Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sai lầm khi sơ cứu người bị đuối nước

Hoàng Lân| 11/07/2017 19:55

(HNMO) –Sau vụ đuối nước thương tâm tại huyện Thường Tín (Hà Nội) khiến 5 người tử vong, trong đó có cả những người lớn biết bơi khiến dư luận bàng hoàng, rất nhiều người thắc mắc về các biểu hiện cũng như cách sơ cứu nạn nhân đuối nước sao cho đúng cách, tránh được những tổn thất không đáng có.


Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (Bênh viện Bạch Mai) hướng dẫn cách sơ cứu đuối nước.


Cẩn thận với các biểu hiện của đuối nước

Sau vụ đuối nước thương tâm tại huyện Thường Tín khiến 5 người tử vong, trong đó có cả những người lớn biết bơi khiến dư luận bàng hoàng, rất nhiều người thắc mắc về các biểu hiện cũng như cách sơ cứu nạn nhân đuối nước sao cho đúng cách, tránh được những tổn thất không đáng có.

Ngày 11-7, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi hội thảo và hướng dẫn cách phòng, chống đuối nước. Buổi nói chuyện này được thực hiện với mục đích giúp cộng đồng phòng, chống đuối nước đúng cách cũng như cảnh báo những nguy cơ có thể gặp phải.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trao đổi về cách phòng, chống đuối nước.


Bác sĩ – TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đuối nước có rất nhiều biểu hiện khác nhau, không phải nạn nhân nào cũng đủ sức vùng vẫy để kêu gọi người cứu. Có nhiều trường hợp nạn nhân nằm im bất động trên nước, khiến người khác nghĩ rằng đang nằm thư giãn. Trường hợp cậu bé bị đuối nước và tử vong tại một bể bơi xung quanh có nhiều người lớn là một ví dụ đau xót.

Một dạng đuối nước khác đang được các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ lưu ý, đó là hiện tượng “đuối nước cạn”, hay còn gọi là đuối nước thứ cấp. Hiện tượng này xảy ra khi nạn nhân ra khỏi nước, nhưng sau đó gặp khó khăn khi đưa không khí vào phổi. Nguyên nhân là nạn nhân hít phải nước, chất lỏng vào cơ thể. Lượng nước này không đủ nhiều để chạm tới phổi nhưng khiến cho dây thanh quản bị co thắt và thít chặt lại, khiến không khí không tới được phổi. Tình trạng “đuối nước cạn” hay xảy ra với những người có tiền sử bệnh tim mạch. Thực tế đã có nạn nhân tử vong vì “đuối nước cạn”, thậm chí có người đi bơi về nhà 1 – 3 ngày sau mới có biểu hiện mệt mỏi, sau đó tử vong.

Với nhiều biểu hiện khó lường của việc đuối nước, bác sĩ Lương Quốc Chính cảnh báo, khi đưa trẻ đi bơi, kể cả là trẻ biết bơi, vẫn cần sự giám sát của người lớn. Nếu đi bơi với tập thể, mọi người cần phải để ý mọi biểu hiện của nhau. Bất cứ trường hợp nào bất thường cũng có thể là biểu hiện của việc đuối nước. Khi trẻ đi bơi về, các bậc cha mẹ cần để ý các biểu hiện của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu mệt mỏi thì đưa đi khám ngay.

Các bước sơ cứu đuối nước đúng cách

Bác sĩ Lương Quốc Chính cho biết, hiện nay rất nhiều người chưa biết sơ cứu đuối nước đúng cách, hay mắc phải những sai lầm khiến bệnh nhân có thể bị nặng hơn. Một trong những việc làm sai phầm rất phổ biến là bế xốc hoặc dốc ngược người bị đuối nước, chạy vòng quanh.

Bác sĩ hướng dẫn tư thế nằm nghiêng an toàn khi sơ cứu người bị đuối nước.


Theo tư vấn của bác sĩ Lương Quốc Chính, khi phát hiện người bị đuối nước, cách cứu người cần phải được thực hiện như sau: Kéo nạn nhân lên bờ bằng cách túm tóc, túm áo, ôm từ sau lưng, không để nạn nhân túm trực tiếp vì có thể trong lúc hoảng loạn, nạn nhân sẽ ôm ghì người cứu gây thiệt mạng cho cả hai.

Đối với những vùng nước sâu, xoáy, kể cả người biết bơi, nếu không có phương tiện phòng hộ, thì không nên nhảy xuống nước cứu người bị đuối nước. Cách tốt nhất là kêu gọi người giúp đỡ, sử dụng phao, gậy, dây buộc hoặc bất cứ vật dụng gì để người bị đuối nước có thể nắm được, rồi kéo lên.

Các bước sơ cứu người bị đuối nước cần thực hiện như sau:

- Khi đưa nạn nhân lên bờ phải quan sát nạn nhân còn thở hay không.
- Đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn (tay phải để duỗi vuông góc với thân, chân phải duỗi thẳng, tay trái vòng qua cổ, gấp chân trái cong ép vào chân phải). Tư thế này giúp nạn nhân có thể đẩy được nước ra ngoài.
- Trong trường hợp nạn nhân ngừng thở phải gọi cứu hộ và người trợ giúp. Lúc này việc sơ cứu phải thực hiện như sau: Thực hiện liên tục 5 lần thổi ngạt. Tiếp đến là tiến hành hồi sinh tim, phổi bằng cách dùng tay thực hiện 30 lần ép ngực cùng 2 lần thổi ngạt. Chuỗi hành động này lặp lại 5 lần liên tục.
- Khi nạn nhân đã hồi tỉnh, cần phải tìm cách sưởi ấm, ủ ấm cho bệnh nhân vì bệnh nhân thường bị hạ thân nhiệt.

 Xem video bác sĩ Lương Quốc Chính hướng dẫn cách ép ngực, hồi sinh tim phổi:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sai lầm khi sơ cứu người bị đuối nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.