(HNMCT) - Năm 2021 đã qua đi, đọng lại câu chuyện nổi bật về dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đó là một năm ảm đạm nhiều bề, bởi hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nhưng thực tế cũng cho thấy chúng ta bước vào năm mới 2022 không phải chỉ với những câu chuyện buồn của một năm cũ đã qua, mà còn có hành trang là tiền đề cho những thay đổi có tính bản lề về mặt nhận thức, lối sống, cách ứng xử của mỗi cá nhân trong hoàn cảnh khó khăn.
Như đã biết, tại Việt Nam, thói quen tiêu dùng lãng phí là một đặc điểm dễ thấy ở rất nhiều người, nhiều nơi. Lãng phí với tài sản cá nhân và lãng phí khi sử dụng của công. Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội, lãng phí sức lực, lãng phí trí tuệ, lãng phí thực phẩm... Những bữa tiệc chiêu đãi “không có lý do”, những buổi gặp gỡ “vô thưởng vô phạt”, những lần xách xe ra đường với ý “làm một vài vòng cho mát”, những chuyến “viếng thăm” trung tâm thương mại dù không có nhu cầu mua sắm cụ thể và kết quả là những món đồ mang về chỉ vì “thích thì mua thôi”. Dịch Covid-19 và những tháng ngày sống trong bối cảnh giãn cách xã hội, sự suy giảm về thu nhập và điều kiện sinh hoạt về nhiều mặt có lẽ đã giúp nhiều người sống chậm lại, chi tiêu thiết thực hơn, bớt lãng phí thời gian và tiền bạc vào những điều không thực sự cần thiết.
Năm cũ đã qua, năm mới 2022 đã tới, Tết Nguyên đán đã ở trước mặt. Bằng một cách nào đó, chắc chắn “nhân tố cô-vy” với hệ lụy là sự suy giảm về thu nhập nói chung sẽ có tác động tích cực nhất định trong việc hạn chế vấn nạn quà cáp biếu xén, “lễ lạt” phục vụ cho mục tiêu thăng tiến, mưu lợi không chính đáng của không ít người. Thói quen “tặng quà có điều kiện” có khả năng “nhạt” đi, trả lại cho các mối quan hệ sự minh bạch, chân thành; những người cứ đến Tết lại “bạc cả tóc vì lo quà biếu” có cơ hội đón một cái Tết yên ả, không còn cảnh lo ngay ngáy vì thứ hủ tục nhiều khi không dễ gọi tên.
Dịch Covid-19, xét ở góc độ nào đó, là một cú hích có thể giúp con người điều chỉnh lối sống, cách ứng xử, thói quen tiêu dùng theo chiều hướng tích cực nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội từ trong thảm họa. Như học sinh các cấp đã phải tạm biệt ước mơ cắp sách tới trường suốt nhiều tháng qua. Đại dịch cướp đi cơ hội gặp gỡ, giao tiếp giữa thầy và trò, vô tình mở ra cơ hội tự học nhiều hơn và hiệu quả thu nhận kiến thức lớn hơn nếu phía phụ huynh, thầy cô giáo biết tận dụng cơ hội đó để thúc đẩy trẻ tự học một cách tích cực. Tự học để tích lũy kiến thức thay vì học thêm để có được một điểm số tốt. Như xu hướng tận dụng thời gian để luyện tập thể dục thể thao thay vì chiều đến là nhấp nhổm tìm lý do rẽ qua quán nhậu trước khi về nhà. Như xu hướng “nghiên cứu” kỹ lưỡng “thực đơn chống dịch” với yêu cầu ngon, bổ dưỡng, giá cả hợp lý cho bữa ăn gia đình thay vì phó mặc sức khỏe cho những suất ăn nhanh. Như xu hướng tổ chức việc cưới, việc tang theo hình thức gọn nhẹ, văn minh, không chỉ phù hợp với yêu cầu phòng dịch Covid-19 mà còn thích hợp với cuộc sống hiện đại…
Dự báo lạc quan cho thấy chúng ta sẽ bước ra khỏi đại dịch trong năm 2022. Nhưng, dù cho dịch Covid-19 có kéo dài hơn nữa thì cơ hội phục hồi nền kinh tế, người người trở lại với cuộc sống bình thường nhất định sẽ tới. Nghĩ về quãng thời gian trước mắt, đón đợi cơ hội rồi sẽ đến đó, sẽ là tốt hơn nếu chúng ta xác định bước ra khỏi thảm họa với hành trang là bài học có ích về tổ chức xã hội mà hạt nhân là mỗi gia đình, bài học về cách ứng xử, lối sống, thói quen của các cá nhân, chắt lọc điều có ích để xây dựng đời sống xã hội và đời sống cá nhân được tốt hơn. Nói một cách khác, sau những ngày dài sống trong khó khăn là hậu quả của đại dịch Covid-19, chúng ta có một số tiền đề để tạo dựng nếp sống mới, thói quen mới, cách ứng xử mới tốt lành hơn. Mỗi người có thể và cần tận dụng cơ hội đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.