(HNM) - Tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, sáng 12-11, chúng tôi vào một quán nước gần cổng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Sơn, đặt vấn đề
Đưa cho bà chủ quán tấm ảnh của một người khác rồi ngồi đợi. Khoảng một giờ sau, chúng tôi nhận được một tờ giấy chứng nhận sức khỏe của BVĐK Sóc Sơn. Trên giấy chứng nhận có chữ ký của BS chuyên khoa cấp II Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện và chữ ký của các bác sĩ khám lâm sàng, có đóng dấu giáp lai ở góc ảnh. Trong giấy chứng nhận còn ghi đầy đủ các thông số về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu... mặc dù bệnh viện không hề yêu cầu "đương sự" phải lấy máu, nước tiểu để làm xét nghiệm! (?).
Xe cứu thương của BVĐK Sóc Sơn "góp vui" cùng đám cưới.
Làm việc với lãnh đạo BVĐK Sóc Sơn về vấn đề cấp giấy chứng nhận sức khỏe, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định: "Quy trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe ở đây rất chặt chẽ, người có nhu cầu phải có mặt tại bệnh viện, xuất trình giấy chứng minh nhân dân, qua đầy đủ các phòng khám để khám bệnh và phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu". Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa tờ giấy chứng nhận sức khỏe vừa "mua" được ở quán nước gần cổng bệnh viện để kiểm chứng thì ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện thừa nhận đúng là chữ ký của ông, rồi nói: "Quá trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện còn nhiều kẽ hở, cần phải được chấn chỉnh ngay...".
Tùy tiện, sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích
Theo phản ánh của một số y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BVĐK Sóc Sơn thường xuyên sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích, quy định của ngành y tế như: dùng vào công việc của cá nhân, gia đình; đi ăn cưới, đám hiếu, hội họp, tiếp khách, tập huấn... làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh của bệnh viện, gây lãng phí, tốn kém ngân sách nhà nước và kinh phí của bệnh viện.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, BVĐK Sóc Sơn được thành phố cấp 5 chiếc xe cứu thương, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu, khám, chữa bệnh của nhân dân. Ông Nguyễn Sỹ Hùng, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (BVĐK Sóc Sơn) cho biết: Với số lượng hiện có, hằng ngày, bệnh viện bố trí các xe cứu thương trực luân phiên, đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng có sử dụng xe cứu thương vào công việc tiếp khách, đi lấy thuốc, tập huấn, hội họp và thỉnh thoảng cũng có sử dụng đi đám cưới, đám hiếu... Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện lý giải: Vì Sóc Sơn là địa bàn xa trung tâm thành phố, đi lại khó khăn, nên bệnh viện có linh hoạt sử dụng xe chuyên dụng vào công việc khác. Ông Trúc cũng thừa nhận, dù việc sử dụng xe cứu thương đều phục vụ cho công việc của cơ quan, tập thể, song vẫn là sai quy định của Nhà nước và của ngành y tế...
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích, lãnh đạo BVĐK còn "linh hoạt" đề ra và áp dụng cách tính giờ làm thêm chẳng giống ai và cũng chẳng theo quy định nào. Chẳng hạn, chế độ trả tiền ngoài giờ cho khoa Ngoại, Sản như sau: "Mỗi ca phẫu thuật loại 1 được tính 4 giờ, loại 2 là 3 giờ và loại 3 được tính 2 giờ làm thêm". Chính vì cách tính này, nhiều bác sĩ có số giờ làm thêm vượt quá quy định của Nhà nước (Riêng năm 2011, có bác sĩ được thanh toán tiền làm thêm lên đến hơn 2.100 giờ), gây bức xúc trong cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên bệnh viện.
Những sai phạm ở BVĐK Sóc Sơn là rõ ràng, đề nghị Sở Y tế và các ngành chức năng của thành phố Hà Nội sớm vào cuộc, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm, tránh kéo dài những sai phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.