Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những thay đổi tích cực

Kim Nhuệ| 06/03/2016 07:04

(HNM) - Năm nào cũng vậy, khi Chùa Hương khai hội, nhiều phụ nữ ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình) lại tạm chia tay gia đình, công việc đồng áng để khăn gói tới mưu sinh bằng việc thu gom rác.

Thu gom rác ở Chùa Hương.


Hòa vào dòng người trảy hội Chùa Hương là những nữ lao công thu gom rác trong bộ đồ bảo hộ lao động. Họ cần mẫn nhặt từng cọng rác bỏ vào bao tải. Hỏi chuyện một nữ lao công đang phân loại rác trước khi cho vào lò đốt ở bãi Mả Mê, bến Thiên Trù, chị cho biết tên là Bùi Thị Lâm, quê ở xã Cao Thắng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Được người quen giới thiệu, chị đến Chùa Hương làm việc từ chiều mùng 2 Tết. "Ở quê, ruộng ít lại không có nghề phụ nên tôi quyết định đi làm để chồng lo việc nhà, chăm sóc con cái, làm việc đồng áng, bởi đàn ông thì chẳng mấy thích hợp với việc này. Hy vọng, làm việc đến hết hội, tôi sẽ gom đủ tiền để đảo lại mái nhà cho khỏi dột…" - chị Lâm cho biết. Theo chị Lâm, công việc không quá vất vả nhưng thỉnh thoảng khá ức chế vì nhiều người ăn mặc rõ lịch sự, đẹp đẽ mà ý thức bảo vệ môi trường rất kém, sọt để ngay cạnh nhưng cứ thản nhiên bỏ rác bên ngoài. Nhắc họ thì lại phải nghe những lời khó lọt tai. "Rác họ xả bừa bãi, chậm dọn thì họ lại kêu ca, phàn nàn" - chị Lâm nói.

Công việc thu gom rác ở Chùa Hương vất vả nhất là ở động Hương Tích. Hằng ngày họ phải chờ đến khi hết khách mới có thể tập kết gánh ra cửa động ngót cây số. Mà đường ra điểm tập kết rác không thuận lợi, phải leo lên xuống, qua 120 bậc đá. Chị Đinh Thị Thảo, quê ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được phân công thu gom rác tại động Hương Tích cho biết, trung bình mỗi ngày tổ chị phải thu gom cả trăm bao tải rác các loại… "Chị em chúng tôi phải thay nhau trực và nhặt rác để chốn cửa chùa thanh tịnh và trang nghiêm" - chị Đinh Thị Thảo cho biết.

Gặp Bùi Văn Dũng đang kéo thuyền rác trên Suối Yến để chuyển lên bờ. Trời khá lạnh, dừng tay quệt mồ hôi lấm tấm trên mặt, Dũng cho biết: Do trượt đại học nên tranh thủ đi làm, dành dụm để sắp tới về Hà Nội ôn thi tiếp. Theo Dũng thì năm nay lượng rác trên suối ít hơn, phần vì ý thức của du khách nâng lên, phần vì các chủ đò nhắc nhở khách bỏ rác vào thùng. "Từ đầu hội đến giờ, Ban tổ chức đã phải nhắc nhở, phạt gần 200 chủ đò "quên" bố trí thùng rác trên thuyền, để khách xả rác xuống suối", anh Nguyễn Văn Thắng, quản lý Công ty cổ phần Xây dựng Yến Hương cho biết.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Nam Thăng Long (Hà Nội) nhận xét: "Năm nay, vấn đề vệ sinh môi trường của Chùa Hương tốt hơn. Không còn cảnh rác nổi lều bều trên Suối Yến hay ngập ngụa khắp nơi như trước đây. Tôi rất ấn tượng với những sọt rác bằng tre được để khắp nơi, vừa tiện lợi, hợp vệ sinh lại thân thiện với môi trường". Bà Đỗ Thị Dụ (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, năm nay, chùa Thiên Trù và động Hương Tích rất ít rác thải bừa bãi…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương Nguyễn Văn Hậu, để hạn chế rác thải ảnh hưởng cảnh quan môi trường, năm nay, Ban tổ chức đặt hàng Công ty cổ phần Xây dựng Yến Hương làm công tác thu gom, vận chuyển; trong đó quy rõ trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ thì được thưởng, để khách phàn nàn sẽ bị phạt… Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Yến Hương Nguyễn Văn Phận cho biết: Ban tổ chức đặt yêu cầu cao nên năm nay, công ty đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm nguồn nhân lực. Ngoài 110 người thường trực thu gom, trong những ngày dự kiến đông khách, Công ty huy động thêm 60-70 lao động nữa. Lao động ở đây phần lớn là nữ, chủ yếu đến từ huyện Kim Bôi, Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình… 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thay đổi tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.