Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tiết học “bổ trợ”

Thanh Phong| 05/06/2011 06:58

(HNM) - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là các em học sinh (HS) sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là một kỳ thi rất quan trọng. Vì vậy, để tăng lực cho HS, nhiều trường đã tổ chức các tiết học


Em Nguyễn Minh Long, lớp 9, Trường THCS Thanh Xuân Nam
- Trường em tổ chức tăng tiết cho HS trong khoảng thời gian từ 6h30 đến 7h. Bọn em vẫn gọi đùa đấy là những tiết học "số 0". Vào những tiết học này, chúng em phải tập trung dưới sân trường để nghe thầy, cô giảng bài. Sân trường rộng, hàng trăm HS tập trung cùng một lúc, loa thì oang oang, muốn nghe được lời thầy, cô giảng bài cũng khó. Những tiết học "bổ trợ" làm chúng em rất "oải" vì sáng sớm khó tập trung. Nhiều bạn ngồi dưới không ghi chép bài, nói chuyện, gây ảnh hưởng đến cả lớp. Chỉ có số ít HS có thể tập trung ghi chép và truy bài. Đã có HS bị cảm trong tiết học "số 0". Theo em, nếu muốn tổ chức học "bổ trợ", nhà trường nên sắp xếp thời gian và địa điểm hợp lý chứ đừng bắt chúng em "nhồi nhét" kiến thức kiểu này.

Em Hoàng Thu Trang, lớp 9, Trường THCS Ngọc Lâm
- May mắn là trường em không có sáng kiến tổ chức thêm các tiết học "bổ trợ" như vậy. Còn giờ lên lớp, trường tổ chức học 4 tiết/ngày, 2 tiết học văn và 2 tiết học toán. Các thầy, cô giáo bộ môn chủ yếu kiểm tra, truy bài cho HS bằng những câu hỏi có trong đề cương ôn tập. Tuy nhiên, nhiều bạn trong lớp em còn "chạy sô" học hai môn văn, toán tại các lò luyện thi. Theo em, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đúng là rất quan trọng, nhưng không nên vì thế mà "nhồi nhét" HS. Nếu các bạn tự giác học tập thì không cần "nhồi" mà vẫn có thể đạt điểm cao trong kỳ thi này. Chứ không có ý thức học tập thì dù có "nhồi nhét" đến mấy, có tổ chức bao nhiêu tiết học "bổ trợ" đi nữa cũng không hiệu quả.

Cô Đặng Thanh Loan, phụ huynh một học sinh lớp 9, Hà Nội
- Theo tôi, việc sắp xếp thời gian cho các tiết "bổ trợ" phải hợp lý để các em có thể bảo đảm sức khỏe và tinh thần tập trung học tập. Việc tăng lên đến 6 tiết một ngày hay bắt HS đến từ sớm để học sẽ khiến nhiều HS mệt mỏi, học tập không hiệu quả.

Tôi thấy đề thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm, Sở GD-ĐT thường ra trong chương trình cơ bản THCS, chủ yếu ở lớp 9. Vì vậy, HS chỉ cần ôn tập kỹ, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa lớp 9 là làm được bài. Các phụ huynh không nhất thiết phải cho con đi ôn tập ở các trung tâm luyện thi. Không nên tạo quá nhiều áp lực thi cử đối với các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tiết học “bổ trợ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.