Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tấm lòng hướng về đất mẹ

Quỳnh Chi| 15/04/2013 07:03

(HNM) - Đã thành thông lệ, vào dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương mỗi năm, đoàn kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ lại về nước dâng hương, tri ân công đức tổ tiên theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến hành hương về Giỗ tổ năm nay (từ ngày 7 đến 12-4) tiếp tục để lại những ấn tượng sâu sắc đối với nhiều bà con kiều bào.


65 người đến từ nhiều quốc gia, đa phần không quen nhau trước đó. Vậy mà, ngay trong chặng đường đầu tiên từ Hà Nội lên Cao Bằng, mọi người đã nhanh chóng trở nên thân thiết. Qua những câu chuyện hết sức giản dị và chân thành, các thành viên trong đoàn đã phần nào hiểu hơn về cuộc sống của bà con mình ở một số nước cũng như nền kinh tế và bản sắc văn hóa của từng nơi có người Việt sinh sống. Chỉ những người ở xa đất nước mới hiểu được nỗi nhớ nhung quê nhà đã ăn sâu vào máu thịt như thế nào mỗi khi nhắc đến hai từ Việt Nam. Ông Trần Văn Ba, Ủy viên Ban kiểm tra Hội Doanh nghiệp - Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tại Nga cho biết, tình cảm của người Việt ở nước ngoài giống nhau lắm, hầu như ai cũng đau đáu hướng về đất mẹ. Vì thế, mọi khoảng cách về tuổi tác, địa lý đều được xóa nhòa một cách nhanh chóng để cùng chung nhịp đập của hàng triệu con tim đang hướng về đất Tổ.

Các kiều bào xúc động nghe giới thiệu về thác Bản Giốc.



Niềm hân hoan của những người con vượt ngàn dặm xa xôi về với đất mẹ được nhân lên khi lần đầu tiên bà con được gặp gỡ các chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy, tham quan thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), được tận mắt ngắm nghía và ôm lấy cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Nhiều kiều bào đã không nén được cảm xúc khi được nghe kể về những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ biên phòng phải trải qua khi thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc. Cụ Lê Văn Duyên, 84 tuổi, kiều bào tại Mỹ và là đại biểu cao tuổi nhất trong đoàn lần này xúc động bày tỏ: "Tới thăm Đồn biên phòng Đàm Thủy, thăm thác Bản Giốc, chúng tôi cảm thông và chia sẻ những khó khăn với các chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Tôi bày tỏ sự biết ơn tới các thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã chiến đấu quên mình để mang lại chiến thắng cho dân tộc, để giữ từng tấc đất của quê hương. Tới đây, tôi mới hiểu rõ, đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được phân định rất rõ ràng. Điều đó đã khẳng định luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam mất đất, mất thác Bản Giốc là hoàn toàn bịa đặt. Trở về Mỹ lần này, tôi sẽ viết báo, sẽ tham dự các diễn đàn, để thông tin cho bà con mình những điều mà tôi được mắt thấy, tai nghe ở chính quê hương mình".

Vui mừng, tự hào khi được hiểu rõ hơn về chủ quyền thiêng liêng đất nước, bà con kiều bào cũng vô cùng xúc động khi đi thăm Khu di tích Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chọn làm nơi ở và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Không giấu nổi sự xúc động, ông Đặng Văn Dũng, kiều bào ở Thái Lan cho biết, ông đã về Việt Nam nhiều lần nhưng chưa lần nào có dịp tới thăm nơi này. Từ ngày còn bé, ông vẫn thường được ông bà, cha mẹ và bà con lối xóm kể những mẩu chuyện nhỏ về phong cách giản dị, hòa đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người hoạt động cách mạng ở Thái Lan. "Những câu chuyện về Bác vẫn được bà con kiều bào thường xuyên kể lại với nhau trong các cuộc gặp mặt, đến nỗi trẻ con chúng tôi ngày đó đứa nào cũng thuộc lòng nội dung câu chuyện. Và thật may mắn khi tôi được có mặt tại đây, thăm nơi Người đã từng ở và làm việc", ông chia sẻ.

Rời mảnh đất lịch sử Cao Bằng đi Phú Thọ, đoàn kiều bào đã tham quan, dâng hương đền Quốc mẫu Âu Cơ, đền Quốc tổ Lạc Long Quân và đền Hùng, dự lễ đón bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ấn tượng về chuyến đi nhiều ý nghĩa này chắc chắn sẽ tiếp thêm hơi ấm từ đất mẹ cho hơn 4 triệu trái tim người con đất Việt đang ở xa Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tấm lòng hướng về đất mẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.