(HNM) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có hai con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, đó là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. 40 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về một thời tuổi trẻ trên những cung đường mưa bom,
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh đã thực hiện xuất sắc chủ trương của TƯ Đảng, Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng đó là tổ chức lực lượng mở đường Trường Sơn chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, đường bộ, đường sông, đường ống xăng dầu, dài gần 2 vạn kilômét. Từ tuyến đường này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc... Những người làm nên hệ thống giao thông chiến lược này đã phải hứng chịu hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả bom mìn các loại của đế quốc Mỹ ném xuống. Bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 2 vạn quả bom nổ chậm và bom từ trường, hơn 85.000 mìn các loại; đào đắp đất đá gần 30 triệu mét khối; xây dựng được 16.000km đường ô tô, 3.082km đường ống xăng dầu, 10.000km đường dây thông tin; khôi phục và sửa chữa 83 cây cầu...
Trong hàng ngàn chiến công của bộ đội Trường Sơn ấy có sự góp sức không nhỏ của các nữ chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, tiền thân là Trung đội nữ lái xe độc lập mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh. Nhiệm vụ của đại đội là vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra Bắc điều dưỡng, học tập… Tuyến hoạt động chủ yếu của đại đội là từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn, trong đó có ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, cổng trời… những địa danh nổi tiếng là "trọng điểm của trọng điểm" của đường Trường Sơn địch đánh phá ác liệt, là những "túi bom". Bà Nguyễn Thị Hòa, chiến sĩ Đại đội nữ lái xe năm xưa nhớ lại: "Ngày ấy, chúng tôi chưa ai từng một lần cầm vô lăng điều khiển bất cứ loại xe nào, vậy mà chỉ sau 45 ngày tập huấn, người nào cũng tự tin cầm lái, từ Gaz-51, Gaz-63, cho đến Zil-157, kể cả loại xe nặng nhất có đầu tời chuyên cứu kéo xe gặp nạn. Ý chí và tinh thần quả cảm của những nữ lái xe ngày đó còn khiến cánh mày râu phải nể phục". Trên tuyến đường 12 ngày ấy có đoạn "cổng trời" vượt sang Lào là thử thách nguy hiểm nhất, với những khúc cua dựng đứng, những cung đường đèo một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, trong khi đó việc thực hiện nhiệm vụ và hành quân hầu hết diễn ra vào ban đêm để tránh máy bay địch. Cung đường nguy hiểm, địch đánh phá suốt ngày đêm với nhiều loại bom, đạn, nhưng không làm các nữ tài xế sờn chí. Bà Phạm Thị Phàn, một nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn khác nhớ lại: "Nguy hiểm vô cùng nhưng chúng tôi vẫn dũng cảm vượt cung, tăng chuyến đều đặn ra vào, không để lỡ giờ, lỡ ngày của kế hoạch vận chuyển. Có những chuyến hàng, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, đơn vị tổ chức truy điệu sống, nhưng chúng tôi vẫn vững vàng tay lái, "vì miền Nam ruột thịt".
Nhớ lại một thời đi "mở đường", bà Lê Thị Cơ - CCB Binh trạm 14 đường 20 Quyết Thắng thuộc Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn kể: "Tháng 1-1971, vừa học xong lớp 7 được lên thẳng lớp 8, nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, hai tháng sau tôi được ra chiến trường. Hơn 3 năm, không nhận được thông tin từ gia đình, rồi một ngày tôi nhận được lá thư của người em trai. Cầm trên tay lá thư mà tôi không tin vào mắt mình bởi bức thư đã được gửi cách đó 2 năm. Ngoài phong bì vẫn còn rõ tên người nhận nhưng lá thư chỉ là tờ giấy trắng, bởi thư viết bằng bút lá tre chấm mực đã bay hết nét chữ. Cho đến nay, lá thư đặc biệt đó tôi vẫn còn giữ, mỗi lần nhớ về đồng đội, tôi lại lấy tờ giấy trắng đã úa màu đó ra để tìm về những kỷ niệm của chiến trường xưa".
Để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng với mở tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngày 23-10-1961, tuyến đường vận tải quân sự hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành. Trên con đường huyền thoại này 2.000 lần tàu thuyền đã vượt biển, vận chuyển gần 160.000 tấn vũ khí, đến 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam. Mỗi người lính trên đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ dũng cảm mưu trí bảo vệ những chuyến hàng mà còn luôn xác định nếu bị địch phát hiện sẽ cho nổ tàu, chấp nhận hy sinh để bảo đảm tuyến đường không bị lộ. Đã có 74 chiến sĩ hy sinh cùng các con tàu. Những người đồng đội vẫn nhớ mãi biệt tài xem thiên văn của thuyền trưởng Trần Phấn. Chỉ bằng các thiết bị máy móc hàng hải "lộ cộ" lúc đó, ông đã đo vẽ các vận động biểu kiến của Mặt trời, Mặt trăng, các vì sao… để xác định vị trí của tàu. "Ngày đó chỉ có chiếc la bàn nhỏ và một vài thiết bị thô sơ khác, trong khi "tàu không số" thì luôn phải tránh địch. Lúc thì tàu ở vùng biển quốc tế, lúc gần duyên hải, khi sóng to gió lớn nếu không vận dụng kiến thức thiên văn như thế thì sẽ trôi dạt sang các nước bạn và không thể về được đến các bến trong đêm tối mịt mùng" - Thuyền trưởng Trần Phấn giải thích. Làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại có gần 1.000 đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh ở các bến, để giữ sự an toàn cho những con tàu. Các cựu chiến sĩ tàu không số vẫn nhắc nhớ chị Nguyễn Thị Ba ở Duyên Hải (Trà Vinh). Sau một lần bí mật gặp chồng là cán bộ đoàn tàu không số, chị mang thai. Để giữ bí mật đường dây, chị chấp nhận kỷ luật vì "quan hệ nam nữ bất chính", âm thầm chịu đựng nuôi con. Sau ngày hòa bình, chị mới được minh oan, sum họp cùng chồng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng…
Thời gian sẽ xóa dần những vết thương chiến tranh trên các vùng đất từng là "túi bom, chảo lửa" nhưng những vết thương lòng, những kỷ niệm của một thời bom đạn sẽ không bao giờ phai trong tâm thức mỗi người Việt Nam, nhất là những người đã đi qua cuộc chiến. Bởi trong cuộc chiến tranh vệ quốc này đã có nhiều người mẹ sẵn sàng hiến dâng những đứa con mình đứt ruột sinh ra cho Tổ quốc; nhiều người trai ra đi không trở về; nhiều người phụ nữ sẵn sàng chôn vùi tuổi xuân trong những cánh rừng, sẵn sàng hy sinh để giữ sức sống cho các tuyến đường, góp phần làm nên Mùa xuân đại thắng - 1975. Họ chính là những người làm nên huyền thoại của dân tộc Việt Nam Anh hùng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.