Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người thầm lặng vì cuộc sống bình yên

Tố Như| 01/09/2010 07:31

(HNM) - Họ là những người dũng cảm, quên thân mình để truy bắt tội phạm, cứu giúp người dân. Có những chiến sỹ công an, vũ trang làm nhiệm vụ, cũng có những người xe ôm, lao động căm ghét cái ác, đứng ra làm việc nghĩa. 217 gương điển hình giao lưu tại chương trình


Sống mãi tên anh

Chiều tan tầm hôm ấy, (21-9-2009), chị Huỳnh Thị Ly - giảng viên Trường Cao đẳng, trung cấp y tế Đà Nẵng được đồng đội của chồng báo tin "anh bị thương". Chặng đường đến bệnh viện như xa hút, chìm trong linh cảm mất mát của người vợ. Không ai dám báo "tin dữ", Thiếu tá Phan Công Việt (32 tuổi, công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Đà Nẵng) đã hy sinh trước đó vài giờ trong khi truy bắt đối tượng bị truy nã. Tỉnh lại trong vòng tay người thân, chị Ly nuốt nước mắt vào lòng, bước tiếp những ngày đầy khó khăn. Không có anh, gánh nặng "vừa làm mẹ, vừa làm cha" dồn cả lên đôi vai chị, một mình nuôi dạy con thơ, với bao lo toan. Căn nhà trọ nhỏ, tổ ấm 4 năm hạnh phúc ngắn ngủi của anh chị nay quạnh quẽ. Vượt qua nỗi đau, chị Ly đã nỗ lực phấn đấu và vừa được trao tặng bằng khen về thành tích giảng dạy, nghiên cứu. Chị tâm sự: "Ngày yêu nhau, rồi về làm vợ, biết công việc của anh nguy hiểm, tôi cũng lo lắm nhưng cũng tự hào là vợ của một cảnh sát hình sự, bắt cướp, bảo vệ mọi người. Những ngày sống bên anh, tôi luôn cố gắng tạo mái ấm gia đình hạnh phúc để anh yên tâm công tác. Tôi tin những người vợ của các chiến sỹ công an khác cũng cùng chung một tình cảm như vậy".

Cùng cảnh mất mát là chị Nguyễn Thị Luyến, vợ liệt sỹ Tống Chí Thanh (nguyên là Phó Trưởng Công an xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái, hy sinh trong khi cứu dân đợt bão lũ tháng 9-2005) hiện đang làm ruộng nuôi hai con, trong đó con đầu anh chị đang theo học Trường Trung cấp An ninh I với nguyện vọng nối tiếp con đường tự hào của bố.

Và còn đó, hàng trăm gia đình liệt sỹ, hàng ngàn thương binh là các chiến sỹ công an đổ máu trong thời bình để đẩy lùi cái ác, bóng tối, đem lại bình yên của đồng bào. Tên các anh luôn rạng rỡ như ánh mặt trời sáng mãi trong lòng mọi người. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng trong vòng tay đùm bọc chăm sóc của đơn vị, những đồng đội cũ, người thân của các anh đã ấm lòng, tiếp thêm nghị lực, vững vàng trong cuộc sống.

Những người "Vác tù và hàng tổng"

Câu chuyện nghĩa hiệp của anh Huỳnh Tấn Nguyên và tổ xe ôm bắt cướp (thị trấn Bến Lức, Long An) chỉ với 6 thành viên đã trực tiếp vây bắt 126 vụ, 158 tên cướp giật, trộm… bắt đầu từ trái tim lương thiện, căm ghét cái ác, bất bình trước những chuyện "trái tai, gai mắt". Nhìn gia cảnh anh em trong tổ ai cũng nghèo, là những lao động trụ cột gia đình lo làm "việc nghĩa" giảm sút thu nhập, anh Nguyên an ủi vợ: "Mình không bắt cướp, có lúc cướp sẽ đến nhà mình".

Với "Hiệp sỹ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên làm "Lục Vân Tiên" bắt cướp diễn ra trong tình huống khó quên. Đang chở vợ (có thai 6 tháng) trên đường, thấy tên cướp phóng vụt qua, thế là anh chỉ kịp dặn vợ "ôm chặt" rồi phóng xe theo, bị truy đuổi gắt quá, tên cướp chạy ẩu, ngã xe và bị tóm gọn. Vậy là, từ năm 1997 đến 2009, trung bình mỗi năm Tiến bắt được 15-25 vụ cướp giật, được bà con phong tặng danh hiệu "Hiệp sỹ đường phố". Không dừng lại, đầu năm 2009, anh đứng ra thành lập "nhóm hiệp sỹ" và trở thành khắc tinh của bọn tội phạm, chỉ riêng năm 2009, nhóm hiệp sỹ đã bắt được 54 vụ. Chàng "hiệp sỹ" nhận được gần 80 bằng khen của các cấp về chiến công bắt cướp, nhiều lần bị thương vào bệnh viện, nhưng với Tiến "thấy cướp không bắt, không chịu được".

Tôn vinh các tấm gương vì sự bình yên của cuộc sống, Ngân hàng TMCP Công thương đã tài trợ 104 sổ tiết kiệm tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng cho các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng xúc động nhấn mạnh, chúng ta không chỉ khen thưởng kịp thời những chiến công mà cần quan tâm chia sẻ, chăm sóc vật chất, tinh thần cho gia đình các liệt sỹ, thương binh đã đóng góp xương máu trong cuộc chiến chống tội phạm. Đồng thời, nhân rộng các điển hình, huy động sức mạnh toàn dân phối hợp cùng lực lượng vũ trang phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn, trật tự xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người thầm lặng vì cuộc sống bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.