Để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu quả, những trường hợp nào phải thực hiện xác minh tài sản? Cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản? Huỳnh Văn Minh (Huyện Gia Lâm)
Để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu quả, những trường hợp nào phải thực hiện
xác minh tài sản? Cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản?
Huỳnh Văn Minh (Huyện Gia Lâm)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 47 Luật Phòng chống tham nhũng, căn cứ để xác minh tài sản bao gồm:
a) Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai;
b) Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản;
c) Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý;
d) Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 47a của luật này.
Điều 47a, quy định về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản:
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 47 của luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định xác minh tài sản:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;
b) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
c) Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân bầu;
d) Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
đ) Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao;
e) Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xác minh tài
sản đối với người dự kiến được
bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.
2. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu xác minh tài sản nếu trong quá trình tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát có kết luận về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.