Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm hạnh phúc sau mỗi chuyến tàu qua…

Dương Linh| 18/02/2016 06:33

(HNM) - Khi dòng người tấp nập, hối hả trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình cũng là lúc những công nhân gác chắn chuẩn bị đi làm.

Chị Trần Thị Thanh Nhàn đang làm nhiệm vụ ở gác chắn Kim Liên A.


Dù nắng như thiêu như đốt hay lạnh cắt da cắt thịt, những nữ gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Nỗi vất vả ấy được nhân lên vào những dịp lễ, Tết, tàu tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách...

Tôi đến trạm chắn tàu Kim Liên A giữa dòng người đông nườm nượp, thấy hai người phụ nữ nhỏ bé - chị Hoàng Lan Anh và chị Nguyễn Thị Hằng - công nhân Đội chắn đường ngang Hà Nội, người đẩy, người kê xà beng hì hụi sửa chữa gì đó. Hỏi ra mới biết chắn bị kẹt, không kéo được. Tàu sắp chạy qua, các chị vẫn loay hoay với công việc tưởng như chỉ dành cho cánh đàn ông, tôi không khỏi tò mò. Đáp lại thắc mắc của tôi, chị Lan Anh chỉ cười: "Việc bình thường của người gác chắn hằng ngày thôi cô ơi!".

Có một đôi lần đi tàu Thống Nhất, tôi rất ấn tượng với hình ảnh những người gác chắn miệt mài trên những cung đường Nam - Bắc. Trong số họ có rất nhiều phụ nữ. Ngay ở Hà Nội, những người phụ nữ gác chắn cũng để lại trong tôi một sự tò mò, muốn tìm hiểu về công việc thường ngày của họ…

Công nhân gác chắn đường ngang phải làm việc 12 tiếng đồng hồ một ngày. Công việc nhìn bề ngoài tưởng chừng rất đơn giản: Nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào. Thế nhưng đằng sau cái việc rất đơn giản đó là những vất vả, thậm chí nguy hiểm đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm không hề nhỏ của người nữ gác chắn. Ban ngày nhiều người đi lại nhưng tầm nhìn và thông tin không bị hạn chế.

Vào ban đêm, nhất là những đêm mưa phùn, trời mù mịt rất khó kiểm soát. Mỗi chuyến tàu chạy qua nơi đường sắt giao cắt với đường bộ chỉ chừng 10 phút, nhưng chỉ cần một giây lơ đãng là để lại hậu quả khó lường. "Làm nghề này như làm dâu trăm họ. Có người vui vẻ, nghiêm túc chấp hành luật giao thông để mình đóng chắn, nhưng cũng có người cố tình vượt gác chắn, hoặc không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh của người gác chắn. Họ không hiểu công việc của chúng tôi lại nói những lời khiếm nhã, thậm chí văng tục, rồi dọa đánh… nhiều khi thấy chạnh lòng, nhưng vẫn phải nhẹ nhàng giải thích để họ hiểu, an toàn là cho tất cả mọi người và cho chính họ". Chị Trần Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1973, có 17 năm trong nghề gác chắn, Tổ trưởng Ban 3 gác chắn Kim Liên A chia sẻ.

Kinh nghiệm đầy mình, nhưng chị Nhàn cũng không thể lường trước được hết nguy hiểm trong nghề. Chị đã từng bị một chiếc xe ô tô chạy ẩu vào ban đêm đâm đổ cả cột biển báo đường sắt và đường bộ, hất bay xuống rãnh khi đang cùng đồng nghiệp dọn đường ngang, chuẩn bị đón tàu qua. Chị bị rạn xương sườn, nằm viện một thời gian…

Đội chắn đường ngang Hà Nội có 73 người thì có tới 50 chị em, đảm trách 8 trạm chắn, từ trạm Trần Phú đến trạm Kim Liên. Trong đó, chắn Khâm Thiên và chắn Nguyễn Khuyến là hai đoạn chắn vô cùng phức tạp và thường xuyên xảy ra xô xát. Tầm nhìn đường sắt hẹp, khuất, mật độ giao thông lớn, đông dân cư. Không có kinh nghiệm không đóng được chắn khi tàu chuẩn bị chạy qua đường ngang. Người dân sẵn sàng tràn vào chắn, do vậy, người gác chắn phải biết xử lý tình huống linh hoạt. Bên cạnh đó, giàn lồng chắn tàu rất nặng, nếu không có kinh nghiệm khi kéo sẽ rất mệt, nhất là với sức vóc của phụ nữ.

