(HNM) - Mới hôm trước, bàn trà tất niên 2013 có câu chuyện thế sự. Đang chuyện không đầu không cuối thì một anh đổi đề tài, nói về lương thưởng cuối năm. Rồi từ chỗ lo ngại "Tết này chắc không có thưởng" chuyển sang chuyện thời thế.
Đại ý, năm 2013 là một năm đáng quên với bao chuyện buồn. Anh điểm lại "điểm nhấn…buồn": Nào là vụ bê bối tham nhũng của ông Dương Chí Dũng và thuộc cấp; những lần có trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin; bác sĩ của Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi hủy xác; nào là án oan vận vào ông Nguyễn Thanh Chấn, "nhân bản" kết quả xét nghiệm y khoa, hải quan để lọt mấy trăm cân ma túy, bảo mẫu nhẫn tâm "đồng lòng" hành hạ trẻ mầm non... Nghĩa là toàn những chuyện buồn trái khoáy đến mức khó mà tin được là có thể xảy ra trong thế kỷ XXI này... Nhưng, cũng có người nhìn nhận khác về năm cũ sắp qua, kể câu chuyện tưởng như không ăn nhập gì với đề tài đang được cả nhóm hưởng ứng. Người này nói: "Tôi không hiểu mấy về những điều vĩ mô, chỉ biết là gần hai năm nay ăn bát phở sáng giữ giá ba chục nghìn, bát xôi xéo ở phố ẩm thực Tống Duy Tân vẫn chỉ có bảy nghìn. Suy giảm kinh tế làm cho người ta nhìn ra giá trị thực, không còn tự tung tự tác, muốn làm gì cũng được nữa".
Anh hưởng ứng những chuyện đang khiến cả xã hội lo lắng bằng giọng tưng tửng, nhìn kinh tế vĩ mô qua giá cả cho một món quà sáng, hơi lạ nhưng không phải là không có lý. Cái lý ở chỗ, như người ta thường nói là "trong họa có phúc" chăng?
Nếu nhìn nhận về năm 2013 mà chỉ đề cập những vấn đề tiêu cực, trong đầu thường trực nỗi ám ảnh về sự vụ kinh tế cụ thể hay những "thảm họa" trong lĩnh vực y tế, nhà đất, ngân hàng, trật tự xã hội…, thì đúng là khó thoát khỏi suy nghĩ u ám. Đơn giản là vụ định án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn đang được coi là một lỗi tư pháp có tính điển hình, liên quan đến nguyên tắc lâu nay ta thường nói là "trọng chứng hơn trọng cung", mà như thế thì khó có thể chấp nhận được.
Cái chết thương tâm của chị Lê Thị Thanh Huyền ở Thẩm mỹ viện Cát Tường không đơn giản là một vụ án - không giống với vô ý làm chết người. Đó là một sự vụ mà từ đó, người ta phải nhìn lại một cách nghiêm túc vấn đề chuẩn mực đạo đức, có thể cùng lúc truy vấn trách nhiệm quản lý ngành và quản lý địa bàn, chờ đợi một động thái cho thấy sự thay đổi quyết liệt về mặt công tác này trong tương lai gần, trước khi cán bộ y tế vô trách nhiệm làm chết thêm ai đó thay vì tìm cách cứu sống họ.
Việc hai bảo mẫu Lê Thị Phương Đông và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ trẻ mầm non tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) không phải là điểm tối duy nhất trong việc nuôi dạy trẻ ở Việt Nam nhưng dư luận kinh hoàng, sự phẫn nộ là bởi nó nằm trong chuỗi vụ việc tương tự từng xảy ra ở đâu đó mà cơ quan quản lý địa bàn rõ ràng là đã bó tay. Đó là một câu hỏi nữa về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Vụ "hôi bia" ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) để lại dư vị đắng chát về nhân cách của những người tham gia vào việc này, một bài học đúng nghĩa về ứng xử giữa người với người, đặt ra câu hỏi về đạo đức xã hội hiện nay cũng như vai trò của các ngành liên quan đến giáo dục đạo đức, văn hóa, kỹ năng sống…
Vài điều kể lại, chỉ là số nhỏ trong nhiều vụ việc gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể xã hội trong năm 2013, một năm khiến nhiều "tư lệnh ngành" và chính quyền địa phương điêu đứng trước bài toán trách nhiệm. Một năm mà ở đó, từ những gì đã xảy ra, hơn lúc nào hết, cho ta thấy rõ ràng thêm, rằng quản lý xã hội là một vấn đề phức tạp, không thể chỉ trông vào luật pháp không thôi, mà rất cần sự tham gia của hệ giá trị đạo đức, giá trị nhân văn.
