Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nỗi lo có thực

Minh Ngọc| 14/12/2010 07:25

(HNM) - Việt Nam tự hào là quốc gia có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể (PVT) được UNESCO vinh danh ở cấp độ toàn cầu như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ… Thế nhưng, nếu không được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị đúng mức, các DSVH có thể mất danh hiệu bất cứ lúc nào.


Truyền dạy: Khó đủ bề


Hát Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đang được nỗ lực bảo tồn. Ảnh: Bá Hoạt


Kết quả thống kê về cồng chiêng, do các tỉnh Tây Nguyên vừa công bố khiến nhiều người trăn trở. Theo khảo sát, số cồng chiêng của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã giảm hơn 30% kể từ khi Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trở thành kiệt tác truyền khẩu và PVT của nhân loại (năm 2005). Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai cũng chỉ còn sở hữu 5.600 bộ cồng chiêng so với hàng chục nghìn bộ mà họ có vào năm 1980…

Theo Viện Âm nhạc Việt Nam, hiện cả nước có 17 tỉnh, thành phố có hoạt động ca trù, song số nghệ nhân có khả năng biểu diễn chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về ca trù chỉ còn gần 20 người, đều đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm". Đây là con số báo động bởi đầu thế kỷ XX, chỉ tính riêng Hà Nội đã có hơn 1.000 đào nương. Nhiều CLB ca trù, cái nôi bảo tồn, truyền dạy môn nghệ thuật này trong đời sống hiện đại hoạt động nhờ vào sự tâm huyết của các nghệ nhân hơn là một chính sách rõ ràng ở cấp cơ sở. Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: "CLB chỉ được cấp kinh phí sinh hoạt khi được mời tham gia liên hoan hoặc lễ hội lớn; còn ngày thường, các thành viên phải tự đóng góp để hoạt động. Ngay cả tại Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long, được cho là tự thân sinh tồn nhờ biểu diễn chuyên nghiệp, ca trù vẫn chưa thực sự có "đất tốt". Bà Lan Hương, Giám đốc Trung tâm nói: "Chúng tôi đã làm mọi cách, thậm chí là đến các trung tâm lữ hành, các cơ quan, trường học để tiếp thị, mời khách đến xem ca trù miễn phí mà vẫn vắng khách".

Không khó khăn như ca trù, song quan họ, môn nghệ thuật vừa được trao danh hiệu DSVH PVT đại diện của nhân loại, cũng chưa thực sự tỏa sáng trên quê hương Kinh Bắc. Ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh trăn trở: Đa số người dân Bắc Ninh biết hát quan họ, song người hát đạt đến độ "đặt câu, bẻ giọng vang, rền, nền, nảy" không nhiều. Điển hình như ở huyện Tiên Du, có 9 làng quan họ cổ nhưng số liền anh, liền chị hát đúng làn có chưa tới trăm người.

Vẫn trăn trở việc bảo tồn, phát huy

Đánh giá cao giá trị các DSVH PVT của Việt Nam được UNESCO ghi danh, nhưng bà Katherine Marin - Muller, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vẫn luôn lưu ý: "Đời sống các DSVH PVT của Việt Nam rất mong manh".

Nói về vấn đề này, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho hay: DSVH PVT ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những vùng, miền khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng người ở từng vùng, miền khác nhau đó, song các DS này có điểm chung là được chính người sáng tạo và sở hữu nó truyền từ đời này sang đời khác, bởi thế DS chỉ có thể "sống" được khi người sáng tạo, sở hữu nó còn, môi trường sản sinh ra nó còn.

Theo TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), người có nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật ca trù, không gian văn hóa ca trù chỉ có thể hồi dựng khi nó được quan tâm đào tạo đồng bộ, cả về ca nương, kép đàn, người nghe. Qua thực tiễn truyền dạy và biểu diễn ca trù, đào nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm giáo phường Ca trù Thăng Long mong muốn có một nhà hát "dành riêng cho ca trù bốn phương thường xuyên tao ngộ". Đó cũng là đề xuất của liền anh Quý Tráng, Trưởng đoàn Quan họ Bắc Ninh.

Đối với DS cồng chiêng, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng làm nơi sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tuy nhiên, mô hình này, với sàn cột bê tông, chưa thực sự phù hợp với không gian văn hóa cồng chiêng nên chưa thu hút được đồng bào. Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Gia Lai: Cồng chiêng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần, mà gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, với đời sống hằng ngày, với chính không gian của vùng đất và con người Tây Nguyên, do đó nhà văn hóa cộng đồng nên được xây dựng giống nhà Rông, nhà Dài truyền thống của đồng bào.

Đưa di sản vào trường học

Có một hướng bảo tồn và phát huy giá trị DS đang được các địa phương thực hiện là đưa DS vào giảng dạy trong trường học. Qua hơn một năm giảng dạy thí điểm nghệ thuật cồng chiêng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Mang Giang (Kom Tum), trường đã có 5 đội cồng chiêng, gần 200 học sinh hào hứng tập luyện 2 buổi/tuần. Tại Hà Tĩnh, nghệ thuật ca trù đã được đưa vào giảng dạy ở các trường tiểu học Cổ Đạm, Xuân Liên và THCS Hoa Liên, Nguyễn Trãi... thu hút 90% học sinh các trường tham gia. Gần đây, Trường Đại học FPT cũng đưa ca trù vào giảng dạy. Lớp học gồm 20 học viên, được tuyển chọn gắt gao dưới sự dẫn dắt của ca nương Phạm Thị Huệ cùng các nghệ nhân Giáo phường ca trù Thăng Long. Hiệu phó Trường Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành khẳng định: "Âm nhạc truyền thống giáo dục sinh viên một cách gián tiếp nhưng hiệu quả, bởi thông qua việc học tập, họ biết mình đã góp sức cho việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý của ông cha".

Nhã nhạc, Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng... là tài sản văn hóa quý giá của nhân loại, tuy nhiên, theo quy định của UNESCO, DS bị mai một đến mức độ nào đó thì sẽ bị tước danh hiệu. Mối lo là có thực và sự cần có phương án bảo tồn đầy đủ cũng là nhu cầu có thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nỗi lo có thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.