(HNM) - Hiện Hà Nội có 380 chợ nhưng phần lớn đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi công tác quản lý, khai thác hoạt động kinh doanh chợ theo mô hình Ban quản lý đã xuất hiện những bất cập trong điều hành thì mô hình chợ do Hợp tác xã (HTX) quản lý đang có những tín hiệu khả quan, từng bước khắc phục những yếu kém của mô hình Ban quản lý.
Việc tham gia kinh doanh, quản lý chợ của các HTX góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý chợ. |
Theo Liên minh HTX TP Hà Nội, TP hiện có 380 chợ đã phân hạng, trong đó có tới 290/380 chợ bán kiên cố và chợ tạm, không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ. Chợ do tổ quản lý thuộc quận, huyện quản lý là 87 chợ; chợ do xã, phường quản lý là 258 chợ. Hằng năm ngân sách vẫn phải tiếp tục chi cho việc đầu tư xây dựng chợ và trả lương cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ kể cả những chợ có thu thấp hơn chi. Trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ vẫn còn rất lớn, cần có một cơ chế xã hội hóa để huy động sự tham gia của cộng đồng để xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ nhỏ, nhất là ở khu vực nông thôn.
Hiện nay trên địa bàn TP có 42 HTX tham gia hoạt động quản lý, kinh doanh khai thác 54 chợ, chủ yếu là các chợ loại 3 tại các quận, huyện ngoại thành với tổng diện tích đất chợ khoảng 100.587m2, trong đó chợ do HTX quản lý kinh doanh có diện tích lớn nhất là 10.000m2; và chợ nhỏ nhất là 1.070m2. Thực tế các HTX có thể được hình thành từ nhiều hình thức khác nhau đó là: Từ chuyển đổi mô hình giải thể Ban quản lý chợ để thành lập HTX. Trưởng phòng Tổ chức phong trào Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Hải cho rằng: Mô hình HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ (HTX chợ) mới xuất hiện nhưng đã có kết quả khả quan. Tổng số hộ kinh doanh trong tất cả các chợ khoảng 6.000 hộ, nhiều chợ có diện tích sử dụng lớn, mật độ các hộ kinh doanh trong chợ cao như chợ Nành do HTX DV tổng hợp Ninh Hiệp huyện Gia Lâm quản lý sử dụng 6.030m2 với 930 hộ kinh doanh. Việc giao các chợ cho HTX đầu tư, khai thác, quản lý, theo hình thức hạch toán kinh doanh, tự đảm nhận được thu chi, chủ động mọi hoạt động nên có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình Ban quản lý chợ. HTX quản lý chợ thực hiện được việc xã hội hóa công tác quản lý, đầu tư, kinh doanh chợ và huy động các nguồn lực, giảm được chi phí cho ngân sách… tiêu biểu như: HTX Láng Hạ - Đống Đa; HTX Dịch Vọng - Cầu Giấy; HTX TM Việt Phương - Gia Lâm; HTX chợ Phủ - Quốc Oai...
Qua đánh giá việc chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý chợ sang mô hình HTX quản lý chợ của Liên minh HTX Hà Nội cho thấy: Các HTX quản lý chợ không còn vướng mắc về nghĩa vụ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, HTX có tích lũy đầu tư lại cho cơ sở vật chất chợ. Cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ vẫn được ưu tiên bảo đảm việc làm đồng thời HTX cũng tạo thêm công ăn việc làm mới cho xã viên, người lao động trong HTX bằng việc tổ chức hoạt động dịch vụ như trông xe, điện, nước, bảo vệ, bốc vác… Chủ nhiệm HTX chợ Phủ - Quốc Oai nhận định: Khi được giao quản lý chợ, Ban quản trị HTX chợ chủ động trong việc kinh doanh khai thác nguồn hàng, chủ động đầu tư nâng cấp chợ, chỉnh trang, tu bổ hạ tầng, bố trí điểm kinh doanh khoa học và văn minh đáp ứng nhu cầu của xã viên và tiểu thương trong chợ.
Tuy nhiên, chợ do HTX xây dựng và quản lý cũng còn những hạn chế mà điển hình là việc triển khai các văn bản của nhà nước, thành phố gặp nhiều khó khăn; nếu không có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với HTX sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc bảo đảm an ninh trật tự… Bên cạnh đó là việc các HTX phải bỏ 100% vốn để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hằng năm nên gặp những khó khăn nhất định. Các chợ do HTX quản lý kinh doanh hầu hết là chợ nhỏ, các HTX mới chỉ tập trung làm tốt khâu quản lý, chưa tổ chức được hoạt động kinh doanh, khai thác dịch vụ tại chợ; chưa tổ chức cung cấp nguồn hàng cho tiểu thương...
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An khẳng định: Việc tham gia kinh doanh, quản lý chợ của các HTX đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý chợ. Mặt khác, quyền lợi, trách nhiệm của HTX gắn bó mật thiết với các hộ kinh doanh trong chợ do cùng là xã viên của HTX chính là điều kiện để HTX phát triển. Đề nghị TP cần đẩy mạnh quy hoạch, quản lý chợ, kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. TP cần ban hành các quy định nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các HTX đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ. Các huyện, quận tổ chức đấu thầu để lựa chọn HTX có phương án khai thác kinh doanh hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.