(HNM) - Giai đoạn 3 của Đề án 30 đã
Giai đoạn nước rút vẫn… thong dong
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Từ Liêm. Ảnh: Chi Hiền
Theo yêu cầu của Thủ tướng, trong ngày 15-7-2010, các bộ, ngành phải gửi phương án đơn giản hóa đã được hoàn thiện và tính toán chi phí tuân thủ TTHC theo Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 4/24 bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo đó (gồm các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Tư pháp và Y tế). Thậm chí Tổ công tác chuyên trách (TCTCT) đã thông báo sẽ giao ban định kỳ hằng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn các đơn vị triển khai giai đoạn 3, song tại buổi giao ban mới đây, vẫn có 2 bộ không cử cán bộ đến dự (Y tế, Khoa học và Công nghệ). Có bộ, ngành vẫn đề nghị duy trì các TTHC với lý do bảo đảm mục tiêu quản lý chung và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Thậm chí đến nay vẫn có lãnh đạo bộ chưa thực sự quan tâm tới Đề án 30, không chỉ đạo sát sao, không bố trí đủ nhân lực, giao công việc không đúng bộ phận chuyên môn nên không hoàn thành đúng yêu cầu.
Tại TP Hà Nội, thái độ "bình chân như vại" của các đơn vị đã làm các thành viên Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP (TCT 30) sốt ruột. Theo ông Mai Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Nội chính UBND TP, thành viên kiêm nhiệm TCT 30: "UBND TP đã ban hành nhiều văn bản, TCT 30 cũng liên tục gửi công văn, gọi điện thoại đốc thúc nhưng hơn một tháng nay, các quận, huyện, sở, ngành gần như "nằm im". Đáng ra, trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị phải có ý kiến thì lại cứ im lặng, làm hay không cũng không nói, thậm chí thấy sai vẫn cứ làm", khiến việc thực hiện giai đoạn 3 Đề án 30 của TP bị trì trệ.
Những vướng mắc gây lúng túng
Hầu hết những vướng mắc trong giai đoạn thực thi phương án đơn giản hóa TTHC mà các đơn vị nêu ra đều xoay quanh phạm trù "một văn bản sửa nhiều văn bản" trong Nghị quyết 25. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho biết, Sở đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhưng vẫn chưa thấy có biện pháp khả thi do mỗi văn bản thuộc một lĩnh vực khác nhau và còn rất nhiều công văn đi kèm. Một số bộ, ngành khác cũng cho rằng, TCTCT cần hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp đối với hình thức dùng "một văn bản sửa nhiều văn bản" để tránh sai sót trong quá trình triển khai. Việc áp dụng đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết 25 còn "vênh" với luật vừa được Quốc hội (QH) thông qua. Chẳng hạn như TTHC "Đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng" (thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã được bãi bỏ theo Nghị quyết 25 nhưng trong Luật Các tổ chức tín dụng vừa được QH thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) lại có quy định yêu cầu thủ tục này. Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào kỳ họp thứ tám sắp tới, QH Khóa XII sẽ thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản thì rất có thể sẽ lại phải điều chỉnh nội dung ngay vì theo Nghị quyết 25, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, trình Chính phủ một luật sửa đổi nhiều luật và báo cáo trước QH.
Thời gian phải hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC của 258 TTHC ưu tiên cũng làm nhiều đơn vị bối rối. Đại diện TCT 30 của các bộ, ngành Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung kiến nghị nên lùi thời điểm để thực hiện đồng thời với việc thực thi các phương án đơn giản hóa các TTHC còn lại, tránh phải sửa văn bản nhiều lần. Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định: Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một TTHC trong một nhóm các TTHC có liên quan đến nhau thì không giải quyết được cơ bản các vướng mắc hiện nay hoặc thiếu đồng bộ…
Trước những vướng mắc gây cản trở tiến độ của giai đoạn 3, TCTCT cho biết sẽ tiếp tục duy trì giao ban định kỳ hằng tháng đến khi Đề án 30 kết thúc (tháng 12-2010) và đề nghị các đơn vị nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc, chủ động tham gia tham vấn với TCTCT theo hướng thực sự cầu thị để việc đơn giản hóa TTHC vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa thuận tiện cho cá nhân, tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.