(HNM) - Chiều cuối thu, gió trên đê sông Cà Lồ mát lành thoảng hương lúa chín. Tôi như lạc vào miền cổ tích với những đền chùa, nhà thủy đình, nhà bia ông tổ nghề múa rối nước Đào Thục - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vinh.
Người dẫn tôi đi tìm hiểu nghệ thuật rối nước lại chính là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 anh hùng, người đã chỉ huy nhiều trận đánh hạ gục B52 trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ông là Đại tá Đinh Thế Văn.
Ông Đinh Thế Văn ở thủy đình của làng Đào Thục biểu diễn múa rối. |
“Mở mắt” nhìn địch cho rõ hơn
Trong ngôi nhà rộng rãi trông ra mảnh sân xanh mướt cây cảnh, ông Văn kể tôi nghe về những chiến sĩ yêu quý của mình đã từng ngồi trên mâm pháo, trải bao trận mạc, từ khi rời khóa huấn luyện ở Canh Nậu (Yên Thế - Bắc Giang) do chuyên gia tên lửa phòng không Liên Xô Phêđôtốp trực tiếp dạy năm 1965, bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên F105 ngày 10-8-1966. Đến tháng 10-1968, Tiểu đoàn 77 đã hạ 14 máy bay các loại, từ F105, F4, đến máy bay không người lái. Kỷ niệm sâu sắc mà đến bây giờ, vẫn không phai nhòa trong tâm trí ông, chính là ở trên trận địa Phú Thụy, Gia Lâm, từ đầu năm đến tháng 10-1968, đánh địch 4 trận, đơn vị ông bắn rơi 4 máy bay không người lái. Với những thành tích xuất sắc; tiểu đoàn đã được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa. Tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân chủng PKKQ cuối năm 1968, ông được vinh dự thay mặt tiểu đoàn nhận cờ quyết thắng của Quân chủng PKKQ.
Đầu năm 1971, theo sự chỉ huy của Quân chủng PKKQ và Sư đoàn 361, Tiểu đoàn 77 đến trận địa Chèm, án ngữ phía tây - tây bắc Hà Nội, chuẩn bị cho trận đánh lớn mà Trung ương Đảng và Quân ủy dự đoán nhất định sẽ diễn ra.
Từ tháng 10 năm 1972, tiểu đoàn tăng cường hơn nữa luyện tập đánh B52 bởi vì vấn đề mới và cũng là khó nhất so với những năm trước khi đối đầu với B52 thế hệ mới là làm thế nào để bắt đúng nhiễu của B52 trong biển nhiễu cực mạnh của các loại máy bay chiến thuật bay bảo vệ xung quanh. Ông nhớ lại: Khi Liên Xô viện trợ tên lửa để đánh máy bay Mỹ, từ năm 1967, các đồng chí chuyên gia có nói với chúng tôi: “Giao vũ khí cho Việt Nam, chúng tôi tin tưởng các đồng chí với những bộ óc thông minh và những bàn tay vàng sẽ chiến thắng”. Bàn tay vàng, chính là ba trắc thủ dày dạn kinh nghiệm và thông minh tuyệt vời. Mỗi B52 có 16 bộ phát nhiễu, đeo 15 tấn bom. Cả dàn không kích bay theo hình cũi lợn: 3 chiếc B52 ở giữa, hơn chục máy bay các loại bay xung quanh bảo vệ. Chúng tôi đã kiên trì tìm ra cách bắt đúng dải nhiễu của B52 giữa biển nhiễu hiện trên màn hình. B52 càng vào gần, mục tiêu càng hiện rõ. Lúc đó, bằng khả năng và sự thao tác nhanh nhạy, các trắc thủ có thể bắt được mục tiêu.
Tìm ra được nhiễu B52 trên màn hình đã khó, nhưng có dám cho ra đa phát sóng không còn khó gấp bội, vì nó bắt được sóng ta phát sẽ phóng tên lửa tiêu diệt trận địa, tổn thất khó tránh khỏi. Nhưng bó tay ư? Tôi củng cố ý chí quyết chiến quyết thắng trong tiểu đoàn, nhất là với các trắc thủ: Nguyễn Văn Đức, sĩ quan điều khiển; Lưu Văn Mộc, trắc thủ góc tà; Đỗ Đình Tân, trắc thủ góc phương vị; Phạm Hồng Hà, trắc thủ cự ly. Và Tiểu đoàn 77 là tiểu đoàn đầu tiên trong trung đoàn đã kiên quyết phát sóng ra đa để bắt bằng được nhiễu B52. Có một kỷ niệm rất vui, khi đó, Chính ủy Sư đoàn 361- anh Văn Giang có nói với anh em các trung đoàn: “Văn mở mắt được rồi, các anh cứ mạnh dạn mở mắt ra”. Mắt của chúng tôi, chính là phát sóng ra đa đấy. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề nữa khá nan giải là địch thả nhiễu giả của B52 và nhiễu của F111 hòng bịt mắt ra đa và đánh lừa ta bắt không trúng mục tiêu. Nó chủ quan cho rằng: không có lực lượng nào quan sát và bắn được B52. Ở Tiểu đoàn 77, Nghiêm Xuân Danh là đôi mắt thần của chúng tôi. Ngồi trên chuồng cu lênh khênh, mặt đối mặt với máy bay địch, Danh quan sát chúng bằng kính TZK có bội số 32. Khi B52 bay vào ở cự ly khoảng 40km, tinh mắt là có thể phát hiện được, và đợi nó vào đúng 35km là tôi cho phát sóng ra đa; bám chặt nó ở cự ly 32km, phóng hai quả tên lửa, đạn điều khiển tốt; cho tự động cả ba màn; đạn sẽ gặp mục tiêu ở cự ly 22-23km.
