Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “quái chiêu” của ô-sin

Quốc Việt| 22/12/2010 15:59

(HNMO) - Theo một giám đốc Trung tâm cung ứng lao động tại Hà Nội thì người giúp việc hiện nay rất “sành” trong việc đẩy giá tiền lương. Và họ cũng rất chuyên nghiệp trong việc truyền tai từ người kia để cùng đòi tăng lương “hội đồng”, nhất là vào dịp cuối năm này

Người giúp việc hiện nay rất “sành” trong việc đẩy giá tiền lương. Ảnh minh hoạ


Đòi tăng lương, ô sin luôn nghĩ ra “chiêu” mới

Chị Lê Thanh Hằng, một cán bộ huyện Từ Liêm kêu trời vì năm hết Tết đến mà giúp việc nhà chị thông báo nghỉ việc để về quê. Chị tìm đủ cách để thuyết phục cô ô sin ở lại làm đến Tết rồi nghỉ vì cuối năm công việc chồng chất, chị thường xuyên phải làm thêm. Nào là chị sẽ mua thêm quần áo cho bà về quê ăn Tết; nào là chị sẽ xin việc cho con trai bà khi tốt nghiệp trường trung cấp; nào là chị sẽ tăng tiền thưởng Tết… nhưng bà giúp việc vẫn cương quyết về quê.

“Tiến thoái lưỡng nan” chị đành dùng biện pháp tăng lương ngay tức thì cho bà giúp việc nhưng cũng không hy vọng vì thấy thái độ quá cương quyết. Tuy nhiên, ngay sau khi chị Hằng đề nghị tăng lương, bà giúp việc có vẻ suy nghĩ hơn. Và đến sáng hôm sau thì tình hình đã đổi khác. Người giúp việc thỏ thẻ với chị Hằng: “Cô ơi, tôi nghĩ lại rồi, tôi sẽ cố gắng làm để giúp cô. Vì bây giờ cô cũng bận, mà ở quê tôi về thì cũng chơi thôi... Nhưng mà, tôi ở lại, cô thêm cho tôi mấy đồng lương nhé”.

Mang chuyện này nói với mấy cô hàng xóm, chị Hằng mới té ngửa. Hóa ra đó là chiêu đòi tăng lương mà mấy bà giúp việc trong khu nhà đã bàn nhau. Thực ra, cuối năm họ muốn ép chủ nhà để tăng lương, đòi hỏi thêm quyền lợi.

Trường hợp gia đình anh Lê Thanh Hồng ở phố Bạch Mai, "gà trống nuôi con", cũng rất tội nghiệp. Làm việc cho một công ty liên doanh với nước ngoài nên anh Hồng luôn bận bù đầu với công việc, đi sớm về muộn. Con trai anh mới 4 tuổi nên anh trông chờ vào người giúp việc. Cuối năm là thời điểm bận bịu nhất, bắt đầu hành trình tìm kiếm nhưng mỗi người đưa ra một mức lương khác nhau, mỗi tuần một giá khác.

Tuần trước, mức lương mà một cô ô sin 38 tuổi đưa ra là 1,7 triệu đồng nhưng chờ mãi không thấy đến. Sang tuần, chính cô nàng đó điện thoại bảo anh Hồng là có người trả lương 1,8 triệu cho cô ta nên nếu anh không trả cao hơn hoặc bằng thì cô ta không làm. Một người quen giới thiệu anh với công ty môi giới, anh đã trả 600.000 chi phí giới thiệu và người giúp việc có mức lương 1,8 triệu đồng hẹn cuối tuần đến nhận người. Ai dè, khi đón giúp việc thì họ bảo nếu không trả lương 2 triệu đồng thì họ không làm vì cuối năm giá cả leo thang chóng mặt. Cực chẳng đã, anh Hồng đành chấp nhận thuê người với mức lương 2 triệu chứ nếu kéo dài tình trạng trốn làm để đón con, đưa con đi học là cả vấn đề với anh.