Câu chuyện bên bàn trà cuối năm kể trên có lý là bởi cơ thể xã hội cũng tựa cơ thể người, có bệnh mà không khám thì không biết mình đang trong hoàn cảnh sức khỏe tồi tệ. Như khi kinh tế còn có dấu hiệu khỏe, "bong bóng" nhà đất chưa vỡ ra, người ta dễ dàng tham gia một cuộc chạy đua về bất động sản mà không cần biết có trọng tài đích thực hay không, có thể móc ví trả vài trăm nghìn đồng cho một bát phở bò "Kô bê" và những hàng ăn vỉa hè cứ đến Tết là nghĩ chuyện tăng giá. "Bong bóng" vỡ, kiếm tiền khó khăn hơn, thói hư không còn nhiều đất diễn. Sự khủng hoảng đẩy nền kinh tế đến vị trí báo động vô hình trung lại tạo ra động lực, quyết tâm tìm giải pháp ổn định vĩ mô, tái cấu trúc. "Bệnh" của xã hội đến từ một vài điều tra viên khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu tội mà mình không phạm phải, do có những người như ông Dương Chí Dũng đã làm nghèo đất nước. Đạo đức xã hội bị cho là xuống cấp là bởi có những người như bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ở Thẩm mỹ viện Cát Tường từ làm việc sai chuyển sang việc ác, những bảo mẫu có điều kiện hành hạ trẻ em… Những vụ việc ấy, tuy là tận cùng xót xa, cần phải xử lý thật nặng, nhưng nếu biết nhìn thẳng vào sự thật, phân tích sự việc một cách thấu đáo để đề ra giải pháp khắc phục, ít nhất nó cũng cho ta bài học có ích trong việc ngăn chặn những điều xấu trong tương lai. Nghiêm túc mà nói, nếu nhìn thẳng vào các sự cố, những khó khăn, bất cập trong năm 2013 để rút kinh nghiệm, rút ra bài học thì có thể tạo ..."cơ hội" để siết chặt kỷ cương, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.
Năm mới 2014 đang ở ngay trước mặt. Ngay ngày đầu năm mới, Hiến pháp 1992 sửa đổi, văn bản pháp lý cao nhất, đạo luật cơ bản của đất nước, là sự kết tinh ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân chính thức có hiệu lực. Đó là cơ hội hoàn thiện hệ thống pháp chế XHCN, tạo động lực cải cách nền kinh tế, có ý nghĩa mở đường cho quá trình sửa đổi, hoàn thiện nhiều bộ luật hiện có, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và xã hội một cách toàn diện, huy động nguồn lực xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập.
Cơ hội và động lực đã có, vấn đề là khai thác thế nào. Năm 2014 sẽ là một năm bận rộn của nhiều ngành, địa phương; khối ngành kinh tế, giáo dục, y tế và chính quyền địa phương sẽ phải tạo cho được bước chuyển, đặc biệt là về trách nhiệm quản lý và hiệu quả phối hợp trong phần việc này. Vì sao?
Ít ngày trước, trong một cuộc thảo luận bàn tròn với báo chí, khi phân tích những biểu hiện về mặt xã hội đáng thất vọng như đã thấy trong thời gian qua, Luật sư Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch Công ty tư vấn Invest Consult Group cho rằng, một phần nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống trách nhiệm, "nói cách khác là có những mối quan hệ và trách nhiệm không rõ ràng, hết sức lơ mơ đối với nhiệm vụ của mình". Tuần trước, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện "dân số vàng" ở Việt Nam. Một chỉ số về chất lượng nguồn nhân lực đã được đưa ra, theo đó Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng chất lượng nhân lực hạn chế, chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 12 trong các nước Châu Á theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới… Đó là những ý kiến đúng. Bởi từ những việc đã xảy ra, từ vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, ở Cơ sở mầm non Phương Anh cho đến những "đại án" tham nhũng trong thời gian qua đều cho thấy bóng dáng của thái độ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của nhiều ngành, địa phương. Nó phần nào cho thấy công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực có những vấn đề cần phải khắc phục sớm. Những việc đó, trực tiếp hoặc gián tiếp đều có liên quan đến phần việc của ngành giáo dục, chính xác là liên quan đến định hướng phát triển cũng như chất lượng công tác triển khai giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 - Khóa XI.
Năm 2013 sắp qua đi, mang theo nỗi ám ảnh từ những điều không vui. Từ trong khó khăn, giữa sự mất mát ở nhiều phương diện, ta vẫn có thể nhìn thấy ý nghĩa tích cực của vấn đề, với niềm tin về sự thay đổi, con đường dẫn đến thành quả là một xã hội tốt đẹp hơn mà Đảng và Chính phủ đã và đang quyết tâm tìm giải pháp để biến mục tiêu định hướng thành hiện thực. Ngay trong năm 2014 này, ngành giáo dục đã khởi động một "trận đánh lớn", bắt đầu hành trình chuyển từ "đóng" sang "mở" nhằm tạo bằng được nguồn nhân lực cần có cho sự nghiệp đổi mới, những công dân "toàn cầu" phù hợp với yêu cầu hội nhập. Kinh tế đã có sự cải cách, ổn định ở tầm vĩ mô, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì triển vọng kinh tế vĩ mô trung hạn tiếp tục có những điều kiện thuận lợi. Ngành y tế ở thế buộc phải tăng cường năng lực quản lý nhằm lấy lại niềm tin, chắc chắn sẽ phải tìm ra nhiều giải pháp quan trọng, phù hợp thực tế sau khi đã thu được kết quả nhất định nhờ việc thành lập "đường dây nóng" - tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới. Tình hình trật tự xã hội có chiều hướng khả quan hơn, khi cơ quan công an tăng cường truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội…
Đó là những tín hiệu cho thấy một năm mới 2014 sẽ tốt lành hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.