TPP sau hơn 20 vòng đàm phán đã mở ra nhiều cơ hội cho 12 nước thành viên trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, khó khăn và thách thức là lo lắng thường trực với nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lĩnh vực đứng trước nguy cơ bất ổn khi bước chân vào TPP chính là ngành tài chính-ngân hàng.
Phải thừa nhận rằng thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam được duy trì với sự ổn định cao trong gần một thập kỷ qua nhờ hành lang pháp lý vững chắc và chính sách tiền tệ quốc gia cứng rắn. Cũng vì thế, người dân và doanh nghiệp luôn đặt trọn niềm tin vào hệ thống tín dụng cũng như các sản phẩm tài chính nội địa. Tuy nhiên, với TPP những lá kim bài đó có thể dần mất đi tác dụng.
Dịch vụ tài chính nội đứng trước nguy cơ cạnh tranh gay gắt
Chương 11 của TPP đã thể hiện rất rõ cam kết của các bên kí kết về việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng. Kèm theo đó là danh mục hàng loạt các sản phẩm tín dụng sẽ được tự do phân phối xuyên biên giới bằng việc loại bỏ các hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan. Hệ quả tất yếu là các tổ chức tín dụng Việt Nam phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh với những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
Việt Nam cũng đã có những bước chuẩn bị cho tình huống này khi thực hiện hàng loạt các thương vụ M&A ngân hàng lớn nhằm tăng cường sức mạnh cho các ngân hàng thương mại chiến lược, giảm thiểu và loại bỏ các tổ chức tín dụng yếu kém trên thị trường. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án 254 "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015" với mục đích tái cấu trúc ngành Ngân hàng, tinh giảm số lượng ngân hàng để lành mạnh hệ thống.
Đầu năm 2015, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015. Trong đó Chính phủ yêu cầu NHNN và các cơ quan, bộ, ngành tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật. Sau 5 năm, số lượng ngân hàng đã giảm xuống dưới con số 20 và vốn điều lệ tối thiểu hiện tại với ngân hàng thương mại đang là 3.000 tỷ đồng (dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng trong tương lai gần). Tuy nhiên, nếu đặt doanh nghiệp tài chính, ngân hàng Việt Nam lên bàn cân với các đối thủ đến từ Mỹ và Canada thì chúng ta vẫn thấy rõ sự hụt hơi về cả tiềm lực tài chính cũng như sự chuyên nghiệp.
Thiếu hành lang pháp lý cho các sản phẩm tín dụng mới
Thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam có sự ổn định, nhưng chưa thực sự đa dạng. Các ngân hàng vẫn chỉ tập trung vào những sản phẩm truyền thống mà chưa có sự đầu tư phát triển các dịch vụ mới theo kịp tiến trình hội nhập, nhất là TPP. Thêm vào đó, hành lang pháp lý cho việc quản lý các loại hình dịch vụ tín dụng mới cũng còn hạn chế. Điều này có thể thấy rõ thông qua việc so sánh danh mục các dịch vụ tài chính sẽ được phép cung ứng xuyên quốc gia tại Điều 11.1 của TPP và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 hiện hành cùng các văn bản hướng dẫn. Rất nhiều loại sản phẩm mới như bảo hiểm hay tín dụng cá nhân trong TPP chưa được ghi nhận trong văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta. Như vậy, nguy cơ là rất rõ ràng, một phần thị trường sẽ bị thả nổi cho các doanh nghiệp tài chính nước ngoài nếu nhà nước không có sự điều chỉnh kịp thời và doanh nghiệp phải năng động hơn nữa.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính
Từ khi mở cửa nền kinh tế, tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế với hơn 200 hiệp định song phương và đặc biệt là việc là thành viên của WTO vào năm 2007, Việt Nam luôn đứng vững và đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận ngay cả khi có khủng hoảng tài chính quốc tế hay khu vực. Để có được thành quả đó là nhờ việc hội nhập không quá “sâu rộng” và thị trường tài chính toàn cầu. Nói cách khác, thị trường tài chính Việt Nam được đặt khá độc lập với thế giới. Đơn cử, như cuộc khùng hoảng tài chính năm 2008, khi mà rất nhiều quốc gia phát triển ở Châu Âu hay Trung Quốc điêu đứng vì mua trái phiếu liên quan đến nợ xấu bất động sản từ Mỹ, Việt Nam đứng ngoài cuộc và vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Lý do đơn giản là vì chúng ra không nhập khẩu các sản phẩm tài chính, tín dụng đó.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác khi gia nhập TPP. Không giống WTO, một cộng đồng quá đồ sộ, các qui định cụ thể sẽ mất một quy trình dài để trở thành hiện thực, thậm chí là dậm chân tại chỗ; TPP với 12 thành viên yêu cầu sự tuân thủ và chấp hành ngay lập tức. Với mục tiêu giảm thiểu 90% hàng rào thuế quan thì một nền kinh tế khi quyết định gia nhập sẽ “buộc phải hội nhập” và không thể tránh khỏi tác động trực tiếp từ chính những thành viên khác. Việt Nam với thị trường tài chính ngân hàng còn non trẻ cũng không phải ngoại lệ. Khi mà các sản phẩm tín dụng ngoại nhập được lưu thông và tự do giao dịch, Việt Nam không thể đứng ngoài các cuộc khùng hoảng tài chính. Do đó, chuẩn bị hành lang pháp lý và chính sách dự phòng cho nguy cơ khùng hoảng cũng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Là quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, Việt Nam nhận được nhiều ưu tiên trong việc triển khai các quy định trong Hiệp định này nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các thành viên. Tuy nhiên, thời gian chúng ta có là không nhiều. Chính vì vậy, chuẩn bị đương đầu với các nguy cơ, đặc biệt trong nghành tài chính ngân hàng, quản trị tín dụng phải là ưu tiên số một với nhà nước cũng như doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.