(HNM) - Có những sự thật đang tồn tại gây nguy hại cho xã hội. Lại có những sự thật đang diễn ra rất thiếu thực tế, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí là không tuân theo những quy định của pháp luật.
Bây giờ, ngày càng nhiều những loại hoa quả, thực phẩm giá rẻ đến bất ngờ bày bán khắp nơi. Những người bán hàng, chủ các quán ăn đều biết đó là những thứ có hại cho sức khỏe, nhưng vì lợi nhuận, vì mưu sinh cuộc sống họ sẵn sàng… im lặng.
Thế nên có những loại hoa quả trên cửa khẩu Tân Thanh giá chỉ 1-2 nghìn đồng một cân, khi mua còn xanh lét mà về đến Hà Nội đã đỏ mọng; để cả tuần cả tháng vẫn tươi nguyên. Rồi gà đẻ công nghiệp quá già, chỉ có thể dùng làm thức ăn gia súc, còn ta lại nhập về ninh lấy nước làm lẩu hay tẩm ướp trở thành đặc sản... Đó là một sự thật đau lòng dễ nhận thấy, nhưng điều đáng nói là các ngành chức năng chịu trách nhiệm quản lý việc nhập khẩu, kiểm dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe của cộng đồng lại coi đó là "trách nhiệm không của riêng ai" và chỉ đưa ra đủ mọi khuyến cáo. Vậy là hàng triệu sinh viên, công nhân, hàng triệu gia đình nông dân đang khốn khổ vì những thứ "như bèo" đó tràn vào ồ ạt.
Năm 1998, theo quyết định của Chính phủ, rừng ở U Minh Hạ được giao cho dân, cứ mỗi héc ta được trợ cấp 2,5 triệu đồng; sau lại thêm 100 nghìn đồng mỗi năm. Nhưng từ khi nhận rừng nông dân không nhận được tiền theo quy định từ quỹ trợ cấp của Chính phủ. Đã vậy họ còn phải đóng đủ loại lệ phí, kể cả thứ gọi là lệ phí chung. Có đóng đủ phí thì người nhận rừng mới được nhận 50% số tiền thu được từ rừng; phần còn lại thuộc về bên giao rừng. Hỏi về chuyện này, tỉnh khẳng định toàn bộ số tiền Chính phủ hỗ trợ đã được giao xuống dưới nhưng tại sao không đến tay người thuê rừng, tại sao lại lắm thứ thuế quá vô lý thì địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, điều tra...
Rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) - Một khu rừng nguyên sinh hiện nay còn rất ít ở nước ta. Đó thực sự là vùng tài nguyên cần được bảo vệ và nghiên cứu. Nhưng địa phương tính khác. Họ quyết định xóa sổ rừng để xây nhà máy xi măng. Dự án ấy dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn nào vì mấy năm nay chúng ta quá thừa cả nhà máy lẫn xi măng. Vậy mà dự án vẫn được thông qua. Thế mới lạ!
Đào tạo liên thông hiện nay đang rất thịnh hành. Chỉ có một trở ngại, muốn được đào tạo liên thông thì phải thi đỗ. Nhưng đỗ ít trượt nhiều nên "cầu" càng lớn, vậy là một số trường có sáng kiến để giải quyết nguồn cung bằng cách cho nợ đầu vào, nghĩa là ai muốn cứ vào, cứ học miễn đủ tiền. Còn sẽ thi tuyển kiểu gì, khi nào; bằng tốt nghiệp ra sao, giá trị thế nào… thong thả rồi tính. Liên thông đại học nợ, liên thông thạc sĩ cũng nợ. Trường đại học đào tạo liên thông; trường cao đẳng cũng đào tạo hình thức này. Đây là sáng kiến nhiều trường ngay tại Hà Nội mà bộ chủ quản không biết thì đúng là không thể hiểu; biết mà cho qua thì lại càng không hiểu nổi.
Những sự thật đau lòng như vậy còn tồn tại đến bao giờ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.