Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu đáng mừng

Khánh Linh| 08/05/2010 08:35

(HNM) - Theo ngành chức năng, 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) trên địa bàn cả nước đã giải ngân được hơn 3,6 tỷ USD để thực hiện dự án tại Việt Nam (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2009). Nhiều chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu đáng mừng trong tình hình kinh tế thế giới mới có dấu hiệu phục hồi.

Những con số ấn tượng

4 tháng đầu năm nay, cả nước có 263 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 5,59 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Ngoài ra, có 92 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 325 triệu USD, bằng 7,3% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 4 tháng đầu năm nay, các nhà ĐTNN đã đăng ký đầu tư vào nước ta 5,92 tỷ USD (bằng 74,3% so với cùng kỳ năm 2009).

Sản xuất tại Công ty TNHH zamil Steel Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Huy Hùng

Trong số các dự án cấp mới của 4 tháng đầu năm nay, đáng chú ý có các dự án lớn, như dự án Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2) xây dựng nhà máy nhiệt điện than, công suất 1.200MW, tại Quảng Ninh (tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD) đã đưa lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa vươn lên dẫn đầu về thu hút vốn ĐTNN. Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà ĐTNN, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 1,55 tỷ USD (chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 4 tháng đầu năm), trong đó riêng Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An (1 tỷ USD). Kinh doanh bất động sản đứng thứ 3, với 1,25 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm (chiếm 21,1%), trong đó Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ xây dựng, kinh doanh khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu (902,5 triệu USD)... Hiện, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào nước ta. Nhà đầu tư lớn nhất là Hà Lan (2,15 tỷ USD); tiếp đến là Nhật Bản (1,09 tỷ USD); Hoa Kỳ (1,02 tỷ USD). Địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất là Quảng Ninh, tiếp theo là Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi...

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng đầu của năm nay các DN có vốn ĐTNN mới giải ngân được 400 triệu USD, thì sau 4 tháng con số này đã "nhảy vọt" tăng gấp chín lần (3,6 tỷ USD). Điều đáng mừng là những dự án bị ngưng trệ nhiều năm qua nay bắt đầu khởi động trở lại. Ở một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ vốn ĐTNN đã giải ngân cao là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng theo một cán bộ có trách nhiệm theo dõi tiến độ triển khai các dự án đầu tư ở những địa phương này cho thấy, những dự án lớn được cấp phép gần đây vẫn rất chậm. Đại diện các ban quản lý các dự án ĐTNN cho biết, việc triển khai các dự án chậm lỗi của nhà đầu tư một phần, song cái chính là thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền còn rườm rà. Vì thế, sau nhiều năm, dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ" là điều dễ hiểu. Có không ít địa phương phải làm đi làm lại nhiều lần về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, chúng ta có thể thúc đẩy việc giải ngân tốt hơn, nếu các địa phương chú trọng đến việc cải thiện thủ tục hành chính. Đây cũng là lý do mà Cục Đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành rà soát hoạt động giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước trong tháng 5-2010; trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các ngành chức năng giải quyết những vướng mắc để các dự án được triển khai đúng kế hoạch hoặc rút giấy phép của những dự án hoạt động kém hiệu quả, hay không hoạt động.

Tuy nhiên, để việc thu hút và giải ngân vốn ĐTNN đạt hiệu quả hơn nữa, ngoài việc nỗ lực của các DN, các địa phương cần cải cách thủ tục hành chính. Đây là giải pháp mang tính đột phá, bởi thủ tục mới nhưng tư tưởng cũ sẽ là vật cản lớn trong cải cách hành chính. Trên thực tế, có những vấn đề đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng, nhưng do thói quen với cơ chế "xin - cho" của một bộ phận công chức hành chính, nên việc dễ hóa khó. Do đó, sự công tâm của cán bộ thực thi, cùng cơ chế trách nhiệm pháp lý minh bạch, công khai sẽ là những yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường thu hút vốn ĐTNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu đáng mừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.