCN.
- Từ góc độ đó, ông nhìn nhận MTTQ Việt Nam các cấp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đã thể hiện vai trò như thế nào trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội XII của Đảng?
- Tôi cho rằng, chúng ta đã phát huy tối đa tinh thần dân chủ để mọi lực lượng trong xã hội phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và ở góc độ của MTTQ tôi nhìn thấy nhiệt huyết và tinh thần xây dựng rất cao với niềm tin máu thịt của các tầng lớp nhân dân với mong muốn xây dựng Đảng ta vững mạnh và sự vững mạnh không tách rời trí tuệ.
- Kết quả cụ thể là như thế nào và kết quả đó phản ánh điều gì, thưa ông?
- Chúng tôi đã tiếp nhận hơn 10 vạn ý kiến đóng góp tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và qua báo cáo của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức thành viên. Các ý kiến đóng góp rất phong phú, đa dạng từ nhiều góc nhìn, lĩnh vực, nhiều ý kiến sâu sắc, thể hiện tâm huyết, chất trí tuệ cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn rất vững chắc, góp ý vào những vấn đề cụ thể, thiết thực trong đời sống. Điều đó cho thấy tình cảm và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trước công việc hệ trọng của Đảng có liên quan mật thiết đến tương lai đất nước. Đó chính là sức mạnh đoàn kết, là vốn quý, Đảng ta phải hết sức giữ gìn, nâng niu và trân trọng.
- Với báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc, ông thấy những ý kiến đó đã được tiếp thu như thế nào?
- Như tôi đã nói, những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, có những vấn đề rất cơ bản sâu sắc nhưng cũng có những vấn đề rất cụ thể về cả phương diện lý luận và thực tiễn, đó chính là Mặt trận có tiếng nói đa dạng ở nhiều thành phần, mọi tầng lớp nhân dân, nhiều dân tộc, tôn giáo, trong và ngoài nước. Đây không phải là những ý kiến cá nhân, riêng lẻ mà được chắt lọc, tập hợp từ cơ sở, từ sinh hoạt cộng đồng, trong từng khu dân cư với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, mang tính xây dựng, trong đó chứa đựng sự tôn trọng. Mặc dù có những vấn đề còn trao đi đổi lại, nhưng sự tôn trọng đó giữ vững được khối đại đoàn kết, tinh thần đại đoàn kết thể hiện trong xây dựng các văn kiện Đại hội. Và tôi đã thấy sự trân trọng, tiếp thu rất nghiêm túc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với những ý kiến đóng góp, cho nên văn kiện được bổ sung, hoàn thiện nhiều chỗ, cả ý tứ, câu chữ, như thế là rất toàn diện. Cũng có một số vấn đề chưa đưa vào văn kiện nhưng đó cũng là kho tư liệu quý để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách.
Đổi mới là đòi hỏi hàng đầu
- Thưa ông, Đại hội XII của Đảng diễn ra đúng vào thời điểm đất nước ta tròn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được cũng còn nhiều vấn đề phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, giải quyết. Vậy niềm mong mỏi và sự kỳ vọng lớn lao mà các tầng lớp nhân dân dành cho Đại hội XII của Đảng là gì?
- Đó là hướng đến sự đổi mới. Ở đây tôi muốn đề cập tới tâm lý, nguyện vọng, đòi hỏi đổi mới của số đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Đổi mới là xu thế phát triển của lịch sử, là tiền đề và nền tảng quan trọng để nước ta phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Nhưng bên cạnh công cuộc đổi mới là sự ổn định để phát triển, chứ không phải đổi mới bằng bất cứ giá nào. Đó là sự thay đổi quan trọng trong tư duy, nhận thức. Chúng ta đã phải trả giá trong những giai đoạn lịch sử nhất định cho sự nóng vội đi lên CNXH mà thiếu chú trọng việc xây dựng những nền tảng, điều kiện cần thiết. Cho nên Đảng ta, nhân dân ta đều nhận thấy cần có bước phát triển mới trong tư duy, nhận thức về đổi mới. Vì thế, điều dễ nhận thấy là chúng ta không đặt ra mục tiêu quá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, chỉ tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ tới cũng thấp hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng quan trọng là tăng trưởng chất lượng, phù hợp và trên cơ sở cơ cấu hợp lý nền kinh tế, phát huy được nội lực, thế mạnh của Việt Nam. Đây chính là những yếu tố bảo đảm cho phát triển bền vững.
