Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nỗ lực thay đổi số phận con người

Trúc Linh| 04/06/2012 06:52

(HNM) - Sau 20 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc với hơn 600 ca được thực hiện thành công. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đang gặp nhiều rào cản do nguồn tạng rất thiếu, mặc dù Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã ra đời cách đây 5 năm.


Hơn 600 ca ghép tạng thành công

Được đánh giá là một trong 10 phát minh lớn nhất thế kỷ XX, kỹ thuật ghép tạng đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của con người. Do một trong các tạng của cơ thể bị bệnh nặng ở giai đoạn cuối, người bệnh phải chịu đau đớn, sống trong lo âu, tuyệt vọng và chấp nhận ra đi mãi mãi. Để cứu sống các bệnh nhân này, chỉ có cách duy nhất là ghép tạng.

Một ca ghép tạng do các y, bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện.

Tại Việt Nam, đầu những năm 1960 thế kỷ trước, GS Tôn Thất Tùng bắt đầu các nghiên cứu ghép gan thực nghiệm tại BV Việt - Đức. Một thập kỷ sau, GS-TSKH Lê Thế Trung cũng thực hiện ghép thận thực nghiệm tại Học viện Quân y (HVQY). Cho tới năm 1990, với Nghị định thư được ký giữa Quân y Cuba và Việt Nam, cùng việc cử đoàn cán bộ Việt Nam sang học tập ghép thận tại nước bạn đã mở ra triển vọng cho kỹ thuật ghép tạng ở nước ta. Vào đầu tháng 6-1992, ba trường hợp ghép thận đầu tiên trên người ở nước ta đã được thực hiện thành công tại BV 103 với sự giúp đỡ của GS Chue-Shue Lee (Đài Loan - Trung Quốc). Tiếp đó, những ca ghép thận được các BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh vào tháng 12-1992),Việt - Đức (8-2000), TƯ Huế (7-2001), Nhân dân Gia Định (1-2002), Nhân dân 115 (2-2004), Nhi TƯ (5-2004), Nhi đồng II (6-2004), Bạch Mai (11-2005), Đà Nẵng (3-2006), Kiên Giang (3-2007), 19-8 (10-2008). Ca ghép gan (1-2004) và ghép tim (6-2010) đầu tiên trên người cũng được thực hiện thành công tại BV 103.

Mặc dù chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam mới phát triển 20 năm nhưng đã được thế giới đánh giá có những tiến bộ vượt bậc. Hiện các bác sĩ đã có thể ghép thận, gan, tim, tế bào gốc, giác mạc, chuẩn bị ghép tụy. Riêng ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy ở hàng chục BV tuyến tỉnh, ngành, chưa kể các BV chuyên sâu tuyến trung ương, với thời gian ghép trung bình là 3 giờ, thời gian nằm viện 8-10 ngày và có thể ghép 2-3 ca cùng lúc.

Khó khăn chỉ vì thiếu nguồn tạng

Với hơn 600 ca ghép tạng thành công, hiện nay các bác sĩ ngoại khoa của Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng. Những nghiên cứu, thống kê đưa ra tại hội nghị khoa học 20 năm ghép tạng do BV 103 tổ chức cho thấy, kết quả sau ghép ở nước ta tương đương với các nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, được ghép thận ngày 20-7-1993, đã sống được hơn 19 năm và sức khỏe hoàn toàn bình thường; Bé Nguyễn Thị Diệp, người được ghép gan đầu tiên năm 2004 khi mới 11 tuổi, nay đã trưởng thành, học tập và sinh hoạt bình thường. 70%-80% bệnh nhân sau ghép có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và hòa nhập cộng đồng. Chi phí để thực hiện một ca ghép thận ở Việt Nam chỉ khoảng 200 triệu đồng, con số này ở các nước trong khu vực là 20.000 - 30.000 USD, chưa kể chi phí đi lại của bệnh nhân và những người đi theo.

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, thành công của chuyên ngành ghép tạng đã và đang mang lại cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh suy tạng. Tuy nhiên, con số hơn 600 ca ghép tạng còn quá ít so với số người bệnh đang có nhu cầu ghép. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần ghép giác mạc, 23.000 người có nhu cầu ghép gan. Điều tra sơ bộ tại 5 BV lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người phải chỉ định ghép gan (chiếm 33,66%). Nhưng nguồn tạng từ người cho chết não ở nước ta rất ít. Khác với các nước phát triển, 90% nguồn tạng cung cấp từ bệnh nhân chết não thì Việt Nam chủ yếu vẫn từ người cho sống cùng huyết thống. Có nhiều lý do khác nhau, trong đó quan niệm của người dân khi chết phải toàn thây vẫn còn rất sâu sắc là rào cản lớn nhất, mặc dù cơ sở pháp lý để triển khai là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có hiệu lực được 5 năm. Sự thiếu hiểu biết về việc hiến, ghép tạng của người dân, cũng cản trở việc ghép tạng, thậm chí trong cả những người cùng huyết thống. Câu chuyện có một người chị đã đồng ý hiến tặng quả thận để ghép cho em trai, nhưng đúng lúc lên bàn mổ thì người chồng ngăn cản không cho vợ hiến thận vì lo sợ mất một quả thận vợ mình sẽ không sống được là một ví dụ điển hình về sự thiếu hiểu biết này.

Ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới cho một cậu bé bị tai nạn giập thận được thực hiện vào năm 1952. Hiện mỗi năm có khoảng 50 nghìn trường hợp được ghép tạng với tỷ lệ sống thêm sau ghép trên 1 và 5 năm là từ 80% đến 90%. Có nhiều bệnh nhân sống trên 30 năm sau ghép thận, 25 năm sau ghép gan, 20 năm sau ghép tim. Đặc biệt, có trường hợp trẻ mới đẻ được 9 giờ tuổi đã được ghép tim; ghép phổi từ người sống; ghép nhiều tạng (tim, phổi, thận, tụy, gan) cùng một lúc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nỗ lực thay đổi số phận con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.