(HNM) - Nữ nghệ sĩ làm lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật nay không còn là chuyện lạ. Điều thú vị ở chỗ, gần đây, có nhiều nữ nghệ sĩ được bổ sung vào vị trí lãnh đạo, có những vị trí mà cánh mày râu từng gặp nhiều khó khăn.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. |
Sân khấu nước nhà từng có nhiều nữ lãnh đạo, như NSND Hồng Lựu (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Nghệ An), NSƯT Thúy Mùi (Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội), nghệ sĩ Phương Thanh (Phó Giám đốc Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên). Gần đây, xuất hiện hàng loạt "nữ tướng" mới như NSƯT Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Thanh Vân (Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội), NSND Minh Hòa (Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội), Minh Thư (Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội)… Mới đây, NSND Lê Khanh được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng: "Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật truyền thống rất khó khăn, đòi hỏi sự hy sinh. Nam giới dù sao cũng thuận lợi hơn chị em, những người còn phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ trong gia đình". Nhưng phụ nữ cũng có ưu thế riêng. Đạo diễn Nguyễn Văn Bộ, Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: "Khi làm quản lý, chị em có sự mềm mỏng, tinh tế, tận tâm, chu đáo, dễ thuyết phục đối tác hơn. Tôi tin các chị, các em sẽ thành công". Chính niềm đam mê, yêu say nghề nghiệp đã giúp nhiều "nữ tướng" hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. NSƯT Thúy Mùi tâm sự: "Phải có sự hy sinh, tâm huyết mới giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Tôi nhớ một người bạn nói: Vị trí của em sướng là sướng giả, khổ thì khổ thật… Làm việc với các nghệ sĩ có nhiều cái đặc thù lắm".
Đối với không ít nghệ sĩ, làm giàu cho cá nhân mình không khó, cái khó là chăm lo đời sống cho tập thể nghệ sĩ, duy trì chất lượng nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. NSƯT Thanh Ngoan là người nổi danh từ sân khấu chèo hàng chục năm trước, nay nắm quyền chỉ đạo ở một đơn vị nghệ thuật vốn cũng có nhiều khó khăn. Chị quyết tâm đem đến cho khán giả một địa điểm biểu diễn luôn "đỏ đèn". Chị ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp nhưng cũng rất lạc quan khi nhận nhiệm vụ mới: "Nhà hát Chèo Việt Nam có nhiều thế hệ tâm huyết với nghề nên nếu biết quy tụ các nghệ sĩ, biết trân trọng các giá trị truyền thống, biết lắng nghe thì chắc chắn sẽ làm được, sẽ giữ vững thương hiệu anh cả đỏ của làng chèo". NSƯT Thanh Ngoan rất tự tin vì ngay từ khi còn là Phó Giám đốc, chị luôn chịu đi, chịu học, đầu tư mở rộng không gian biểu diễn: "Tôi vẫn làm mở các địa điểm biểu diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Muốn chèo có nhiều khán giả thì cần phải làm cho nó phù hợp với đời sống hôm nay".
Hầu hết nghệ sĩ ở các đơn vị có "nữ tướng" lãnh đạo đều rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng, sự đổi mới trong hoạt động của nhà hát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.