Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2015

Vân An| 16/12/2015 16:11

(HNMO) – Năm 2015, nền kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn chưa bước ra khỏi thời kỳ suy thoái, dẫu rằng đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Sau đây là 5 sự kiện lớn nổi bật năm qua do Hànộimới Online lựa chọn. Các sự kiện này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế thế giới trong năm tới và những năm tiếp theo.

1. Hai diễn biến lớn liên quan đến đồng Nhân dân tệ

Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2016. Theo đó, nhân dân tệ chiếm tỷ trọng 10,92%. Tỷ trọng của USD là 41,73%, euro là 30,98%, yên Nhật là 8,33% và bảng Anh là 8,09%.

Đây là lần đầu tiên các thành phần của SDR thay đổi kể từ năm 1999, khi euro thay thế mark Đức và franc Pháp trong rổ này. Đây cũng là một bước ngoặt lớn đối với vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính quốc tế.


Trong một diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến đồng tiền này, trong năm vừa qua, Trung Quốc đã có nhiều quyết định phá giá đồng tệ.

Mở đầu là ngày 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá Nhân dân tệ 1,9%, sau đó đồng tiền này đã giảm 3% trong 3 phiên liên tiếp, giảm 4,6 % so với đồng USD. Hành động kích thích này Trung Quốc khiến nhân dân tệ có cú sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1994. Tiếp đó, trong tháng 12, trong các ngày 12 và 14/12, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ của nước này.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc cần thả lỏng nhân dân tệ để tiến tới tự do hóa và cũng để phục hồi xuất khẩu. Tuy vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ đã gợi lại những quan ngại rằng phải mất rất lâu nữa Bắc Kinh mới làm mới được nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng cân bằng hơn, dựa trên những nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn.

2. Giải cứu nợ Hy Lạp thành công

Vấn đề nợ của Hy Lạp một lần nữa lại làm “đau đầu” các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Cuộc khủng hoảng nợ đã khiến nước này trong năm qua phải tiến hành bầu cử trước thời hạn, trải qua những ngày khốn khó chưa từng có trong lịch sử với 2 tuần gần như “đóng băng” hệ thống ngân hàng vì không có tiền mặt cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem có nên “dứt áo ra đi” khỏi khối EU.

Hy Lạp đã trải qua những tháng ngày khốn khó vì nợ nần


Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân nước này vẫn mong ở lại EU, Hy Lạp đã có rất nhiều các cuộc đàm phán với các chủ nợ EU và tháng 7 vừa qua, các lãnh đạo Eurozone và Hy Lạp cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về một gói giải cứu, trong đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ được “bơm” khẩn cấp 25 tỷ euro. Tháng 8, chính quyền Athens và các chủ nợ tiếp tục đạt được thỏa thuận về gói giải cứu cung cấp tới 86 tỷ euro (94 tỷ USD).

Các thỏa thuận này đã khép lại thời kỳ đàm phán vất vả của Hy Lạp suốt thời gian qua. Nước này đã phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ trong suốt nửa năm 2015 và sau đó đã phải nhượng bộ trước nguy cơ bị buộc rời khỏi eurozone.

3. Cuộc chiến "lệnh trừng phạt" giữa Nga và phương Tây

Năm vừa qua, những gói trừng phạt mới với Nga vẫn tiếp tục được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu giận dữ trước sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với phe nổi dậy ở Ukraine, tiếp đó là sự can thiệp của Nga vào tình hình Syria. Tuy nhiên, Nga có phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các biện pháp trừng phạt này hay không lại là một câu hỏi không dễ trả lời khi hơn 45% tổng lượng xuất khẩu của Nga là sang Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, chỉ chưa đầy 3% xuất khẩu của châu Âu được đưa vào Nga.

Không thể phủ nhận, những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào khốn khó chưa từng thấy. Ngày 19/10, chính quyền Nga thừa nhận nền kinh tế nước này tăng trưởng âm 4,3% trong quý 3-2015 do giá dầu thô sụt giảm và cấm vận phương Tây. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm nước này mất tới 100 tỷ USD mỗi năm.

Không ai giành chiến thắng trong cuộc chiến "cấm vận" giữa Nga và phương Tây


Tuy nhiên, Đức, Pháp, các nước khác trong EU như Na Uy, Thụy Điển… cũng thiệt hại nặng nề do các biện pháp trả đũa của Nga. Trong những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Đức sụt giảm 30% so với cùng kỳ hai năm trước đó. Ngành kinh tế trang trại của Đức cũng thua lỗ 800 triệu euro vì các lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Na-uy sụt giảm nghiêm trọng, mất 11% lợi nhuận từ doanh thu bán cá. Kinh tế Thụy Điển lỗ 173 triệu USD do các lệnh cấm vận này… Chưa kể, đáp lại các đòn trừng phạt của phương Tây, Moscow còn giang tay đón thêm nhiều đối tác mới, xây dựng các liên minh kinh tế với Trung Quốc, các nước châu Á và Trung Đông…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, cuộc chiến “lệnh cấm vận” đã không mang lại chiến thắng cho bất cứ bên nào.

4. Giá dầu lao dốc “không phanh”

Năm vừa qua, giá dầu đã hứng chịu những đợt biến động mạnh chưa từng thấy trong gần 10 năm trở lại đây.

Nếu đầu năm 2015, giá dầu còn neo ở ngưỡng khoảng 60 USD/thùng thì vào những ngày cuối năm, giá dầu đã “rớt” xuống gần mức thấp kỷ lục của năm 2008, giao dịch quanh mốc dưới 40 USD/thùng và đang làm dấy lên những lo ngại có thể rơi về mức 20USD/thùng.

Giá dầu hiện đã giảm xuống mức dưới 40 USD/thùng


Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá dầu mỏ lao dốc chính là quyết định không giảm sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó là thông tin không mấy lạc quan từ các báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó cảnh báo về tình trạng nguồn cung tiếp tục dư thừa và nhu cầu tiêu thụ yếu.

Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Giá các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng trên toàn cầu đồng loạt sụt giảm, chứng khoán của các tập đoàn xăng dầu lớn toàn cầu như Chevron và ExxonMobil cũng như hàng loạt các ông lớn trong các lĩnh vực khác cùng mất giá. Đặc biệt, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đang phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề từ sự mất giá của “vàng đen”.

5. Kết thúc quá trình đàm phán TTP

Ngày 5/10, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua, chính thức kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm.

Từ ngày 30/9 đến ngày 04/10, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Bruney, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã họp tại Atlanta, Mỹ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán.

Sau một thời gian đàm phán khẩn trương và kéo dài 5 ngày (dài hơn 2 ngày so với dự kiến), các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước…

Đàm phán TTP đã kết thúc sau hơn 5 năm


Trong báo cáo được công bố đầu tháng 12 của Ngân hàng Thế giới tính toán, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản cho Việt Nam trong vòng 20 năm tới. Phần đóng góp chính vào con số này chính là mức giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu vào các nước trong khối, nhất là dệt may và phụ kiện.

Tuy nhiên, TPP chỉ thành hiện thực khi Quốc hội các nước thành viên thông qua và quá trình này cần ít nhất 18 - 24 tháng. Cùng với lộ trình cam kết của các nước, phải mất 4 - 5 năm, các tác động tích cực lẫn thách thức của TPP lên nền kinh tế mỗi nước mới thật sự rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.