Giữa hàng trăm chiếc xe máy sáng đèn, chị Trần Thị Lan - trạm chắn Khâm Thiên đang gò lưng kéo chắn. Đoàn tàu đi qua an toàn, chị mới ăn nốt bữa tối. Các chị thường nấu cơm sớm ở nhà rồi mang theo. Chị nói: "Bọn em gác chắn ở trung tâm Thủ đô không thể vất vả như các chị ở một số cung đường ở các tỉnh, thành khác nhưng áp lực không vì thế giảm. Mật độ giao thông đông, không xử lý nhanh thì tai nạn dễ xảy ra".

Chỉ có người trong nghề mới hiểu và thông cảm được khi các chị thường xuyên vắng nhà buổi tối. Ca tối của các chị bắt đầu từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Trung bình mỗi đêm, đón, tiễn khoảng 20 chuyến tàu. Vào những dịp lễ, Tết, số chuyến thường tăng gấp rưỡi để phục vụ bà con đi lại. Hầu hết chị em không được đón Tết "trọn vẹn" cùng gia đình. Chị Nguyễn Thị Kim Dung có thâm niên 20 năm gác chắn thì 15 năm trực đêm 30 Tết. Chị chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình với giọng rất xúc động "Tôi vào nghề lúc 20 tuổi. Đêm 30 Tết năm 1998, cũng là lần đầu tiên tôi trực gác chắn đêm giao thừa.

Hôm đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuống chúc Tết các anh chị em công nhân Công ty Môi trường, ông đi ngang gác chắn, thấy tôi, liền hỏi: "Sao trẻ thế này mà phải làm đêm 30. Cháu có sợ không? Tôi trả lời: "Cháu không sợ ạ. Cháu yêu công việc này. Cháu thích ngắm pháo hoa". Ông cười hồn hậu "Hành xa trong đêm thế này cháu có bảo đảm được an toàn không?", "Dạ, an toàn là số 1 ạ". Ông động viên "Nghề của cháu là phục vụ nhân dân, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà, cố gắng hoàn thành tốt công việc nhé". Từ đó đến nay, gần 20 năm, nhưng chị vẫn luôn ghi nhớ lời dặn ấy, luôn hết mình, tận tâm với công việc.

Niềm hạnh phúc của các chị, những nữ công nhân gác chắn còn được nhân lên khi giúp được người khác thoát khỏi nguy hiểm. Có những người vì nông nổi, dại dột ra đường tàu tìm cách tự tử, các chị đã khuyên giải và giúp người ta bình tâm trở lại, về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Có trường hợp chị xe thồ hàng nặng quá, vượt đường ngang thì nổ lốp, đổ tung tóe rau củ, các chị tức tốc xúm vào đẩy xe và người ra khỏi đường ray thì chỉ vài phút sau tàu chạy qua. Còn rất nhiều trường hợp, người đi đường mải nghe điện thoại, không biết tàu đang đến, vẫn thong dong qua đường ngang, các chị phải chạy ra lôi họ vào nơi an toàn...

Ông Trương Nam Long, Đội trưởng Đội chắn Hà Nội cho biết: "Những năm qua, không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng nào tại các đường ngang có trạm gác chắn của đội".

Có một điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những nữ nhân viên gác chắn đường ngang là họ đều rất lạc quan. Khi hỏi: Công nhân gác chắn có thu nhập thấp nhất ngành, trong khi mức độ độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc cao, sao không chọn nghề khác? Em Đặng Thị Thư, sinh năm 1995, mới vào nghề được 2 năm, nhân viên gác chắn Ba Mẫu, con gái chị Nhàn nói: "Đủ sống cô ạ. Quan trọng là mỗi khi đoàn tàu qua an toàn là thấy vui, vui cho hành khách, vui cho người đi đường vì không có tai nạn xảy ra. Đó là lý do mà mẹ và cháu gắn bó với nghề".

Chuông điện thoại đổ dồn, một chuyến tàu nữa lại chuẩn bị đến. Các chị tay cầm cờ, thoăn thoắt chạy ra đường ngang để làm nhiệm vụ. Khi tiếng còi tàu lặng hẳn, những chuyến tàu ra Bắc vào Nam xa dần, các chị trở về trạm với nụ cười, bỏ lại đằng sau sự nguy hiểm và nỗi vất vả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm hạnh phúc sau mỗi chuyến tàu qua…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.