(HNM) - Năm năm qua (2008-2013), phong trào thi đua
Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền” trong nữ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Thủ đô đã tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Thái Hiền |
Giỏi việc trường
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, trong 5 năm qua, có 83% nữ nhà giáo đạt danh hiệu "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà", "Cô giáo người mẹ hiền" các cấp; 97% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Nhiều nữ cán bộ, giáo viên (CB, GV) đã tích cực, say sưa tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến, nghiên cứu khoa học, đồ dùng dạy học giá trị, có tính ứng dụng cao. Điển hình là sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm, như xây dựng "Thư viện của bé" với hệ thống giá sách, giá truyện thân thiện của cô giáo Ngô Thị Minh Hà (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị). Sản phẩm được trao giải xuất sắc hội thi Đồ dùng dạy học cấp ngành, được nhận bằng khen "Sáng kiến - Sáng tạo" của UBND thành phố. Cô cũng là phụ nữ duy nhất của Thủ đô được nhận Giải thưởng Tài năng Sáng tạo nữ giai đoạn 2010-2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hưởng ứng chủ đề "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin" do Bộ GD-ĐT phát động, 5 năm qua, mỗi năm ngành GD-ĐT Hà Nội đóng góp gần 10 nghìn sản phẩm, trong đó phần lớn là tác giả nữ. Tiêu biểu là bộ sản phẩm của cô giáo Phạm Thị Huyền (Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Trì) về "Phần mềm dạy văn và ôn tập môn văn" cấp THCS, THPT được đồng nghiệp đánh giá cao và phổ biến trên toàn quốc.
Trong công tác quản lý, nhiều nhà giáo nữ đã thể hiện khả năng "chèo lái", đưa tập thể vượt qua khó khăn, xây dựng nên những ngôi trường có chất lượng, uy tín, được phụ huynh HS tin yêu, kính phục. Tiêu biểu là 5 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú giai đoạn vừa qua, gồm các cô: Nguyễn Thị Hiền (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Từ Liêm), Nguyễn Thị Dứa (Hiệu trưởng Trường Mầm non Định Công, Hoàng Mai), Đinh Thị Bích Hà (Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non B), Nguyễn Thị Toàn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Đình A, Sóc Sơn), Trịnh Thúy Hằng (THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm).
Đảm việc nhà
Không chỉ giảng dạy tốt, các nữ CB, GV Thủ đô còn phát huy tấm lòng nhân ái, mỗi năm có hàng nghìn nhà giáo hưởng ứng cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu HS nghèo, HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn". Với thiên chức làm mẹ, bằng tình thương, trách nhiệm của một nhà giáo, các cô đã thực sự trở thành điểm tựa giúp các em mồ côi, tật nguyền, khó khăn tiếp tục vững bước tới trường. Tỷ lệ HS bỏ học ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có chiều hướng giảm, nhất là tại các địa bàn khó khăn…
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các nhà giáo Thủ đô còn là người "giữ lửa" xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, là người mẹ mẫu mực, người vợ đảm đang, khéo léo tổ chức cuộc sống gia đình. Điển hình là các gia đình nhà giáo được Liên đoàn Lao động thành phố biểu dương Gia đình công nhân viên chức lao động: Cô Vũ Thị Thế (Trường THPT Kim Liên) dù bận chăm sóc bố mẹ chồng ốm đau dài ngày song vẫn hăng say chuyên môn, đạt giải nhì hội thi dạy giỏi thành phố, nuôi dạy hai con thành đạt.
Cô giáo Từ Thị Bích Nga (Tiểu học thị trấn Quốc Oai A, huyện Quốc Oai) - một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Chồng cô là thương binh, đau ốm triền miên, hơn chục năm điều trị trong bệnh viện, hai con còn nhỏ nên mọi việc trong gia đình gần như một tay cô gánh vác. Cô phải kinh doanh thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Vất vả là thế nhưng ở trường, cô luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều sáng kiến cấp thành phố, nhiều năm liền được UBND, ngành GD-ĐT huyện biểu dương, đánh giá là điển hình của nhiều phong trào thi đua…
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, nhiều nhà giáo đã năng động, sáng tạo tạo thêm thu nhập để ổn định đời sống và làm tốt chuyên môn như cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên), được lãnh đạo huyện tặng giấy khen gương thanh niên điển hình tiên tiến trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm đạt GV dạy giỏi cấp thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, phong trào "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà", "Cô giáo người mẹ hiền" mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ nhà giáo nói riêng. Phong trào vừa mang ý nghĩa khoa học vừa mang ý nghĩa thực tiễn, là động lực quan trọng để các nữ nhà giáo phấn đấu, tự khẳng định. Thực tiễn 5 năm triển khai cho thấy, phong trào thực sự là cơ hội để các nhà giáo nữ rèn luyện, trở thành tấm gương mẫu mực trong giảng dạy, cuộc sống, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT toàn ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.