(HNM) - Lâu nay, siêu thị vẫn là nguồn cung thực phẩm được nhiều bà nội trợ lựa chọn bởi tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, trước một loạt vụ việc hàng hóa không rõ nguồn gốc được gắn mác hàng sạch, hàng chất lượng cao được bày bán trong siêu thị bị phát hiện mới đây, người tiêu dùng đang trở nên hoang mang, mất niềm tin vào một loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, tiên tiến. Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến của cơ quan quản lý, người dân về vấn đề này.
Bà Nguyễn Minh Phương (Phường Láng Hạ, Đống Đa): Niềm tin bị lung lay
Lâu nay tôi vẫn nghĩ siêu thị là kênh cung ứng hàng hóa đáng tin cậy bởi chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan chức năng; đồng thời bản thân siêu thị cũng có "barie" quy định chặt chẽ đối với sản phẩm vào siêu thị phải bảo đảm nguồn gốc, chất lượng. Thế nhưng, đã có không ít vụ việc liên quan đến các sản phẩm bị phát hiện đội lốt hàng bảo đảm chất lượng được bày bán trên các kệ hàng của siêu thị. Phải chăng do "gác chắn" của siêu thị sơ hở, quy trình kiểm tra hàng hóa có vấn đề hay do siêu thị coi thường khách hàng, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả?
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Chúng ta đang "thả gà ra đuổi"
Trước vụ việc nấm đội lốt vào siêu thị bị phát hiện mới đây, có thể nói về đầu vào thì Công ty Mai Liên Hương phải chịu trách nhiệm chính bởi đây là hành vi giả mạo hàng hóa. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải gánh trách nhiệm khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi trồng, sản xuất nấm cho đơn vị này. Đây là kiểu làm ăn quan liêu, thiếu trách nhiệm để cho sản phẩm không rõ nguồn gốc lọt ra thị trường. Siêu thị cũng phải chịu trách nhiệm khi tin tưởng vào hồ sơ, giấy tờ doanh nghiệp cung cấp mà bỏ qua khâu kiểm tra thực tế quá trình nuôi trồng, chế biến, đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể thông thái khi mà chính những "barie" gác cửa chất lượng sản phẩm lại làm ăn thiếu trách nhiệm như vậy. Qua những sự việc như thế này, tôi cho rằng lẽ ra chúng ta phải quản lý từ gốc, tức là từ trang trại, luống rau, thế nhưng trên thực tế lại đang chủ yếu quản lý ở ngọn, tức là khâu bán lẻ. Việc "thả gà ra đuổi" như thế này thì không chỉ có những sản phẩm "đội lốt" nấm, rau an toàn, gà đồi Yên Thế, nho Ninh Thuận… bị phát hiện, mà chắc chắn rằng sẽ còn nhiều sản phẩm khác nữa.
Chị Vũ Thanh Nga (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên): Người tiêu dùng lãnh đủ
Để bảo đảm sức khỏe của gia đình, tôi thường mua rau xanh được gắn mác rau an toàn tại một số siêu thị có uy tín, cho dù giá cả thường đắt hơn ngoài chợ dân sinh. Tuy nhiên, tại một số siêu thị, rau an toàn chỉ được để trong túi ni lông không nhãn mác, không địa chỉ, nguồn gốc cơ sở sản xuất khiến người tiêu dùng khó phân biệt với rau không an toàn. Hơn thế nữa, các bao túi đựng rau thường không được đóng kín nên người bán hàng thiếu lương tâm có thể trà trộn thay đổi rau không an toàn vào, đánh lừa người tiêu dùng. Việc nhiều siêu thị mở chiêu khuyến mãi, hạ giá các mặt hàng thực phẩm, rau quả vào cuối ngày khi thời điểm hết hạn sử dụng đã cận kề cũng là cách "đẩy" hàng hóa kém chất lượng vào tiêu dùng. Khi mạng lưới kiểm soát còn yếu kém, doanh nghiệp còn mải chạy theo lợi nhuận, ít chú trọng xây dựng thương hiệu uy tín thì người tiêu dùng vẫn đang phải trả giá đắt cho các sản phẩm mua tại siêu thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng -Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Một số siêu thị "treo đầu dê, bán thịt chó"
Siêu thị là loại hình dịch vụ thương mại văn minh, sản phẩm của thời mở cửa, không chỉ tiết kiệm chi phí cho người bán mà cả người mua được tiếp cận với hàng hóa có niêm yết giá cả rõ ràng, nhãn mác nhìn chung đầy đủ. Chính vì vậy trong những năm qua hệ thống siêu thị đã ngày càng phát triển, nhất là ở khu vực thành thị, nơi đông dân cư. Tuy nhiên, cung cách phục vụ thiếu minh bạch, thậm chí lừa dối của một số siêu thị đã làm cho nhiều người tiêu dùng trở nên thận trọng, giảm sút niềm tin. Lẽ ra an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, vậy mà ngay một số siêu thị lớn cũng làm ăn kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" để thu lợi nhuận cao, chẳng hạn hàng Trung Quốc lại dán nhãn hàng Việt Nam. Người tiêu dùng bức xúc vì bị lừa dối, thiệt hại nhưng thiệt hại về sức khỏe không dễ gì đo đếm, phát hiện ngay được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.