Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người “xông lên đoạt trời” ngày ấy...

Kim Thanh| 19/08/2011 07:10

(HNM) - Từ ngày 15-8-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội tiến hành khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Ngay từ các ngày 16, 17, 18-8, Hà Nội đã tràn ngập khí thế cách mạng.

Sáng ngày 19-8, theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, hàng chục vạn đồng bào trong và ngoại thành Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng, vừa hô vang khẩu hiệu vừa tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội để dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng cách mạng, với sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn thân Nhật… Đến 16 giờ ngày 19-8, toàn bộ thành phố Hà Nội đã nằm trong tay các lực lượng cách mạng. Diễn biến thắng lợi của cuộc Cách mạng ở Hà Nội đã khích lệ khí thế cách mạng trong cả nước...

Quần chúng cách mạng chiếm Phủ Khâm sai Bắc Bộ.


Ông Lê Đức Vân tên thật là Nguyễn Hữu Phúc, nhưng bạn bè ông vẫn gọi ông bằng cái tên thân thiết từ thuở là học sinh Trường Bưởi - Vân "bụ". Đại tướng Nguyễn Quyết (nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội trong những ngày thành phố sôi sục cao trào cách mạng) bảo tôi: "Giành chính quyền ở Đại lý Hoàn Long lúc đó, bây giờ còn Vân "bụ" đấy, cháu cần sáng rõ thêm điều gì, cứ đến hỏi ông Vân". Tôi đến nhà ông ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, nghe ông kể chuyện làm báo "Hồn nước" của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, về những ngày giành chính quyền ở ngoại thành...

Năm lần chuyển địa điểm in báo “Hồn nước”

Năm 1939, tôi vào học Trường Bưởi. Lúc này Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp ra tay khủng bố các chiến sĩ cộng sản. Hà Nội ngột ngạt trong những cuộc quây ráp, bắt bớ - Ông Vân kể. Lòng yêu nước thương nòi, mong muốn độc lập tự do đã thúc đẩy nhóm học sinh Trường Bưởi chúng tôi lập một tổ chức yêu nước ở ngay trong trường. Đội lấy tên Ngô Quyền để tỏ rõ chí hướng noi gương bậc tiền nhân giành độc lập dân tộc. Năm 1942, anh Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh) liên lạc được với đồng chí Vũ Quý, Trưởng ban Cán sự Thành ủy. Sau đó, các anh Vũ Oanh, Vũ Quang, Nguyễn Anh Bảo, Phùng Văn Phúc và tôi trong Đội Ngô Quyền lần lượt được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Mặc dù địch luôn khủng bố gắt gao, nhưng đến năm 1944, các tổ chức quần chúng của Mặt trận Việt Minh đã phát triển mạnh. Tháng 8-1944, các anh họp tại nhà tôi (46 Bát Đàn) thành lập Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu.

Nhớ lời anh Lê Quang Đạo ở lớp huấn luyện đảng viên mới mang tên Hoàng Văn Thụ là phải ra tờ báo riêng của thanh niên, lấy tên là “Hồn nước”, tôi lo cả bài vở và tổ chức khâu in ấn. Cuối năm 1944, số 1 của báo ra đời tại nhà anh Trần Thư (tức Nguyễn Văn Cung) ở 15 Hàng Phèn. Lúc đầu, báo in bằng thạch nhưng không đạt yêu cầu nên tôi đi tìm mua hộp đá ẩm ở một nhà cuối phố Bà Triệu. Việc in báo hết sức tỉ mỉ và thủ công: phải viết lên giấy bằng mực tím đặc, sau đó đặt lên bản đá ẩm, xoa nhẹ cho mực hút vào đá; tiếp theo, lại đặt giấy lên, xoa nhẹ cho mực hút vào giấy. Mỗi lần in như thế chỉ được 10-15 bản, chữ lại mờ, không thẳng hàng. Do đó, tôi chuyển sang in báo bằng đá li tô và giao cho anh Trần Thư đi mua một tấm đá li tô ở phố Hàng Gà, còn anh Nguyễn Kim Chi phải cấp tốc học viết chữ ngược. Khoảng tháng 2-1945, chúng tôi chuyển xuống nhà anh Hải Hùng (tức Nguyễn Văn Giáp), Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong ngoại thành ở làng Giáp Nhất. Anh Hải Hùng làm một gian nhà tạm đơn sơ gọi là “bếp” cho tổ in báo để dụng cụ và việc in ấn phải giữ bí mật. Mỗi lần in phải mài tấm đá rất kỹ, rồi viết ngược lên mặt đá bằng thứ mực đặc biệt, sau đó rửa bằng nước chanh cho sạch, lau nước đường cho mực in không dính lên mặt đá mới được lăn mực in; đặt giấy lên lăn tiếp. Làm kỳ công như thế, mỗi lần chỉ được 70 tờ. Báo ra tiếp số 2, 3, 4. Chúng tôi rất phấn khởi thuê hẳn một căn nhà ở Ngã Tư Sở (số 118 cũ), vừa là địa điểm liên lạc, vừa có kho để giấy. Chị Tạ Thị Thọ thường xuyên chuyển giấy đến nhà in và chuyển báo đi các cơ sở. Nhưng rồi nhà in bị lộ, chúng tôi phải chuyển đến Láng Trung, sau đó ra Xuân Canh là quê của anh Nguyễn Viết Tiết (tức Anh Bảo) và cơ sở in đặt ở gia đình ông Nguyễn Viết Thư. Số 5 của báo ra đời tại đây.