Chị Phan Thanh Tú, nhân viên một Công ty xuất khẩu cũng “dở khóc dở cười” khi chị đang tiếp tục mang bầu đứa thứ 2 mà ô sin lại đòi về quê trước Tết. Tâm trạng mệt mỏi, công việc căng thẳng, chị đành mang đứa lớn về bà ngoại dù nhà ngoại cách cơ quan 10 cây số. Vì vậy, mỗi chiều về là cả cực hình với chị khi đi đường xa, đứa lớn mới 3 tuổi quấy đòi mẹ, rồi  còn cho con ăn uống, tắm rửa.

Chị Tú nhờ hết bạn bè, hàng xóm để tìm người giúp việc nhưng cuối năm rất khan hiếm nên cả tháng nay chưa tìm được người. Cực chẳng đã, chị đành phải gọi về quê cô ô sin 20 tuổi đã từng làm trước đó nịnh nọt, năn nỉ cô bé lên làm tiếp với mức lương 2 triệu đồng/tháng (trước đó là 1,6 triệu đồng). Đã năn nỉ, đã tăng lương nhưng cô ô sin đỏng đảnh hẹn cuối tuần sau mới lên vì: “Em còn phải chờ thu hoạch nốt vụ ngô, khoai giúp mẹ ”.

Chờ đợi sự bảo hộ ?!


Theo khảo sát của phóng viên tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn Hà Nội, tình trạng khan hiếm ô sin đã nhìn thấy rõ nhưng số lượng khách hàng ngày càng đông. Mỗi người muốn tìm người giúp việc đều phải đặt cọc từ 500.000-1 triệu đồng để giữ chỗ với mức lương cơ bản hiện nay từ 1,8-2,2 triệu đồng/tháng.

Theo anh Hồ Anh Tuấn - Giám đốc một Trung tâm cung ứng lao động tại Hà Nội thì người giúp việc hiện nay rất “sành” trong việc đẩy giá tiền lương. Và họ cũng rất chuyên nghiệp trong việc truyền tai từ người khác để cùng đòi tăng lương “hội đồng”. Và dù giá bị cao đến chóng mặt thì tại các Trung tâm vẫn luôn “cháy” ô sin. Thời điểm này, anh Hồ Tuấn Anh đã huy động nguồn lao động từ các tỉnh qua bạn bè, nhân viên công ty nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu trên thị trường.

Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) cho biết, một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn người giúp việc hiện nay là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bất kỳ chuyên môn, nghề nghiệp nào. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho biết hiện ở Hà Nội có gần 30 Trung tâm giới thiệu việc làm do Sở cấp giấy phép.

Tuy nhiên, hoạt động giới thiệu và cung ứng người giúp việc chỉ là một nhánh rất nhỏ trong những hoạt động của các trung tâm này. Vì vậy, việc quản lý người giúp việc của các Trung tâm rất khó được kiểm soát và các đơn vị chức năng cũng không có tư cách pháp nhân để kiểm tra việc đào tạo nghề của các Trung tâm này do chưa có quy định cụ thể.

Đã có nhiều đánh giá và nghiên cứu trái chiều về nghề giúp việc gia đình. Những mặt tiêu cực từ người giúp việc như ăn cắp tiền của, tài sản của chủ nhà; cướp của rồi giết người … chứng tỏ chúng ta đang thiếu những điều khoản bắt buộc trong luật, chưa có sự ràng buộc pháp lý.

Theo đánh giá của các chuyên gia việc làm, cần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở pháp lý quản lý lao động giúp việc gia đình, đặc biệt là các quy định về tuổi của người lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quy định về lương cơ bản, chế độ thưởng, phạt… rõ ràng để người lao động không thể tăng lương một cách có hệ thống như đã nêu ở trên.

Được biết, các cơ quan chức năng đang gấp rút triển khai thực hiện, soạn dự thảo trình Chính phủ với mong muốn đưa ra những ràng buộc pháp lý, mối quan hệ lao động hài hòa, công bằng lợi ích giữa hai bên là chủ sử dụng lao động và người giúp việc.

Ông Nguyễn Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, từ năm 2008, Bộ đã soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý người giúp việc, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các vấn đề cơ bản về lao động giúp việc gia đình sẽ được qui định trong nghị định là: Tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, thời gian làm việc, điều kiện làm việc, tiền lương, các loại hình bảo hiểm đi kèm, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Khi đó, loại quan hệ này sẽ trở thành quan hệ lao động và được pháp luật bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “quái chiêu” của ô-sin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.