Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin được thắp sáng

Bảo Nga| 28/01/2014 06:02

(HNM) - Tôi tìm gặp em vào một ngày áp Tết, khi hơi thở mùa xuân đã ngập tràn trên mọi nẻo đường, góc phố và ăm ắp trong mỗi nếp nhà.


Cuộc sống hối hả ngoài kia dường như không thể khiến em xao lãng những khát khao đang ấp ủ. Từng đọc nhiều bài báo, nghe nhiều đồng nghiệp giới thiệu về em, tôi vẫn không khỏi bất ngờ và cảm phục trước một cô gái khuyết tật, thân hình chỉ như một đứa trẻ lên 3 nhưng đã thoát ra khỏi sự kìm kẹp của số phận, trở thành "điểm tựa" vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ. Em là Nguyễn Thị Thu Thương - Giám đốc Công ty Thương Thương Handmade.

Nguyễn Thị Thu Hương đang làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.


Vượt lên số phận

Bất cứ ai gặp Thương đều bị cô gái nhỏ bé ấy "hớp hồn" bởi giọng nói lanh lảnh, tiếng cười trong trẻo, một trí tuệ ngời sáng và một tâm hồn đẹp. Hơn một giờ tiếp chuyện tôi, Thương vẫn thoăn thoắt làm việc. Đôi tay thon dài, trắng xanh như của một đứa trẻ chỉ cho phép em đủ sức cầm nổi cây kéo nhỏ như học sinh tiểu học dùng cắt đồ thủ công. Nhưng tất cả những khung tranh được đôi tay ấy bo, viền một cách cực kỳ chuẩn xác và khéo léo.

Thương là con thứ trong một gia đình có 4 chị em tại một xã nghèo ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Bố làm công nhân xây dựng, mẹ quanh quẩn ở nhà làm ruộng, chăm sóc con cái. Gia cảnh tuy thiếu trước hụt sau nhưng tình yêu thương luôn đầy ắp. Nhưng số phận đã không may mắn với em khi Thương sinh ra không có một thân hình bình thường như bao đứa trẻ khác. Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến em bị gãy xương ngay từ khi lọt lòng. Khi đầy tháng, cô bé được cả nhà đặt cho cái tên Thu Thương để gợi nhớ mùa thu khi cô cất tiếng khóc chào đời và tình thương yêu vô bờ của gia đình, người thân dành tặng. Trẻ con vốn hiếu động, chỉ một va chạm nhỏ cũng khiến Thương bị gãy xương bất cứ lúc nào. Suốt những năm tháng tuổi thơ, không thể đếm hết số lần em bị gãy tay, chân, phải nằm bất động chờ xương lành lại. Mỗi lần như thế, bố mẹ lại tìm đủ cách để bao bọc em kỹ hơn, tránh mọi tác động có thể khiến xương của con bị thương tổn. Thế là, thay vì được đến trường tung tăng chạy nhảy cùng chúng bạn, ước mơ của Thương đành gác lại sau chấn song cửa. Nhưng trời vốn công bằng, không lấy đi của ai tất cả. Không có một cơ thể khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa, nhưng bù lại Thương rất thông minh, khéo tay và ham học hỏi. Từ việc học bà tuốt rơm, đan chổi, đan lưới, học mẹ khâu vá áo quần... thấy ai làm gì Thương cũng bắt chước, học làm theo rất nhanh. Năm 11 tuổi, cả gia đình chuyển nhà ra thành phố. Cuộc sống náo nhiệt nơi phố xá dường như khiến Thương thức tỉnh. Ý thức được sự hạn hẹp của bốn bức tường khi không biết chữ, Thương đã thuyết phục bằng được mẹ dạy chữ cho mình. Miệt mài suốt 3 năm, khi tròn 15 tuổi cũng là lúc Thương có thể đọc thông, viết thạo. Biết chữ, một chân trời tri thức như mở ra trước mắt em qua những cuốn sách, những bài báo.

Cuộc sống của Thương có lẽ sẽ là những tháng ngày buồn bã trôi qua, và em sẽ mãi là cô gái tật nguyền sống trong sự bao bọc của gia đình nếu không có một "cú hích" vào năm 20 tuổi. Hôm ấy, trong lúc chờ cậu gia sư tình nguyện đến nhà dạy tiếng Anh như mọi ngày, Thương tinh nghịch nhờ mẹ bế xuống nhà để chơi trò "trốn tìm". Nằm trên chiếc giường nhỏ kê gần cửa sổ, lần đầu tiên Thương sửng sốt nhận ra đôi vai gầy nặng trĩu lo toan của mẹ sau chiếc máy khâu. Trong lúc em nhàn rỗi nằm ngắm con người, cảnh vật xung quanh và phát hiện biết bao điều thú vị thì mẹ vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu, quên hết cả thế giới quanh mình. Chẳng biết tự lúc nào, nước mắt Thương lặng lẽ rơi. Em tự nhủ phải quyết tâm học lấy một nghề tự nuôi sống bản thân và để mẹ đỡ phần vất vả. Một lần tình cờ xem tivi, thấy chương trình "Người tốt, việc tốt" giới thiệu về câu lạc bộ "Vì ngày mai" chuyên dạy nghề thủ công cho người khuyết tật, Thương tìm mọi cách tự liên hệ rồi nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến học. Cũng từ đây, bước ngoặt cuộc đời em bắt đầu.

