(HNM) - Năm năm thực hiện Nghị quyết ĐH X của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển nhanh, bền vững; đời sống của người dân được cải thiện; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… tạo thế và lực cho đất nước ta phát triển mạnh mẽ.
Những bước tiến mới
Cụm thông tin cổ động về Đại hội XI của Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH TƯ khẳng định, chúng ta đã "đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ĐH X đề ra..". Trong đó, thành tựu quan trọng nhất là đưa nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiềm chế lạm phát, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 106 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2005.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được xây dựng; đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện… Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được sắp xếp, cổ phần hóa cơ bản theo nguyên tắc thị trường, công khai, giảm thiểu thất thoát vốn tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, chủ trương kiện toàn các tổng công ty (TCT), thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) đạt nhiều kết quả, góp phần tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Đề cập đến kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Kinh tế nhà nước không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà còn có các nguồn lực khác do Nhà nước sở hữu, gồm ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên, dự trữ quốc gia… Thông qua các chính sách phát triển và cơ chế điều tiết, phân bổ hiệu quả, các nguồn lực này là nhân tố kích hoạt, định hướng việc thực hiện chính sách cơ cấu và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung".
GS.TS Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, TĐKTNN, TCT thực sự là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đi đầu trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Giai đoạn 2006-2010 cũng chứng kiến sự phát triển của các DN thuộc các thành phần kinh tế, tăng gấp 2 lần về số lượng và gấp gần 6 lần về số vốn so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế ngành đã chuyển dịch tương đối rõ nét theo hướng CNH, HĐH; cơ cấu lao động bước đầu có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, kết cấu hạ tầng phát triển, nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng và phát huy tác dụng; điều kiện sống ở nông thôn có nhiều thay đổi. Đơn cử như, Nậm Cang - một xã vùng cao của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có gần 80% số hộ đói, nghèo, trên 70% người dân mù chữ, gần 30% số hộ có người nghiện ma túy, nhờ chủ trương khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của đồng bào, địa phương đã trở thành vùng đất trù phú và yên bình, được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động. Đây chỉ là một trong hàng nghìn ví dụ khẳng định sự đổi thay, chuyển biến của làng quê Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Xây dựng Đảng vững mạnh
Nhiệm kỳ qua, Đảng ta luôn coi trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả bước đầu Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng đã chủ động hơn trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình"; chú trọng ngăn ngừa, khắc phục những lệch lạc, nhất là biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích. Cùng với việc cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng đã có nhiều quyết định về phát huy dân chủ trong Đảng, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cấp lãnh đạo, tăng cường hoạt động giám sát nhằm ngăn ngừa và khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, hoặc dân chủ hình thức. ĐH đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua đã khẳng định, dân chủ và đoàn kết, thống nhất trong Đảng ngày càng được phát huy. Trong đó, nổi bật là công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, khoa học, lựa chọn và bầu được đội ngũ cấp ủy viên có năng lực, trình độ, được tín nhiệm cao; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cao hơn các nhiệm kỳ trước.
Sau 5 năm, nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy chế, quy định nhằm triển khai đồng bộ các khâu: quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Ở Đảng bộ TP Hà Nội, công tác cán bộ được xác định là khâu đột phá, thực hiện trong suốt nhiệm kỳ và đã tạo bước chuyển biến đáng kể. Một phong cách làm việc, một phong cách lãnh đạo mới đang ngày càng định hình rõ nét ở Thủ đô, lấy hiệu quả và sự đồng thuận xã hội làm thước đo, tạo nên những chuyển biến rất đáng mừng trong đời sống xã hội. Đó là việc chọn đúng những khâu, những việc trọng điểm, cần kíp nhất; thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ TP cho đến cấp quận, huyện, phường, xã; rồi tổ chức thực hiện kiên quyết, dứt khoát; có kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời. Không chỉ Đảng bộ Thủ đô, với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ Đảng, nhiều đảng bộ như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện công tác cán bộ và triển khai có hiệu quả chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tập trung bàn, giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc ở địa phương, đơn vị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, được nhân dân tin tưởng.
Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng được coi trọng, chất lượng, hiệu quả nâng lên rõ rệt. Với những quyết tâm, nỗ lực, trong nhiệm kỳ qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, trên một số lĩnh vực, tham nhũng được kiềm chế, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công khi biết dựa vào dân, phát huy cao độ vai trò của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Thật phấn khởi khi trước thềm ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Tổ chức Minh bạch quốc tế ghi nhận, quyết tâm và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã mang lại kết quả.
Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước và những người dân nước Việt đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và kỳ vọng ĐH lần thứ XI của Đảng sẽ tiếp tục đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp, lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Thành tựu nổi bật trong 5 năm 2006 – 2010 - Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006-2010: 6,9 %/năm. - GDP năm 2010 đạt 106 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2005; GDP bình quân/người: 1.200 USD. - Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010 tăng trung bình 18,2%/năm, bằng 42,5% GDP, trong đó vốn trong nước chiếm 67,2%. - Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 147 tỷ USD (gấp 7 lần 5 năm trước), vốn thực hiện đạt hơn 45 tỷ USD; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết đạt 23 tỷ USD, giải ngân đạt 11,6 tỷ USD. - Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo đạt 20% tổng chi ngân sách. - Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 40%. - Giải quyết việc làm cho hơn 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 5%. - Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9,5%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.