(HNM) - Có một nghi lễ rất đặc biệt, làm xúc động lòng người mỗi khi được đến Trường Sa và các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, đó là lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ....
Đã 37 lần đến Trường Sa và các nhà giàn DK1, cũng chừng ấy lần làm lễ tưởng niệm cho các Anh hùng liệt sỹ, nhưng Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách của Bộ Tư lệnh Hải quân không sao cầm được nước mắt. Đôi bàn tay run run thắp nén nhang thơm trên bàn thờ của con tàu HQ-571, trong tiếng nấc nghẹn ngào, anh kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương chiến sỹ hải quân đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.
Cách đây 24 năm, ngày 14-3-1988, tại tọa độ 9 độ 47' vĩ Bắc, 114 độ 16' độ kinh Đông, trên vùng biển đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam đã diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt giữa cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam với lực lượng nước ngoài âm mưu đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với ý chí và quyết tâm sắt đá "Bảo vệ biển, đảo Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính", dẫu hiểm nguy nhưng Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: "Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng". Hay câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường của Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, dù bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng; Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ gan dạ, mưu trí chỉ huy các chiến sỹ tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài chủ quyền vững chắc trên đảo. Còn biết bao tấm gương trong số 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh trong khí phách sáng ngời và niềm tin quyết thắng. Máu của các anh đã tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ". Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân thù phải run sợ.
Rời vùng biển đảo Gạc Ma, chúng tôi được tham dự lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Nghi thức giống bất cứ lễ tưởng niệm nào, nhưng giữa biển khơi nó trở nên bi hùng và làm xúc động lòng người. Trong chiến tranh, mất mát, hy sinh là lẽ thường tình. Nhưng có sự khác biệt rất rõ, nếu người lính hy sinh trên đất liền còn hy vọng tìm thấy thi thể, nhưng với chiến sỹ hải quân như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từng viết: "Các anh hy sinh thịt xương hòa biển mặn… Các anh chết rồi tên tuổi cũng lênh đênh".
Theo Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, hơn 20 năm Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập, sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến 14 cán bộ, chiến sỹ phải hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Và đã có những câu chuyện được viết lên từ lòng dũng cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Đó là câu chuyện Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng khi Nhà giàn Phúc Tần bị đổ đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi thanh thản ra đi.
Có những người lính đảo như Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã quên thân mình trong những giây phút hiểm nguy nhất chỉ để kịp thông báo về đất liền "nhà giàn đổ" và gửi lời chào vĩnh biệt. Trước giờ phút lâm nguy, liệt sỹ Nguyễn Văn An vẫn kịp ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng và ra đi khi chưa được nhìn mặt đứa con trai mới chào đời, để vợ anh, chị Trần Thị Tuyến (quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) mãi tự hào nói với con trai Nguyễn Tiến Anh rằng: "Cha con đã hy sinh vì Tổ quốc như thế".
Những tấm gương Anh hùng liệt sỹ nơi hải đảo xa xôi quyết gắn bó để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng cũng là câu chuyện để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng, còn người là còn đảo" thắp sáng hơn truyền thống bất khuất, kiên cường của bộ đội Hải quân. "Các anh là cây phong ba nắng táp bốn mùa xanh; Là cây thông bền gan bám đá; Là mô đá chênh vênh đảo nhỏ; Là chấm lửa đêm dày, cánh hải âu bay" (thơ Nguyễn Đức Mậu) để đời đời Tổ quốc, nhân dân Việt Nam ghi tạc công ơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.