- Để thực hiện mục tiêu đó, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?
- Nhân tố con người là quan trọng nhất. Nhân tố con người là yếu tố quyết định hiệu quả của cải vật chất tạo ra cho xã hội. Ví dụ, đưa vốn vào quá nhiều mà hiệu quả mang lại thấp thì cách đầu tư như thế là không hiệu quả, là dàn trải, lãng phí. Nhưng nếu đầu tư mà tính được hiệu quả sinh ra là bao nhiêu, trong đó làm thế nào để thúc đẩy tối đa khả năng của con người tác động vào để tạo ra của cải vật chất thì đó là đầu tư hiệu quả.
- Như vậy, nhân tố con người bao gồm cả tư duy, trí tuệ và năng lực sáng tạo. Nhân tố con người tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ thu được hiệu quả trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tối đa tiềm năng nội lực, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao… Và dân có giàu thì nước mới mạnh!
- Mục tiêu và quyết tâm đi tới của cả dân tộc là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH. Nếu của cải vật chất làm ra nhiều nhưng lợi ích tập trung vào một số nhóm người thì đó chưa phải là CNXH, của cải vật chất do con người làm ra phải phục vụ lợi ích và sự hưởng thụ của toàn xã hội. Bản chất vấn đề là ở chỗ đó. Vì vậy, văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới”. Do đó, đi liền với tiến bộ về kinh tế - xã hội là bổ sung, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ
- Thưa ông, Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) có đề cập tới vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Thực chất, điều đó là nhằm kiểm soát quyền lực. Không riêng ở Việt Nam, những người được giao trọng trách nhất định, những cơ quan chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước rất dễ “mắc bệnh” lạm quyền. Do đó phải thực hiện tốt việc giám sát để các cá nhân, tổ chức, đơn vị hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Với Hiến pháp 2013 cùng với việc ban hành các luật, các văn bản dưới luật, chúng ta đã dần củng cố cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát quyền lực, tạo sự căn bản, hoạt động đúng tầm ảnh hưởng, liên quan đến thực hiện dân chủ. Trong thực tế, có những công trình, dự án được thực hiện nhằm phục vụ lợi ích của người dân nhưng lại chưa hợp lòng dân, không nhận được sự đồng thuận của người dân; đó là vì chưa thực hiện tốt dân chủ, chưa phát huy quyền làm chủ của người dân, người dân chưa có thông tin để bàn bạc, đóng góp và phát biểu ý kiến của mình đối với những công việc liên quan đến đời sống. Nói cách khác, chúng ta phải tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, trong đó có vai trò giám sát mà MTTQ các cấp là người đại diện.
- Vấn đề này được đề cập trong văn kiện Đại hội XII của Đảng như thế nào, thưa ông?
- Tóm gọn là tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân.
- Phải chăng, việc giám sát của chúng ta còn có những hạn chế nhất định, do đó như đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành trọng trách được dân tộc giao phó. Trong thực tế đời sống, chủ nghĩa cá nhân luôn rình rập để lật đổ những phẩm chất tốt đẹp trong bản thân từng con người, khiến ta sống thực dụng, vị kỷ. Như vậy, bên cạnh tính tự giác của mỗi người cần có sự giám sát bằng cơ chế. Và cơ chế giám sát càng chặt chẽ bao nhiêu sẽ giúp chúng ta loại bỏ những yếu tố khiến cho cán bộ, đảng viên xa rời bản chất, mục tiêu, lý tưởng cách mạng đồng thời có thêm những người có tài, có đức để lo cho dân, cho nước. Hiện chúng tôi cũng đang kiến nghị một số chính sách, biện pháp để thực hiện tốt vai trò giám sát của MTTQ các cấp và các tầng lớp nhân dân.
- Một trong những nội dung của Đại hội XII được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm là công tác nhân sự. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng công tác nhân sự tại Đại hội Đảng lần này được chuẩn bị rất chặt chẽ, thận trọng, chu đáo trên cơ sở dân chủ, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tôi đặc biệt coi trọng dân chủ trong Đảng, trong xã hội và nguyên tắc tập trung dân chủ. Tôi tin tưởng Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ sức đưa đất nước ngày càng phát triển, đáp ứng niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.