Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những trải nghiệm quý

Minh Quang| 14/10/2016 08:00

(HNMO) - Ngôi nhất toàn đoàn Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG 5) vừa qua xứng đáng với nỗ lực của các VĐV Việt Nam, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng không thể trông chờ thành tích này sẽ lặp lại trong các kỳ ABG tiếp theo. Dù sao, thành tích đã đạt được cũng là trải nghiệm quý cho Ngành Thể thao Việt Nam.

Minh An - Đội tuyển bóng ném nữ Việt Nam sau khi lên ngôi vô địch ABG 5.


Trước ABG 5, dù biết thể thao Việt Nam có nhiều môn thế mạnh mà nhiều đoàn khác khó so đọ nhưng chưa ai đặt mục tiêu nhất toàn đoàn mà chỉ hy vọng đoàn Việt Nam sẽ vào nhóm 5 đoàn dẫn đầu, với 18-22 HCV. Thế nhưng, những cơn "mưa vàng" xuất hiện chỉ trong 4 ngày đầu đã vượt xa mục tiêu 18-22 HCV. Thậm chí, sau hai ngày thi đầu tiên, tổng số HCV của đoàn Việt Nam còn nhiều hơn cả 4 kỳ dự ABG trước (10 HCV).

Tất nhiên, người trong nghề hiểu rõ sân chơi ABG lần này có nhiều khác biệt so với các kỳ ABG khác, trong đó nhiều môn thể thao trên biển như lướt ván buồm, thuyền buồm… đều không được tổ chức do không có kinh phí. Thay vào đó, các môn đều diễn ra trên bãi biển và có không ít môn lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu, là thế mạnh của thể thao Việt Nam như đá cầu, võ cổ truyền. Thế nên, mới có chuyện các VĐV đá cầu Việt Nam thi đấu như "chỗ không người" để giành cả 7 HCV/7 nội dung thi đấu. Nhiều môn võ khác cũng là thế mạnh của thể thao Việt Nam, trong đó đội tuyển Pencak Silat giành tới 9/18 HCV, Muay giành 4 HCV, đội vật giành 2 HCV… Ngay như môn điền kinh bãi biển vốn im hơi lặng tiếng cũng đã giành tới 6 HCV. Chỉ những môn ngoài tầm với huy chương châu lục của thể thao Việt Nam như kabaddi, bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển mới chịu cảnh trắng tay.

Hơn nữa, tại ABG 5 nhiều đoàn đã không đưa đến những VĐV ưu tú nhất của mình. Như Indonesia chỉ cử ít VĐV dự môn pencak silat, vốn là môn quốc võ ở xứ Vạn đảo nên sức cạnh tranh ở môn này ít hơn hẳn. Nhiều nước cũng chỉ cử các VĐV tham dự với mục đích giao lưu, cọ xát là chính. Còn thể thao Việt Nam với trên 300 VĐV hàng đầu được tập huấn kỹ càng, dự tranh ở hầu hết môn thi đấu nên không lạ khi huy chương tới tấp bay về. Tất nhiên, trong những tấm huy chương còn là nỗ lực vượt bậc của các VĐV Việt Nam chứ không đơn thuần do đối thủ yếu hay không tham dự.

Thực tế, việc tập luyện và thi đấu ở các nội dung thể thao bãi biển không ảnh hưởng quá nhiều đến VĐV mà đơn giản chỉ là dịp rèn thể lực, giúp họ có trải nghiệm khi thi đấu trên cát, nhất là ở những môn võ vật. HLV Nguyễn Huy Hà - đội tuyển vật nữ - nói: "Việc tập luyện và thi đấu trên cát cũng góp phần tăng sức mạnh cho VĐV, tạo cho VĐV những trải nghiệm thú vị, còn với họ việc chính vẫn là thi đấu tốt ở các giải trong nhà”.

Tại ABG 5, khán giả cũng là điểm sáng, góp phần để Đại hội thành công. Ông Nguyễn Thế Long, phụ trách môn vật (Tổng cục TDTT) cho rằng, chưa lần nào được chứng kiến đông khán giả xem đấu vật như ở kỳ này. Nhiều môn khác như đá cầu, muay, bóng chuyền bãi biển, bóng ném…, với đông người cổ vũ khiến sân đấu có không khí ngày hội thực sự. Nhiều VĐV nước ngoài, trong đó có võ sĩ môn muay M.Salama (Jordan) đã nói rằng, anh thực sự bất ngờ khi có đông khán giả cổ vũ môn muay tại ABG 5. Đấy cũng là động lực để võ sĩ này và nhiều VĐV nước ngoài khác quay trở lại Việt Nam du lịch cùng bạn bè, người thân. Đó là những điểm được khác của ABG khi mục tiêu xúc tiến, quảng bá du lịch, đất nước và con người Việt Nam được đặt ra.

Rõ ràng ABG 5 là trải nghiệm quý giá cho các nhà tổ chức, HLV, VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, để các môn thể thao bãi biển phát triển mạnh ở Việt Nam sau ABG này lại là câu chuyện khác bởi rõ ràng, các môn thể thao trong nhà mới là mục tiêu chính của thể thao Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trải nghiệm quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.