(HNM) - Họ là những lái, phụ xe khách người Hà Nội chuyên đi tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Sau một chặng đường dài, họ ngồi lại bên nhau và "xóm" người Hà Nội lưu động hình thành ngay trên bãi đậu bến xe Miền Đông của TP Hồ Chí Minh.
Dù xuôi ngược Bắc - Nam hàng chục năm nhưng mỗi khi xe xuất bến, sự khắc khoải nhớ quê hương của những tài xế Hà Nội cũng chẳng khác gì sự nóng lòng của những vị khách mong sớm được về nhà.
Hành khách chuẩn bị lên xe về Hà Nội. |
Dãy xe ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội nằm trong bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đang đợi đón khách về. Tôi dễ dàng nhận ra các bác tài người Hà Nội trong trang phục áo sơ mi quần tây thanh lịch, khác hẳn với giới tài xế "bụi bặm" quần jeen áo phông phong trần của miền Nam. Dưới tán cây nhỏ, một nhóm tài xế thuộc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội trực thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang ngồi nhâm nhi chén trà Bắc, chờ thợ bảo dưỡng xe sau một hành trình dài gần 2.000km từ Hà Nội vào đây.
"Cô về Hà Nội à? Xe mới từ Hà Nội vào, sáng mai mới lên đường quay về". Một tiếng nói cất lên khi tôi đang lơ ngơ kiếm tìm. Vài lời sẻ chia, tôi được biết người vừa nói là ông Nguyễn Hùng (59 tuổi), trước kia là lái xe chính, giờ chuyển qua làm nhân viên kiểm vé của Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội. Ông vào lái xe cho xí nghiệp từ năm 1983 đến nay gần 30 năm, đưa không biết bao lớp người Hà Nội vào Nam học hành, lập nghiệp và cũng không biết đã đón bao nhiêu người quay trở lại Thủ đô. "Trước đây khó khăn nên chuyến xe nào cũng chứa đầy người và hàng, khách đi phải đặt vé trước cả tuần và rời Hà Nội lúc tờ mờ sáng". Ông Hùng kể lại cái thời hoàng kim nghề tài xế của mình. Theo cánh lái xe Hà Nội, từ những năm 1983, người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào Nam làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, chuyến xe nào cũng đầy ắp người đi sinh cơ lập nghiệp. Không chỉ cầm vô lăng, các bác tài còn làm thêm nhiệm vụ chuyển quà quê hương. Hầu như chuyến xe nào cũng có người gửi quà Hà Nội vào cho người thân sống xa quê. Mùa cốm mang cốm, mùa sấu mang sấu… Những người vào đây mở quán bán hàng ăn còn gửi mua cả gia vị, nếp cẩm, trà Bắc, thuốc lá Thăng Long… Rồi quà từ miền Nam ngược ra Bắc cũng qua tay bác tài mang về. Chính vậy, nên tài xế Hà Nội ở bến xe Miền Đông được coi như những con người nối nhịp hai miền Nam - Bắc.
Cuộc sống của các lái xe, phụ xe người Hà Nội khi xe về đến bến Miền Đông của TP Hồ Chí Minh khá vất vả. Họ rất tiết kiệm nên ngủ lại trên xe chứ không ra ngoài thuê phòng trọ. Nếu vài ngày trước còn ở Hà Nội se lạnh tiết thu thì mấy chục giờ đồng hồ sau họ đã có mặt ở miền Nam ngột ngạt, nóng bức. Đến bến, người và xe chỉ nghỉ ngơi một ngày rồi lại quay ra Bắc nên dù người tài xế 30 năm hay đến chú phụ xe trẻ măng tràn trề sức lực cũng dễ mắc bệnh bởi cơ thể chưa kịp làm quen được khí hậu. Ngày hôm trước còn ăn miếng cơm Bắc quen miệng, hôm sau đã là cơm miền Nam vốn ít người Bắc ăn quen cũng phần nào khiến cánh tài xế Hà Nội mỏi mệt. Thế nên dù hàng chục năm đi tuyến Bắc - Nam như đi chợ nhưng ông Hùng cũng ngóng đợi về nhà chẳng khác gì sự nóng lòng của những vị khách lên xe mong sớm được tới đích.
"Trước tình cảnh này, anh em tài xế mới nghĩ đến chuyện tụ lại với nhau để sẻ chia nơi đất khách. Anh em tài xế, phụ xe từ các quận, huyện khác nhau nhưng đều người Hà Nội vào đây làm ăn. Mỗi ngày trong bến có ít nhất 5 xe đậu, mỗi xe cũng ít nhất 5 nhân viên thế là thành cái "xóm" khá đông rồi. Từ ngày có "xóm", có ấm trà Bắc thì cùng nhau uống. Có nhà xe thuê hẳn một nhà trọ gần khu vực bến xe Miền Đông để anh em nghỉ ngơi, thuê người đến nấu bữa cơm và mời các anh em cùng về dùng bữa. "Xóm" nhờ vậy mà ấm cúng hẳn!" - ông Nguyễn Nam một tài xế sắp đến tuổi nghỉ hưu tâm sự.
Cũng theo lời các tài xế, tình đồng hương nơi xa không chỉ dừng ở bữa cơm, ấm trà hay câu chuyện đời. Những lúc xe hỏng hóc nặng, không đủ tiền sửa, lập tức anh em trong "xóm" xúm lại, mỗi người cho vay một ít để xe kịp lên đường theo đúng lộ trình. "Đời người lái xe lang thang khắp nơi nên rất cần bè bạn giúp đỡ nhau suốt hành trình. Nhiều lúc thợ xe mình không sửa được thì nhờ thợ xe đồng hương sửa giúp. Những lúc xe bị hỏng nặng mình mà không có bạn bè đồng hương giúp đỡ, phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cắt cổ tới 20% thì coi như chuyến đi đó bị lỗ nặng" - anh Như chủ xe khách Như Quảng nói xen vào.
Câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả quá khứ và tình người, chợt chững lại khi ai đó thở dài chuyện hiện tại. Chả là vài năm gần đây, hành khách đi lại bằng xe ô tô ít hơn, xe chỉ thu lợi được nhiều vào dịp lễ, tết. Bác Đạt, chủ xe khách Tiến Đạt vừa đọc cuốn báo quảng cáo vừa bày tỏ sự lo lắng: "Bây giờ, ngày thường khách chọn đi máy bay giá rẻ nhanh và tiện hơn. Cô xem đây, hàng không giá rẻ cạnh tranh đẩy giá xuống còn 800-900 nghìn đồng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Do đó, có xe khách vào đây phải xin ở lại bến thêm một ngày nữa để đợi khách. Những tháng cuối năm này người ta ít đi lại lắm bởi họ để dành tiền cho tết về quê".
Tôi cảm nhận được sự lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt các bác tài. Nhưng ánh mắt họ lại ánh lên khắc khoải mỗi khi một xe xuất bến. Ông Hùng bảo, đó là ánh mắt gửi gắm, mong mỏi đồng nghiệp tĩnh tâm và vững tay lái để mỗi chuyến xe xuôi ngược được an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.