Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tiết học bổ ích ở bảo tàng

Thanh Tàu| 26/12/2022 07:17

(HNM) - Nhiều bảo tàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với các trường học tổ chức cho học sinh dự những buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương, vùng miền và cả nước. Thực tế triển khai cho thấy, đây là hoạt động thiết thực và bổ ích, học sinh hào hứng tham gia và tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn so với học trên lớp.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) tham quan tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệu quả tích cực

Em Lê Thị Hương Giang và các bạn cùng lớp 5A1 Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) hào hứng tham dự chuyến tham quan, tìm hiểu thông tin tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các thông tin được giới thiệu ngắn gọn, đi kèm hình ảnh, âm thanh minh họa nên em và các bạn rất thích thú...

Tiết học ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 phối hợp với Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 12-2022 cho học sinh các trường trong quận, gồm Trường Tiểu học Hòa Bình, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình Tống Thị Mai Hương, thời gian qua, nhà trường đã tổ chức các tiết học lịch sử thông qua hoạt động như: Buổi ngoại khóa “Đưa bảo tàng về với học đường”; hoạt động ngoài giờ lên lớp “Khám phá di sản Dinh Độc Lập online”… Nhờ đó, môn lịch sử đến với học sinh không còn khô khan mà trở thành một trong những môn học được nhiều em yêu thích.

Tại quận 8 (thành phố Hồ Chí Minh), ngành Giáo dục và ngành Văn hóa cũng đã phối hợp tổ chức cho các em học sinh tham dự nhiều tiết học ngoại khóa, tìm hiểu kiến thức từ thực tế tại các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử... Cùng với đó, nhiều trường đã đẩy mạnh việc triển khai những điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bằng việc cho học sinh tham gia các tiết học và tìm hiểu thông tin tham khảo qua kho học liệu số, mô hình bảo tàng Smart Museum 3D/360…

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân cho biết: “Việc thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan khu di tích, bảo tàng trên địa bàn thành phố và tiếp cận các tài liệu số đa phương tiện sẽ giúp các em được trải nghiệm thực tế và bổ sung, trang bị kiến thức phong phú, sinh động về di sản văn hóa, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về lịch sử trong nhà trường”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, từ năm học 2022-2023, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức nhiều hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Trong đó chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, tìm hiểu lịch sử dân tộc... để các em học sinh thấm nhuần quan điểm “dân ta phải biết sử ta”...

Tăng cường phối hợp

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) Mai Thị Hồng Hoa, UBND quận ký kết với các đơn vị bảo tàng gồm: Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật để tổ chức đưa học sinh các trường tiểu học trên địa bàn đến với bảo tàng và đưa di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới…

“Sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước”, bà Mai Thị Hồng Hoa chia sẻ.

Còn Phó Giám đốc Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh Đào Thị Trang thông tin, đơn vị đã miễn giảm vé vào cổng cho học sinh đến tham quan, học tập, đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng; hỗ trợ chuyên môn cho nhà trường để xây dựng kế hoạch tổ chức phục vụ hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm, tổ chức trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian có sự tham gia của nghệ nhân. "Chúng tôi còn phối hợp với các trường tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục thông qua trò chơi, giao lưu với nghệ nhân, nhân chứng, chuyên gia, trải nghiệm, hướng nghiệp... trong thời gian 2 tiết học", bà Đào Thị Trang nói.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian còn lại của năm học 2022-2023, các trường sẽ tiếp tục chủ động lựa chọn nội dung, hình thức giảng dạy di sản văn hóa phù hợp. Lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, nhất là với các môn như: Lịch sử, địa lý, âm nhạc; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể có liên quan đến chủ đề di sản. Song song đó, các trường hướng dẫn học sinh sưu tầm tài liệu về các di sản có liên quan đến bài học; nhà trường chủ động xây dựng hệ thống tư liệu về lịch sử, văn hóa...

“Hết năm học, các trường và các địa phương sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả những hoạt động này để hoàn thiện, triển khai tốt hơn nữa trong các năm học tiếp theo”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin..

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tiết học bổ ích ở bảo tàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.