Hợp sức hạ gục siêu pháo đài bay B52
19 giờ 42 phút ngày 18-12, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn nghe trung đoàn ra lệnh: Ba tốp B52: 566, 567, 569 bay vào Hà Nội! Tất cả các giàn tên lửa của trung đoàn 257 và 261 có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Hà Nội, chống chiến dịch không kích của đế quốc Mỹ, mở đầu 12 ngày đêm oanh liệt của quân dân Thủ đô và quân chủng PKKQ. Ông kể: “Chiến công của Tiểu đoàn 59 hạ chiếc B52 đầu tiên rơi ở Phù Lỗ đêm 18-12 đã cổ vũ cho chúng tôi càng thêm quyết tâm; 4 giờ 36 phút sáng 19-12, chúng tôi phóng tên lửa, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 22km. Máy bay B52-D bùng cháy rồi rơi xuống Tam Hưng, Thanh Oai (Hà Tây cũ) lúc 4 giờ 39 phút. Chiến công đầu đã khích lệ anh em toàn tiểu đoàn. Đêm 20-12 rạng sáng 21-12, chúng tôi đánh 4 trận, diệt 2 máy bay B52 rơi tại chỗ trên Ba Vì và Phúc Yên. Thật là một đêm quyết tử, đập tan luận điệu ngông cuồng của Mỹ “chỉ cần ba ngày, Hà Nội phải khuất phục dưới bom B52 rải thảm”. Và riêng tôi phải cảm ơn ba trắc thủ tuyệt vời của tiểu đoàn, nếu không có ba con mắt thần này hợp sức phát hiện đúng B52, không thể phóng đạn đi trúng mục tiêu. 9 giờ sáng 21-12, Mỹ đưa tốp máy bay F4 đến hủy diệt trận địa, chúng tôi bị mất hai trắc thủ giỏi, trong đó, đồng chí Nghiêm Xuân Danh đã hy sinh trên đường tới bệnh viện, khí tài bị hỏng, công sự tan nát. Nén đau thương trong lòng, chúng tôi quyết đánh Mỹ đến cùng với tinh thần Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Sáng 22-12, đúng ngày thành lập quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm hỏi động viên anh em. Sau khi củng cố trận địa, sửa chữa khí tài tại chỗ, đêm 27-12, chúng tôi lại vít cổ một pháo đài B52 nữa. Nhưng đến 8 giờ 30 phút sáng 28-12, trong khi tiểu đoàn đang di chuyển trận địa, đến cống Chèm thì ba chiếc F4 bổ nhào ném bom làm ba chiến sĩ ở đại đội 2 hy sinh...
“Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”…
Năm 1990, Đại tá Đinh Thế Văn rời quân ngũ. Làng Đào Thục quê ông có nghề rối nước từ thời vua Lê Hy Tông, do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vinh làm quan Thượng thư về giúp làng dựng phường rối nước. Và cha ông Văn chính là cụ trùm phường, đã giữ nghề tổ truyền lại. Có lẽ chất nghệ dân gian ấy đã truyền sang ông, nên vừa về làng, chưa kịp nghỉ ngơi, ông đã lăn vào việc tìm cách khôi phục nghề rối nước bấy lâu mai một. Ông tận tình giảng cho tôi các tích trò riêng của Đào Thục, làm con rối bằng gỗ sung nên vài tháng phải thay đổi con rối bị hỏng, cũng tốn kém, nhưng làng giữ được nghề vừa ích nước, vừa lợi làng. Từ năm 2000, rối nước Đào Thục ra nước ngoài biểu diễn nổi đình đám. Còn bây giờ, 30 nghệ nhân của làng vẫn duy trì các buổi biểu diễn đều đặn. Ai muốn đến xem, có thể đặt lịch trước với phường rối qua điện thoại…
Một con đường nhựa mới trải từ đường liên xã nối về làng Đào Thục, để khách thuận tiện đi ô tô về làng. Thành phố cũng hỗ trợ làng, cho xây nhà để khán giả xem biểu diễn. Hương hoa cửa thiền, gió đồng thơm mùi lúa chín, và dáng ông cao cao, gầy gầy trên đường làng, gieo vào lòng tôi bao cảm xúc về một thời Hà Nội máu và hoa đã đi vào lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.