Chắp cánh những ước mơ

Với những người khuyết tật bình thường, để học thành thạo một nghề thủ công thường mất nhiều thời gian. Nhưng với Thu Thương, chỉ sau vẻn vẹn 3 tháng với 6 buổi học, em đã làm thành thạo nhiều mặt hàng thủ công như đan len, xâu hạt thành túi xách, túi đeo điện thoại, làm đèn bàn từ cúc áo... Từ một học viên "mới toanh" của CLB Vì ngày mai, Thu Thương được tin tưởng giao phụ trách việc thiết kế mẫu mã, cho ra đời nhiều sản phẩm sáng tạo, có giá trị kinh tế và tiện dụng trong sinh hoạt. Suốt mấy năm trời miệt mài với kim đan và những chiếc cúc áo Thương nhận thấy công việc này cho thu nhập không cao. Đúng lúc đó, một người bạn cùng tuổi cảm phục nghị lực của em đã dạy Thương cách làm tranh cuốn giấy. Chỉ sau một tháng miệt mài, Thương đã thành thạo với công việc mới. Từ những bức vẽ đơn giản về làng quê, phong cảnh, hoa lá, chim chóc, Thương dần làm được những bức tranh có họa tiết phức tạp, đòi hỏi có tay nghề cao như tranh Phật, tranh phố, tranh chân dung... Để đa dạng hóa sản phẩm, Thương còn kết hợp cuốn giấy trên nền tranh in, đưa nghệ thuật cuốn giấy vào các loại thiệp, cờ, hộp trang sức, hộp giấy ăn, hộp cắm bút... Những tác phẩm lần lượt ra đời dưới bàn tay nhỏ bé của Thương không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật tinh tế của bàn tay khéo léo, mà còn được em gửi gắm vào đó cả tâm hồn. Thương hiệu đồ thủ công Thương Thương chính thức được thành lập. Ban đầu, sản phẩm chỉ được bày bán trong chiếc tủ nhỏ đặt tại nhà, việc bán hàng thông qua trang web thuongthuong.net do các bạn tình nguyện viên thiết kế miễn phí.

Hơn 6 năm miệt mài làm việc và tích lũy, năm 2010, Thương đã thành lập một doanh nghiệp do chính em làm giám đốc, thu hút hơn 30 thành viên cùng cảnh ngộ chuyên cung cấp sản phẩm đồ lưu niệm thủ công do chính các em làm ra. Thương tâm sự: "Từ lâu lắm, em luôn mong ước có một ngày sẽ xây dựng một trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ở đó, mọi người sẽ cùng làm việc, sinh sống dưới một mái nhà...".

Cũng chính từ nguyện vọng ấy, ngay khi dành được số tiền hơn 200 triệu đồng trong suốt bao năm kinh doanh, Thương đã được bố mẹ cho mượn mảnh đất rộng 400m2 tại quê nhà và bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ. Đến nay, một cơ ngơi rộng 170m2 đã hình thành và dự kiến sẽ đón những học viên đầu tiên vào đầu năm mới 2014. Trong suốt quá trình xây dựng trung tâm, dù không kêu gọi bất cứ một nhà tài trợ nào, nhưng vẫn có những người tìm đến giúp đỡ cô gái nhỏ giàu nghị lực. Nói về hoạt động của trung tâm dạy nghề, Thương hào hứng: "Em dự định không chỉ dạy nghề mà còn tổ chức cho các bạn trồng rau, thả gà, nuôi lợn... Là một trong 20 đại diện "Hạt giống tâm hồn Việt Nam" được gặp gỡ, giao lưu cùng Nick Vujicic, em được biết sự thành công của anh ấy một phần có được nhờ sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Em tin, với tình yêu thương và chia sẻ của gia đình mình, em sẽ biến những điều đang ấp ủ thành hiện thực..."

Trong suốt buổi nói chuyện, tôi tuyệt nhiên không thấy ở Thương một lời oán trách, mặc cảm hay tủi hờn cho số phận. Chỉ có giọng nói và tiếng cười trong vắt như những giọt pha lê va vào nhau khiến người đối diện thấy lòng nhẹ tênh. Tôi chợt hiểu, đằng sau ánh mắt long lanh và nụ cười thường trực ấy là cả một sức mạnh phi thường của ý chí, bản lĩnh và niềm tin. Với Thu Thương, dường như mùa xuân luôn thường trực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin được thắp sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.