Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nhầm lẫn về bệnh sốt xuất huyết

An Hà| 11/07/2021 05:15

(HNMCT) - Lo lắng trước sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng lại không dám tới bệnh viện để khám và điều trị. Có trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhầm lẫn đó là do phản ứng phụ sau khi tiêm phòng Covid-19…

Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Nhầm lẫn về triệu trứng

Cách đây không lâu, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng do có mẹ làm hộ lý nên đã quyết định cho con truyền dịch tại nhà. Khi đưa đến viện, bệnh nhân đã ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Các bác sĩ đã hồi sức tim thành công và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, người dân cần lưu ý các triệu chứng của sốt xuất huyết vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với triệu trứng của bệnh nhân Covid-19 hoặc phản ứng phụ sau tiêm vắc xin như sốt, đau mỏi cơ. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mắt đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Bệnh nhân mắc Covid-19 còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi, nặng thì có thể có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Theo bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành hằng năm. “Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế phải phong tỏa, mật độ bệnh nhân khám và điều trị giảm, nếu lại thêm dịch sốt xuất huyết thì sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Điền lo ngại.

Phân tích về mối lo “dịch chồng dịch”, Giáo sư Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, nếu chu kỳ dịch sốt xuất huyết quay lại, đó sẽ là áp lực rất lớn. Khi bị bệnh, người dân hoặc quá hoang mang, hoặc quá chủ quan. Lo sợ thái quá thì bệnh chưa nặng đã dồn tới bệnh viện, dẫn đến tình trạng quá tải, nhưng nếu chủ quan thì hậu họa khôn lường.

Tự điều trị sai cách

Ngoài nhầm lẫn về triệu trứng, người dân còn mắc những sai lầm khác khi điều trị sốt xuất huyết. Có trường hợp khi giảm sốt hoặc hết sốt đã dừng điều trị vì nghĩ đã hết bệnh. Tuy nhiên, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, song đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất vì người bệnh có thể có biến chứng nặng.

Một sai lầm khác được các bác sĩ chỉ ra là người bệnh sốt xuất huyết tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Những loại thuốc này có thể làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà, đặc biệt là không tự mua thuốc về điều trị, bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, giai đoạn sốt cao (2 - 3 ngày đầu của bệnh), giai đoạn nguy hiểm (4 - 6 ngày tiếp theo) và giai đoạn hồi phục (từ ngày thứ 7 trở đi), người dân không nên lạm dụng truyền dịch. Việc truyền dịch, truyền nước phải theo chỉ định của bác sĩ; truyền dịch tùy tiện có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, các gia đình cần loại bỏ hoặc đậy kín các bể, dụng cụ chứa nước, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiêu diệt bọ gậy. Hiện lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện nếu dịch xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhầm lẫn về bệnh sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.