(HNM) - Tái hiện không gian vui chơi Tết Trung thu; phục dựng các trò chơi dân gian, chương trình diễn xướng, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống… là những hoạt động được nhiều trung tâm bảo tồn, bảo tàng, di tích dồn tâm huyết thực hiện với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi,
Trẻ em trải nghiệm làm đèn ông sao tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn |
Học để hiểu, để yêu đất nước
Hội trường Trung tâm Hoàng thành Thăng Long những ngày này luôn kín chỗ vào giờ nói chuyện của các nhà văn hóa, nghệ nhân làng nghề... với chủ đề Trung thu - ngày Tết truyền thống của dân tộc. Một trong những người “đứng lớp” thường xuyên là Giáo sư sử học Lê Văn Lan. Với lối dẫn chuyện dí dỏm cùng cách khơi dậy trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ, ông dẫn dắt các thiếu nhi đến với nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa ngày Tết Trung thu... Những thông tin tưởng như vĩ mô, khó tiếp cận, nhờ thế, trở nên dễ nhớ hơn rất nhiều. Phạm Quang Long, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: "Con thích những giờ học như thế! Rất vui, lại biết thêm nhiều điều mới như tại sao gọi là Trung thu, tại sao ngày này thường rước đèn, đánh trống, xem múa rối…, cả nhà thường quây quần bên nhau cùng ngắm trăng, phá cỗ…".
Gặp gỡ, giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nghệ nhân làm đồ chơi trung thu truyền thống cũng là một trong nhiều hoạt động mà Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đang thực hiện tại Hoàng thành Thăng Long nhằm bồi dưỡng, vun đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa đất nước tới du khách quốc tế. Đến với Trung thu Hoàng thành 2017, nhiều người còn được "sống lại" trong không gian Tết Trung thu Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với nhiều món đồ chơi tưởng như chỉ còn trong ký ức, như: Rối tre, ông tiến sĩ giấy, gà, thỏ bằng sắt tây…; thưởng thức những hoạt cảnh rối nước, rối cạn từ các phường rối nổi tiếng như Thanh Hải, Thanh Hà (Hải Dương) hay Tế Tiêu, Mỹ Đức (Hà Nội); tham gia chơi các trò chơi dân gian hay được tự tay làm một món đồ chơi truyền thống… Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết: Từng bước tái hiện những hoạt động phi vật thể, tái dựng nhiều món đồ chơi cổ truyền hay dành nhiều tâm sức tạo nên một sân chơi đậm màu sắc truyền thống, Trung tâm mong muốn góp phần động viên, khích lệ nghệ nhân các làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống tiếp tục gìn giữ, trao truyền nghề, đồng thời giúp các bạn trẻ hiểu và yêu thêm văn hóa đất nước thông qua những hoạt động “tìm về cội nguồn dân tộc”.
Bồi đắp, tiếp nối truyền thống văn hóa
Nếu như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tập trung chuyển tải thông tin, kiến thức cho người xem cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa, vai trò của ngày Tết Trung thu trong đời sống tinh thần của người Việt, thì Bảo tàng Dân tộc học lại hướng du khách đến với những không gian Tết Trung thu đậm đà bản sắc vùng, miền qua các sự kiện “Ký ức mùa trăng” hay “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp”. Đến với không gian Tết Trung thu vừa quen, vừa lạ được tái hiện tại nơi đây, các bạn thiếu nhi có thêm những trải nghiệm mới cũng như thấy được sự phong phú và đậm đà bản sắc của nền văn hóa dân tộc.
Trong những ngày này, tại nhiều điểm trên tuyến phố đi bộ Hà Nội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống cùng các trò chơi dân gian, như: Rải ranh, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan... Tham gia không gian văn hóa này, du khách được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đường phố, xem múa lân, sư tử, rồng, được các tình nguyện viên hướng dẫn chơi trò chơi trong tiếng reo hò, cổ vũ. Ngô Thùy Dung, nhân viên Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Chi nhánh Hà Nội cho biết: "Phố đi bộ Hà Nội là điểm đến ưa thích của em và bạn bè. Những ngày này ở đây càng vui hơn vì các hoạt động hướng về Tết Trung thu rất hấp dẫn. Chúng em được chơi lại những trò chơi từ thời thơ ấu nên vô cùng hào hứng".
Cùng với các đơn vị trên, rất nhiều trung tâm bảo tồn, bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa khác cũng đã và đang tích cực triển khai các sự kiện, chương trình hướng tới Tết Trung thu như một cách khơi gợi tình yêu, niềm tự hào truyền thống văn hóa dân tộc. Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định: Những hoạt động văn hóa hướng về nguồn cội trong dịp Tết Trung thu rất đáng được khích lệ, bởi đây là dịp tổ chức các hoạt động vui chơi, thể hiện tình yêu, sự quan tâm của gia đình và xã hội dành cho trẻ nhỏ, là cơ hội để các cháu tiếp cận, tìm hiểu văn hóa truyền thống, qua đó bồi đắp tình yêu di sản, niềm tự tôn dân tộc, điều vô cùng cần thiết cho mỗi công dân tương lai của đất nước.
Đồng tình với nhận định của Giáo sư sử học Lê Văn Lan, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: Những hoạt động trong dịp Tết Trung thu đang trở thành điểm nhấn đáng quý, tác động tích cực lên đời sống tinh thần của người dân. Sự trở lại mạnh mẽ của những món đồ chơi truyền thống sẽ lấn át thị phần đồ chơi ngoại lai, độc hại. Những không gian chơi trò chơi dân gian đơn giản mà lành mạnh ngày càng được nhiều người hào hứng tham gia như một minh chứng cho việc những gì thuộc về truyền thống và di sản sẽ luôn có chỗ đứng trong tình yêu, trái tim mỗi người, nếu biết khơi dậy và định hướng đúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.