(HNM) - Chiếc ghế vốn bị lung lay bởi những bê bối liên quan tới tình ái của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã không thể trụ vững khi đất nước hình chiếc ủng đi vào tâm bão mang tên “khủng hoảng nợ”.
Trước sức ép từ các đảng phái đối lập và dư luận trong, ngoài nước, sáng 9-11 (giờ Việt Nam), nhà lãnh đạo 75 tuổi này đã phải tuyên bố sẽ từ chức sau khi các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) được Quốc hội Italia thông qua. Thủ tướng S.Berlusconi đã đưa ra lựa chọn trên sau khi liên minh trung - hữu của ông giành được phần thắng trong cuộc bỏ phiếu kế hoạch ngân sách năm 2010 nhưng lại mất quyền đa số tại Hạ viện. Trong tình thế chênh vênh như vậy, nếu tiếp tục nắm quyền, vị thủ tướng từng 50 lần vượt qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khó có thể giành được đa số ủng hộ trong các quyết sách tiếp theo. Để biện pháp cải cách kinh tế mới nhất của Chính phủ - chìa khóa quan trọng giúp Italia vượt qua được vũng lầy tài chính - có thể được thông qua trong tuần tới, ông S.Berlusconi buộc lòng phải "hy sinh" sự nghiệp chính trị ồn ào của mình.
Nền kinh tế Italia suy giảm mạnh vì khủng hoảng nợ. |
Hiện tại, các thị trường tiền tệ đều tin rằng, ông S.Berlusconi không còn khả năng dẫn dắt Italia qua cơn khủng hoảng. Với núi nợ lên tới 1.900 tỷ euro, Rome đang phải đối mặt với sức ép lớn chưa từng có khi chi phí vay mượn đã tăng lên mức cao kỷ lục. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã phi mã từ 6,37% lên 6,77% - cao nhất kể từ năm 1999 và tương đương với mức khiến Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải cầu viện gói cứu trợ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nỗi lo sợ nền kinh tế thứ ba của châu Âu sẽ theo chân Hy Lạp ngày một lớn dần trong khi châu Âu vẫn loay hoay tìm cách xây dựng một "bờ đê" bao quanh Italia nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Cuộc họp của 17 bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels (Bỉ) ngày 7-11 đã không mang lại kết quả cụ thể gì. Cuộc họp cũng ở cấp bộ trưởng tài chính của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-11 cũng chịu chung tình trạng bế tắc. Việc mở rộng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ 440 tỷ euro lên 1.000 tỷ euro phải đợi đến tháng 12 mới có thể được thông qua. Còn sự tham gia của IMF và các nền kinh tế có nguồn ngoại hối dồi dào vào EFSF cần chờ đến cuộc họp tiếp theo của bộ trưởng tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào giữa tháng 2 năm sau.
Như vậy, chỉ trong vòng vài ngày, liên tiếp hai nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu đã phải từ chức. Trước ông S.Berlusconi, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đã chấp thuận rời bỏ vị trí để mở đường cho liên minh chính phủ mới. Cũng như ông S.Berlusconi, áp lực khiến ông G.Papandreou từ chức cũng xuất phát từ nền kinh tế yếu kém. Chưa biết, những người kế nhiệm có khả năng thay đổi bộ mặt của Hy Lạp và Italia hay không, nhưng "sự ra đi" của các nhà lãnh đạo là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang đứng trước ngưỡng khủng hoảng niềm tin của người dân.
Ngày 7-11, phát biểu tại Trường Đại học Tài chính quốc gia Moscow của Nga, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng từng nhắc tới cuộc khủng hoảng này. Bà cảnh báo nền kinh tế thế giới không chỉ rơi vào giai đoạn nguy hiểm và không ổn định mà còn đang trải qua cuộc khủng hoảng lòng tin tập thể. Nếu không có sự đoàn kết và hợp lực khẩn cấp, thế giới có thể bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn định tài chính và phải đối mặt với một thập kỷ thất bại với tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.