Hè năm 1945, Hà Nội đứng trước “cơn bão” lớn. Lực lượng thanh niên, nhất là thanh niên học sinh, đúng là “ngòi pháo” của cách mạng. Hàng trăm nam, nữ thanh niên ở các trường trung học và đường phố tham dự cuộc mít tinh lớn ở chợ Canh, Mễ Trì, phá cuộc mít tinh kỷ niệm Nguyễn Thái Học do bọn Đại Việt tổ chức tại Bách Thảo. Chúng tôi quyết định chuyển vào Dịch Vọng, nắm tình hình kịp thời để viết tin, bài. “Nhà in” ở nhà bà Nguyễn Thị Bảy và được bổ sung thêm anh Nhuận, là công nhân in ở xưởng in Tô panh trong nội thành. Anh mang đến một tấm đá đúc của Pháp, chuyên dùng để in. Chúng tôi khẩn trương in truyền đơn và báo chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Số 6 chưa kịp phát hành thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Với trên dưới 200 tờ báo của 5 số báo lưu hành bí mật, tờ “Hồn nước” đã góp phần tuyên truyền đường lối giải phóng dân tộc của Mặt trận Việt minh, động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh của thanh niên. “Hồn nước” chính là tờ báo đầu tiên của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám.

Giành chính quyền ở trụ sở Đại lý Hoàn Long

Hơn 60 năm đã qua, mỗi độ thu sang, ông Lê Đức Vân lại bồi hồi nhớ về những ngày Hà Nội rực cờ vàng sao. Khuôn mặt phúc hậu đã qua tuổi bát tuần vụt sáng lên, ông phấn chấn kể về sự kiện trọng đại này:

Từ tháng 5-1945, đường Láng đã được gọi là đường Việt Minh rồi. Ban ngày, “bọn nó” đóng bốt ở Ngã Tư Sở, Cầu Giấy đi tua, nhưng ban đêm, chúng tôi bỏ tài liệu vào người, phới xe đạp, tuyên truyền cho Việt Minh, bọn nó không làm gì nổi. Các làng trù phú ven hai bên sông Tô hồi đó “vừa trong vừa mát”, hầu như đều có các tổ Việt Minh, tự vệ xung phong ngoại thành và hoạt động mạnh. Sau vụ phá kho thóc “động trời” ở Mọc Quan Nhân (11-7-1945), khí thế cách mạng ngày càng bốc cao. Tự vệ mò súng ở sông Tô, lấy súng ở pháo đài Láng, tự dạy nhau học quân sự; nhân dân nô nức rèn dao găm, mã tấu. Tôi như con thoi từ nội thành ra ngoại thành, đi suốt đêm không biết mệt, truyền đạt chỉ thị của anh Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy. Hội nghị mở rộng của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng tối 17-8-1945 đã quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong phương thức và kế hoạch khởi nghĩa ở Hà Nội.

Theo đúng kế hoạch đó, mờ sáng 19-8-1945, trong khi các đoàn quân khởi nghĩa từ Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoài Đức chuẩn bị tiến vào nội thành thì ông Lê Đức Vân phụ trách tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã vùng ven nội, từ Hạ Yên Quyết, Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh đến Ngã Tư Sở, vào Đại lý Hoàn Long (vùng Dịch Vọng do ông Vi Dân phụ trách tự vệ công nhân xung phong theo đường Cầu Giấy - Ô Kim Mã vào nội thành). 55 năm sau, ký ức về những giờ phút xuống đường, đổi đời, vẫn được các đồng chí của ông ghi lại đầy sinh động: Đi đầu đoàn biểu tình là một chiến sĩ giương cao lá cờ đỏ sao vàng. Tiếng hô khẩu hiệu vang rền và tiếng hát Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích quân vang lên trào dâng; đoàn người cứ hát đi hát lại không dứt. Bà con trên đường và cả từ trên xe điện đổ xuống, nhập vào đoàn tuần hành, dài thêm, đông lên mãi. Ở trụ sở của Đại lý Hoàn Long (trong giai đoạn này, vùng Đại lý Hoàn Long, huyện Hoài Đức - địa phận huyện Từ Liêm và quận Tây Hồ ngày nay được xây dựng làm ATK của trung ương), tuần phủ Đặng Vũ Niết đã trốn mất. Ông Lê Đức Vân bình tĩnh giải thích với anh em binh sĩ: “Nhật đã đầu hàng đồng minh, Việt Minh đã giành chính quyền khắp nơi, các bạn mau nộp súng cho Việt Minh và trở về quê quán làm ăn”. Ông Vân chưa nói xong thì viên quản đã mở kho nộp súng đạn, trao vũ khí cho tự vệ ngoại thành. Ông Đỗ Lệnh Khang bồng súng trường, đầu súng có lá cờ đỏ sao vàng, trên nền cờ là hàng chữ Tự vệ xung phong, hiên ngang đứng gác trước trụ sở chính quyền cách mạng lâm thời ngoại thành. Ngay sau đó, ông Vân phân công một bộ phận nhỏ ở lại gác trụ sở và đoàn quân khởi nghĩa hùng dũng tiến vào nội thành tham gia giành chính quyền. Tiếng hô “Việt Nam độc lập muôn năm” và tiếng hát “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc”, vượt qua mái ngói thâm nâu, các ô cửa sổ đang mở tung, đón chào ngày mới.

Bình minh của kỷ nguyên độc lập tự do, của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt đầu từ ý chí, nghị lực của nhân dân - những cánh tay áo nâu, áo xanh, áo trắng Hà Nội siết chặt đội ngũ, một lòng “xông lên đoạt trời” như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “xông lên đoạt trời” ngày ấy...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.