(HNM) - Hoàng Việt Hằng đã có "thương hiệu" thơ, với tập "Vệt trăng và cánh cửa" được giải Hội Nhà văn Hà Nội 2008. "Một bàn tay thì đầy", cuốn sách mới ra năm 2010 ở NXB Phụ nữ của chị đề thể loại "tiểu thuyết", dồn nén bao nhiêu nỗi đời có lẽ là của bản thân, nên mang màu sắc tự truyện nhiều hơn.
Nhà thơ chia sẻ: "Viết tiểu thuyết phải có cả kỹ thuật lẫn bút pháp, mà cả hai thứ ấy tôi đều thiếu…". Bù lại, từng trang, từng chữ ăm ắp nỗi niềm, gợi ra phận người, đem đến những ngẫm ngợi.
Bé Xinh "không rõ bố", mẹ không nuôi nổi phải cho đi. Mẹ nuôi đón Xinh về với lời "thầy" phán "con bé sau này sẽ cáng đáng, chống chọi cho cả nhà". Xinh lớn lên không đến nỗi khổ ải quá, thi thoảng được gặp mẹ đẻ, mà mỗi lần nhận quà đều phải giấu giếm.
Lớn lên vẫn cắc cớ. Yêu người đầu không đậu. Lấy Trị, một nhà văn từng trải, Xinh coi như người thầy, thì lại phải đối mặt với gia cảnh của chồng: Trị đã có vợ, ở chiến trường về "tự dưng" có đứa con mới trong nhà. Cố gắng chấp nhận nhưng không thể, anh li dị, đến với Xinh. Đêm tân hôn, vẫn còn đau nỗi vợ cũ, Trị ngờ vợ mới "cũng chẳng tử tế gì".
Cuộc chung sống bập bõm bao cung bậc. Trọng Trị về nghề nghiệp, nghị lực làm việc, tình đồng đội, thương xót anh vì những mất mát trong chiến tranh, Xinh bị anh hành vì ghen tuông, những hành vi không kiểm soát được. Nuôi con lớn lên, chăm chồng bệnh tật, lại đứa em tàn tật, người đàn bà ấy chứng tỏ một bản năng sinh tồn dai dẳng và mãnh liệt. Và giữa bao truân chuyên, Xinh vẫn hoàn thiện mình: học đại học, làm báo, viết văn, dần dần có một cuộc sống riêng giữa những mảnh đời sứt mẻ. Nghị lực sống của người phụ nữ này khiến khi dời trang sách, người đọc phải thấy chúng thật là mãnh liệt.
Tự truyện viết không hề dễ. Có những câu, thậm chí chữ, viết ra rất khó vì quá nghiệt ngã. Nhưng lại không thể không viết ra. Rất may là Hoàng Việt Hằng không "làm văn". Chị có những trải nghiệm "kinh người", kiểu "Nếu ai đã từng quanh năm nhìn gương mặt người ốm, ngửi mùi người ốm đều chắc khó mà thổn thức, dịu hiền thường xuyên được". Những tình huống, chi tiết rất thật, rất mạnh ấy ăm ắp trong sách, phần nào làm ta quên đi cái hạn chế khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.