Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin đã lại nảy mầm

Vân Khanh| 26/03/2012 06:36

(HNM) - Thế giới dường như đã giành được lợi thế trong trận chiến dài hơi và khốc liệt hơn dự báo với bóng ma khủng hoảng. Nguồn sáng dù còn yếu ớt vừa được nhóm lên từ Hy Lạp khiến điểm nóng Châu Âu tạm thời lắng dịu và những chỉ báo mới về đà phục hồi tích cực từ nền kinh tế Mỹ đã mang đến niềm lạc quan rằng, kinh tế thế giới đã bắt đầu ra khỏi màn sương mù dày đặc để đón nhận những tia nắng mới.

Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang kích thích tiêu dùng gia tăng.

Sau cơn thập tử nhất sinh, sự thành công hơn mong đợi - sau thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân cùng việc nhận được các ngân khoản cứu trợ khẩn cấp từ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - của Hy Lạp đã tạm tháo được ngòi nổ của quả bom tài chính nguy hiểm nhất Châu Âu. Dẫu chưa thể đặt chân vào ranh giới an toàn, nhưng tiến triển khả quan của con bệnh nợ nần nghiêm trọng nhất Lục địa già ít nhất đã làm thế giới thấy rằng những đơn thuốc liều cao liên tục được kê đã bắt đầu có tác dụng. Như vậy, không đơn thuần chỉ là gánh nợ Hy Lạp đã nhẹ bớt mà quan trọng hơn nó cho thấy các nỗ lực của Châu Âu thời gian qua không là vô nghĩa. Cựu lục địa không biết mệt mỏi - ít nhất đến thời điểm này - có lẽ đã tìm ra đường đi thích hợp để thoát khỏi ngõ cụt tài chính tưởng chừng sẽ nhấn chìm lục địa phồn hoa này trong bất ổn kinh tế.

Nhẹ nhõm khi đã hóa giải một phần ẩn số Hy Lạp, Châu Âu càng mừng vui hơn khi các chỉ số của nền kinh tế Đức phản ánh sự mạnh khỏe của cường quốc số 1 châu lục. Lòng tin của các nhà đầu tư Đức trong tháng 3 đã tăng lên 22,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6-2010 và là tháng tăng thứ tư liên tiếp khẳng định đầu tàu kinh tế này vẫn có thể duy trì vai trò trụ cột trọng yếu nhất để vực dậy một Lục địa già đang điêu đứng trong suy thoái. Một chu kỳ hưng thịnh dường như đã thấp thoáng đâu đó trong bối cảnh một số quốc gia lăm le nối gót Hy Lạp đã phát đi những dấu hiệu đáng để hy vọng. Italia phát hành thành công 6 tỷ euro trái phiếu, thặng dư thương mại của quốc gia từng phải nhận cứu trợ là Ireland năm 2011 đạt kỷ lục 44,697 euro, một "bệnh nhân" khác là Bồ Đào Nha có thể đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách 4,5% năm 2012 và giảm nợ nhanh hơn dự báo... Tất cả đang phản ánh một thực tế rằng, các chương trình thắt lưng buộc bụng hay cải cách kinh tế khắc khổ dù khiến dân chúng nổi giận, cuối cùng đã đưa các quốc gia lâm nguy này trở lại quỹ đạo hồi phục cần thiết. Niềm tin đã lại nảy mầm trên mảnh đất bị nhiều thương tổn từ cơn bão nợ công.

Từ bờ bên kia Đại Tây Dương, các tín hiệu tốt đẹp về đà tăng trưởng rõ ràng của kinh tế Mỹ quả là đã đến đúng lúc khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào những vòng cua gay cấn. Thị trường nhà đất bắt đầu nhúc nhích, số nhà xây mới tăng thêm đã góp phần cải thiện yếu huyệt của kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm dần khi số lượng việc làm được tạo ra trong 3 tháng kể từ tháng 11 năm ngoái cao hơn bất kỳ thời gian nào tính từ năm 2006. Đây được xem là một điểm cộng cho chính phủ của Tổng thống Barack Obama. Cục Dự trữ liên bang (FED) cũng có thể bớt đứng ngồi không yên khi các chương trình kích thích kinh tế đã không rơi vào hư không như từng bị chỉ trích. Tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng và người dân nước này bắt đầu mở hầu bao nhiều hơn làm dấy lên hy vọng Mỹ đang trên đường lấy lại danh hiệu xã hội tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Trong một thời gian dài mệt mỏi với những âu lo thường trực về nguy cơ một cuộc suy thoái mới, diễn biến tích cực được mong mỏi bấy lâu là lời khẳng định thuyết phục nhất rằng kinh tế toàn cầu đã lùi được một bước trước vực thẳm. Sự kiện bộ phận phân tích thông tin kinh tế thuộc Tạp chí Economist của Anh (EIU) vừa nâng mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên 3,2% đã thêm động lực mới để thế giới tin tưởng đường đến thành công không còn quá xa.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa con tàu kinh tế thế giới đã vào vạch an toàn. Những rủi ro tiềm tàng từ sự yếu kém của hệ thống tài chính toàn cầu vì nợ nần chồng chất, đà tăng trưởng ngoạn mục của các nước đang trỗi dậy bị chững lại, các chính sách tài khóa ngặt nghèo do lạm phát... vẫn là những chiếc bẫy chết người sẵn sàng làm tiêu tan những thành quả mỏng manh vừa đạt được. Do đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế theo tinh thần "đồng cam cộng khổ" vẫn sẽ là chiếc chìa khóa vàng để thoát khỏi cơn suy thoái. Bão khủng hoảng như đang dần tan nhưng những sóng gió vẫn còn lẩn quất đâu đó. Đây là một thử thách không chỉ với lòng kiên nhẫn mà còn của sự khéo léo, linh hoạt và thích ứng với thực tế hiện nay của các nhà lãnh đạo toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin đã lại nảy mầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.