Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sinh viên nghèo tự lo tiền về Tết

Lệ Thúy (CAND)| 28/01/2010 15:37

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, những sinh viên nghèo lại đỏ mắt tìm kiếm việc làm thời vụ để kiếm tiền đỡ đần Tết nghèo cho cha mẹ. Năm nay, kinh tế suy giảm, nhiều công nhân thất nghiệp, công việc lại ít, nên kiếm được việc làm đối với các sinh viên là cả vấn đề nan giải.

Xoay xở tìm việc làm thời vụ

Tại các cổng trường ĐH, CĐ, một thực tế là tờ báo "mua và bán" lại được nhiều sinh viên tìm mua và chuyền tay nhau hơn cả. Càng sát Tết, nhu cầu tìm việc tăng lên, ngoài mua báo và tìm việc theo tờ rơi, sinh viên bây giờ còn có một kênh tìm việc hấp dẫn và tiện lợi là lên mạng online. Chỉ cần vào mục tìm việc làm, là có thể search ra một loạt những công việc đang cần tìm lao động. Trong trường hợp không tìm được việc, chỉ cần đăng ký rao vặt là đã có thể gửi nhu cầu tìm việc của mình tới các nhà tuyển dụng. Thông thường, đăng tin tìm việc trên mạng không đạt nhiều hiệu quả, nhưng dù sao đó cũng là một kênh để có thể chờ đợi.

Thủy, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Cả nhóm bạn của Thuỷ gồm 4 người sống cùng phòng với nhau đều nghèo và đều muốn kiếm việc làm để có tiền về Tết. Theo nhóm cũng có cái lợi vì tiền mua báo, tiền lướt web cũng được san sẻ. Hơn nữa, cơ hội tìm được việc cũng sẽ dễ hơn vì có tới 4 đôi mắt cùng tìm kiếm.

Đối với những người "độc lập tác chiến", công cuộc tìm việc sẽ vất vả hơn. Hồng, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, bắt đầu từ đầu tháng 11 âm lịch, Hồng đã phải mang hồ sơ tới 2 trung tâm lao động việc làm, xếp hàng đăng ký kiếm việc lao động thời vụ. "Mình cứ xếp hàng đó cho chắc ăn, nhưng lâu lâu lại phải gọi điện hoặc lượn qua đó để nhắc nhở kẻo họ quên mất, nhất là trong thời buổi khó khăn, mình không tranh thủ "bon chen" là mất cơ hội", Hồng cười buồn.

Sinh viên đến các trung tâm đăng ký tìm việc làm trước Tết.

Tuy nhiên, một thực tế là kiếm việc, nhất là kiếm việc lao động thời vụ không hề dễ dàng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc làm như năm nay. Thường thì các công việc cần người lúc này đa số đều là những việc đơn giản và khá phổ thông, không đòi hỏi phải có chuyên môn hay tay nghề. Thời gian cho hợp đồng làm việc lại ngắn, thậm chí nhiều nơi còn không cả ký hợp đồng làm việc mà chỉ nói miệng.

Người lao động dù có băn khoăn, có "chặt chẽ, kín kẽ" đến mấy cũng không lại được với nhu cầu cần việc của bản thân, cứ "cành cao" là người ta cho thôi việc luôn, coi như mất đứt cơ hội. Cũng có những trường hợp sinh viên dở cười dở mếu vì khi làm xong việc mà không được nhận thù lao xứng đáng như hợp đồng ban đầu vì lý do "không có kinh nghiệm làm việc"...

Sẻ chia gánh nặng Tết nghèo

Đến từ một vùng đất nghèo của tỉnh Nghệ An, Lương Thị An cũng tất tưởi lo Tết. Sinh ra đã không được bố và gia đình bà nội thừa nhận, một mình mẹ An chấp nhận nuôi con, mặc cho láng giềng đàm tiếu. Cả cuộc đời của cô thôn nữ quá lứa lỡ thì, trót lầm lỡ của mẹ cô đã dồn cho cô con gái bé nhỏ nhưng ham học. Ngày ra Hà Nội học, nhìn cảnh mẹ đứng dưới sân ga liêu xiêu đầy vẻ lam lũ, chịu đựng, An đã tự hứa với mình sẽ phải tự lao động kiếm tiền ăn học, không nhờ vả mẹ nữa. Ngay từ những ngày đầu ra Hà Nội, vừa học, An vừa lượn hết khắp các trung tâm gia sư để xin việc. Cũng phải mất vài lần bị lừa ở trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng, An mới có được chỗ dạy học.

"Sinh viên nghèo xa nhà vất vả lắm. Tằn tiện, chắt bóp cũng đủ sống, nhưng nghĩ thương mẹ ở quê quá, nên em đang kiếm việc làm thêm thời vụ vì gần Tết, thi cử xong, mấy lớp gia sư cũng xin nghỉ sớm nên em khá rảnh rỗi. Em mong kiếm được thêm dăm bảy trăm nghìn thì sẽ mua cho mẹ 1 cái áo ấm mặc Tết", An chia sẻ. Với mục tiêu đó, nên An sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào, kể cả nặng nhọc để kiếm tiền: Từ lau dọn nhà cửa thuê, phát tờ rơi cho đến những công việc nặng như sắp xếp cây cảnh. Tuy nhiên, công việc kiếm được rất ít nên An vẫn tiếp tục hành trình đi tìm việc - tìm Tết về cho mẹ.

Một công việc rất được nhiều bạn sinh viên tìm kiếm đó là bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ Xuân ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Năm nào cũng vậy, khi các gian hàng bắt đầu được khởi động, cũng là lúc nhiều nữ sinh viên tìm đến xin việc.

Trương Hồng Huệ, quê ở Tuyên Quang thì lại may mắn hơn vì không phải kiếm việc mà vẫn có thể làm thời vụ. Huệ có chị gái làm ở một xí nghiệp may ở trên phố Minh Khai, nên cứ có nhiều việc là Huệ lại được tham gia. Bình thường, công việc không nhiều nên mỗi lần giúp chị, Huệ lại được thưởng lúc đôi dép, khi cái mũ. Càng gần Tết, hàng dồn lại nhiều, chị gái làm không hết việc phải nhờ vả, nên dù tiền công chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng gọi là đủ tiền tàu xe về Tết.

Không phải chỉ sinh viên ngoại tỉnh về Hà Nội học mới có nhu cầu kiếm việc làm để lấy tiền tàu xe, mà ngay từ… Tết năm ngoái, Sơn, SV Trường Đại học Văn hóa, nhà ở Thanh Xuân Bắc đã tính đến chuyện… buôn quất cảnh. Gia đình có một cái cửa hàng nước nhỏ nằm gần mặt ngõ, Sơn đã dành dụm tiền cả năm để làm vốn. Ngay từ đầu tháng 11 âm, cậu đã đi xe máy xuống tận vườn quất ở Hưng Yên tham khảo thị trường. "Em chỉ có vài triệu, cũng mua được mấy chục gốc loại nhỏ bày trước cửa hàng đế bán. Cứ thu được vốn thì lại quay vòng, mình mèo nhỏ bắt chuột nhắt thôi chị ạ, nhưng cũng có tiền tiêu Tết, khỏi phải phụ thuộc gia đình", Sơn tâm sự

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sinh viên nghèo tự lo tiền về Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.