Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu mới trên đất Mê Linh

Bài và ảnh: Hữu Hoài| 13/02/2013 07:29

(HNM) - Xuân đã về trên mọi nẻo đường của Thủ đô, trên cả những gương mặt rạng ngời của người dân bên bờ tả ngạn sông Hồng. Hòa vào sắc xuân, người dân huyện Mê Linh hân hoan đón Tết Quý Tỵ trong đầm ấm no đủ sau một năm lao động vất vả. Niềm vui đó được nhân đôi khi kinh tế, xã hội khởi sắc, đời sống người dân nơi đây được cải thiện.

Người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh phấn khởi khi mùa màng bội thu.


Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, đón Tết trong niềm vui khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên át dần những mái ngói đỏ, đánh dấu sự phát triển nhanh của một làng quê ngoại thành. Thật ngỡ ngàng, nơi đây đường làng ngõ xóm gần như không nhìn thấy rác, hay những đống phế thải như một số làng quê khác. Rảo bước trên những con ngõ được trải bê tông phẳng lì, Phó Chủ tịch xã Tráng Việt - Đàm Văn Thìn chia sẻ, tuy Tráng Việt không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nhưng người dân ở đây sớm ý thức được rằng cần phải làm cho làng quê mình ngày một văn minh, sạch đẹp. Phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông, bảo vệ môi trường được các thôn xóm hưởng ứng tích cực, tự nguyện với sự vào cuộc của người dân. Đến nay, đường làng ngõ xóm bốn thôn của xã Tráng Việt được bê tông hóa khang trang, mỗi hộ còn trang bị một thùng phân loại rác thải sinh hoạt, hàng ngày được thu gom vận chuyển đúng nơi quy định.

Xây dựng nông thôn mới, Tráng Việt đã thực hiện nhiều tiêu chí khó trong đó có tiêu chí tăng thu nhập cho nông dân được thực hiện khá hiệu quả. Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao - Lương Văn Hùng dẫn chúng tôi thăm cánh đồng rộng 280ha chuyên trồng rau xanh, đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã này. Ông Hùng cho biết, xã viên ở đây đã thực hiện luân canh, tăng vụ, chuyển đổi cây trồng không cho đất nghỉ. Rau ở đây được sản xuất theo đúng quy trình rau an toàn, sản phẩm được dán tem nhận diện không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Năm qua, rau được mùa, trúng giá, có gia đình ở Tráng Việt sản xuất một mẫu ruộng, trừ chi phí cho thu nhập 500-600 triệu đồng/năm, số hộ cho thu nhập 300-400 triệu đồng/mẫu/năm khá nhiều. Ngoài làm giàu từ trồng rau, nhiều điển hình như các ông Lương Văn Lợi, Lương Văn Sơn... thôn Đông Cao, ông Lê Văn Trung, Nông Văn Thái, Trần Văn Mão, Ngô Văn Vân, Trần Văn Kết... thôn Tráng Việt còn thu nhập khá từ chăn nuôi, hay gia đình chị Nguyễn Thị Thêm và nhiều hộ ở xã Tráng Việt khá lên từ nghề trồng hoa. Chị Thêm cho biết, trước đây không ít thửa ruộng bỏ hoang, cỏ mọc như rừng, nhưng ba năm trở lại đây, thấy hiệu quả, nhiều người đã quay lại gắn bó với ruộng đồng.

Không riêng Tráng Việt, các xã, thị trấn của huyện Mê Linh cũng đón Tết trong đủ đầy sung túc hơn sau một năm thắng lợi từ sản xuất nông nghiệp. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phùng Minh Chiến nhẩm tính, riêng diện tích rau xanh của huyện là 3.400ha, năng suất trung bình 23,8 triệu tấn/ha/năm; 104,5ha cây ăn quả, 1.200ha trồng hoa và lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên đà tăng tốc đã làm chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 22,656 triệu đồng/năm, tăng 9,06 triệu đồng so với năm 2010. Trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, Mê Linh đã quy hoạch các vùng sản xuất, mở rộng thêm 5.000ha lúa chất lượng cao trong hai năm 2013-2014 thay thế giống lúa cũ năng suất, chất lượng thấp; chỉ đạo sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn quy mô 20ha tại xã Tráng Việt, từ đó nhân rộng ra 10 xã, phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích rau an toàn lên gần 1.100ha; hình thành vùng trồng hoa với quy mô 20ha trở lên ở 6 xã với diện tích 520,6ha, trong đó phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai dự án trồng 170ha hoa chất lượng cao; chuyển đổi 1.000ha đất bãi trồng khoai lang, dong riềng, dược liệu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng... Đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn đã và đang phát triển mạnh chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 720ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - Đoàn Văn Trọng cho biết, để tạo sự bứt phá trong sản xuất, ngoài sự hỗ trợ từ thành phố, Mê Linh đang nỗ lực huy động các nguồn lực của địa phương và người dân tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tạo ra hiệu quả cao trên đồng đất Mê Linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu mới trên đất Mê Linh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.