(HNMO) - Năm 2014 đang dần khép lại với nhiều sự kiện đáng chú ý của ngành y tế. Dưới đây, chúng tôi xin điểm những sự kiện như thế.
Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) được thông qua
Ngày 13/6/2014, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
So với Luật BHYT hiện hành (năm 2008), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có một số điểm quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đáng chú ý, theo luật này, Quỹ bảo hiểm chỉ chi trả cho bệnh nhân điều trị nội trú trái tuyến tỉnh và vượt tuyến trung ương, lần lượt là 60% và 40% chi phí, không chi trả cho khám trái tuyến và vượt tuyến trung ương. Tuy nhiên, khám, chữa bệnh trái tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh được bảo hiểm thanh toán 70% chi phí kể từ 1/1/2015, và thanh toán 100% kể từ năm 2016. Cũng theo luật này, từ năm 2021, khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên cả nước cũng được thanh toán 100% chi phí điều trị BHYT.
Bệnh nhi nằm ghép 4 để điều trị sởi ở BV Nhi TW. (Ảnh: VietNamNet) |
Dịch sởi hoành hành
Xuất hiện lẻ tẻ từ cuối năm 2013 nhưng đến khoảng tháng 3-4 dịch sởi bùng phát, có thời điểm dịch xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. Tính đến gần cuối tháng 4, hàng nghìn trường hợp mắc sởi, trong đó có hơn 100 trường hợp tử vong. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhi phải nằm ghép để chữa sởi. Cũng thời điểm tháng 4, tại Hà Nội, dịch bệnh hoành hành khiến ở đâu cũng nói đến dịch, nhiều ông bố bà mẹ tìm đủ cách để phòng sởi cho con gây nên cơn sốt về hạt mùi già (loại được cho là đun lên tắm cho trẻ sẽ phòng được sởi). Một trong những nguyên nhân dịch lây lan mạnh được cho là do các bậc phụ huynh không chú ý đưa con đi tiêm phòng. Vì thế, ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch, trong đó có đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi. Đến tháng 6, dịch sởi được dập tắt.
Nhiều dịch bệnh đe dọa
Có thể nói, năm 2014 chứng kiến nhiều dịch bệnh tại nước ngoài có nguy cơ lây vào Việt Nam. Đầu tiên là dịch bệnh do virus Ebola, xuất hiện tại châu Phi. Tính đến 19/12/2014, dịch bệnh do virus Ebola đã cướcp đi sinh mạng của 7.437 người trong số 19.131 người mắc tại 6 nước châu Phi và 2 nước ngoài châu Phi. Tiếp đến là Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV). Trường hợp đầu tiên mắc MERS-CoV được ghi nhận tại Ả Rập Xê Út vào tháng 9/2012, đến ngày 3/7/2014 toàn cầu đã có tổng cộng 826 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 22 quốc gia, trong đó có ít nhất 287 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được báo cáo tại các nước khu vực Trung Đông, Ả Rập Xê Út là quốc gia có số trường hợp mắc nhiều nhất.
Ngày 21/11/2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc trong đó 40 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, Trung Quốc đã ghi nhận 1 trường hợp mắc, tại Mỹ ghi nhận 4 trường hợp. Tại Việt Nam 12 năm trở lại đây không ghi nhận ca dịch hạch nào nhưng trước việc dịch bệnh xảy ra tại nước ngoài thì nguy cơ vào Việt Nam là có thể.
Trước việc các dịch bệnh trên đe dọa, ngành y tế trong nước đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các biện pháp phòng như giám sát tại sân bay, bến cảng; áp dụng tờ khai y tế đối với khách nước ngoài từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh…
Cứu sống cháu bé văng khỏi bụng mẹ
Ngày 25/10, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc bằng xe máy đến bệnh viện sinh. Trên đường đi, xe của anh Nam va quệ̣t với ôtô bồn đi cùng chiều, chị Ngọc bị xe bồn cán tử vong tại chỗ, thai nhi văng ra ngoài. Tai nạn cũng khiến anh Nam bị thương phải tháo khớp gối chân phải. Cháu bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM trong tình trạng nhợt nhạt, hôn mê sâu do mất quá nhiều máu, một chân bị đứt lìa…Với sự giúp đỡ tận tình của các bác sỹ nơi đây, ngày 18/11, cháu bé đã được xuất viện trở về với gia đình.
Huy động toàn nhân lực cấp cứu nạn nhân sập hầm thủy điện
Trước vụ việc sập hầm thủy điện Đạ Dâng tại Lâm Đồng làm 12 công nhân mắc kẹt xảy ra ngày 16/12/2014, cùng với nhiều ngành khác, ngành y tế đã huy động toàn lực tham gia cứu nạn.
Nhận được lệnh từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngay lập tức Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứ 3 bác sĩ giỏi để cùng với lực lượng Y tế tỉnh Lâm Đồng tham gia cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm. Tiếp đến, bệnh viện cử thêm nhiều y bác sĩ giỏi đến tham gia cứu chữa. Cùng với đó, hàng chục y bác sĩ khác trong ngành cũng được huy động đến hiện trường. Giữa núi rừng, các lán trại được bố trí thành một bệnh viện dã chiến. Các bác sĩ phải lội bùn lầy vào tận hiện trường giám sát thực địa và sẵn sàng đón nạn nhân để hỗ trợ ngay khi họ được cứu. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khi 12 công nhân mắc kẹt được đưa ra khỏi hầm sập, họ đã nhanh chóng được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo và sớm hồi phục sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.