(HNM) - Là nội dung chính của hội thảo do Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập (NCL) Hà Nội tổ chức sáng ngày 25-2.
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, nếu không có hệ thống các trường NCL thì mỗi năm có đến 1/4 số học sinh (HS) lớp 9 không được vào lớp 10, vì các trường công lập Hà Nội chỉ có thể nhận 3/4 số HS tốt nghiệp THCS. Như vậy, mọi HS sau khi học xong lớp 9 nếu có nhu cầu đều có thể tiếp tục học tiếp lên bậc học THPT. Hệ thống trường NCL còn tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh về uy tín, hiệu quả và chất lượng giáo dục, đem lại lợi ích cho người học và góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục. Đại diện các trường cũng nêu lên ba thách thức lớn của loại hình này và tập trung bàn và đề xuất một số kiến nghị với TP như có thể giao đất hoặc xây trường cho các trường NCL thuê với giá ưu đãi; thành lập "trung tâm đào tạo chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý" nhằm củng cố, trang bị cho giáo viên những kỹ năng chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; hỗ trợ HS khó khăn ở các trường NCL nhằm bảo đảm mục tiêu công bằng trong giáo dục.
Theo thống kê, trong ba năm học gần đây, số trường NCL đã tăng từ 76 trường lên 92 trường. Tuy nhiên, số lượng HS NCL chỉ tăng ở cấp tiểu học (từ 9.900 HS lên gần 13.000 HS), ở cấp THCS (từ 7.800 HS lên 9.500 HS), còn ở cấp THPT lại có sự giảm sút đáng kể. Cụ thể, nếu như năm học 2009-2010, toàn TP có gần 53.000 HS THPT NCL thì đến năm học này chỉ còn 37.850 em. Mục tiêu đạt 40% HS THPT theo học các trường NCL vào năm 2015 như Nghị quyết của HĐND TP vì thế còn nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.