Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “người hùng” thầm lặng

Nam Phong| 18/03/2014 06:29

(HNM) - Họ phải hy sinh tình cảm gia đình, tạm biệt những đứa con thơ để lên với con trẻ vùng rừng núi cao, mang


Chuyện giáo viên "cắm bản"

Ngôi Trường Mầm non Khánh Thượng B còn thơm mùi sơn mới vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng là niềm vui vô bờ của người Mường ở xã Khánh Thượng. Cô giáo Hiệu trưởng Đinh Thị Hòa nhớ lại cách đây 4-5 năm về trước: Đường sá đi từ ủy ban xã vào trung tâm thôn đã quá khó khăn, nói gì đến việc đi lại ở khu vực bao quanh là núi Ba Vì cao sừng sững thế này. Vậy mà từ khi có đường bê tông về bản, diện mạo vùng này thay đổi hẳn, vui nhất là mấy đứa trẻ ở các thôn Gò Đình Muôn, Bắt Còn Chèm, Đồng Sống, Mít và Xui Quán có trường mới khang trang để vui đùa, học tập.

Trường Mầm non Khánh Thượng B được xây dựng mới khang trang, hiện đại.


Cô giáo Hòa là người "cắm bản" ở vùng núi Khánh Thượng gần 40 năm, đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh người Mường. Kể lại những năm tháng không thể nào quên, cô Hòa nói: "Những ngày khó khăn chất chồng nhưng chúng tôi không bao giờ mất niềm tin và luôn vui vẻ gắn bó với công việc dạy dỗ các cháu. Ngôi trường khi đó nếu so sánh với bây giờ chỉ là nhà tạm chứ chưa được gọi là nhà cấp 4, với 2 phòng học xập xệ và đón được 100 cháu ra lớp". Ánh mắt người giáo viên "cắm bản" đã mấy chục năm nay vui hẳn lên khi kể về ngôi trường mới được đầu tư đến 8 tỷ đồng, xây dựng mới 6 phòng học bảo đảm tiêu chuẩn, phòng hiệu bộ, phòng họp, khu vệ sinh, nhà ăn... khang trang, hiện đại. "Số học sinh mầm non đến lớp ở khu vực các thôn thuộc Trường Khánh Thượng B ở thời điểm này là 224 cháu. Các cháu được ăn bán trú, điều mà trước đây cả phụ huynh, cô giáo và học sinh chưa bao giờ dám nghĩ tới" - cô giáo Hòa cho biết. Bản thân cô Hòa, đến tháng 10 năm nay sẽ được về nghỉ chế độ nhưng vẫn miệt mài "cắm bản" cùng cô và trò trong trường, chỉ đến cuối tuần mới về thăm nhà ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì), cách khoảng gần 40km.

Khi tìm hiểu về những tấm gương vì học trò ở vùng núi Khánh Thượng, chúng tôi rất ấn tượng về tấm lòng cao cả, những hy sinh thầm lặng của mỗi giáo viên. Họ đã vượt qua mọi hoàn cảnh để mang "cái tâm", "cái chữ" đến với bà con dân bản. Cô Phương Thị Thu Hằng năm nay 24 tuổi, nhà ở tận xã Chu Minh (huyện Ba Vì), cách nơi làm việc 40km. Cô Hằng bộc bạch: "Gia đình neo người, nhưng tôi rất yên tâm vì chồng và bố mẹ luôn ủng hộ. Bé con hơn 1 tuổi ở với ông bà nội, họa hoằn tôi mới về thăm con và gia đình được. Nhiều lúc, khi màn đêm buông xuống, nằm một mình ở nơi rừng heo hút nhớ con đến cồn cào ruột gan, nước mắt lại ứa ra không sao ngăn lại được". Như thấu được hoàn cảnh của người dân trong bản, cô Hằng và nhiều giáo viên khác ở đây mang tất cả tình thương yêu đến với học trò. Thông cảm với phụ huynh vùng rừng núi vì phải đưa con đi lại trong điều kiện cách trở nên những ngày đầu năm học, kỳ học, các cô đều phân công nhau vào tận bản để tuyên truyền việc đưa các em ra lớp đúng độ tuổi. "Trẻ mầm non con em dân tộc miền núi bị thiệt thòi so với miền xuôi nhiều lắm. Từ cơ sở vật chất, đi lại, ăn, mặc... đều thiếu thốn nên chúng tôi thấy trách nhiệm và tình thương phải chia sẻ với mỗi phụ huynh học sinh" - cô Hằng cho biết.

Tất cả vì tình yêu con trẻ

Dãy nhà ở cho cán bộ của Trường Mầm non Khánh Thượng B cũng có nhiều hoàn cảnh giống cô Hằng. Dẫn chúng tôi đến thăm dãy nhà ở giáo viên, cô giáo Hiệu trưởng Đinh Thị Hòa nói: "Ngày trước, chưa có trường mới, nhà ở giáo viên cũng không có nên mọi người phải ở nhờ nhà dân. Cùng ăn, cùng ở và dạy học cho chính con em họ, chúng tôi thu nhận được rất nhiều điều mà lớn hơn tất cả là tình cảm đồng bào dành cho luôn ắp đầy, đây là những kỷ niệm chúng tôi không bao giờ quên". Dãy nhà ở giáo viên có 4 phòng, các vật dụng như chạn bát, bếp đun, giường, tủ quần áo... trong mỗi phòng được sắp đặt ngăn nắp và gọn gàng. Chiếc tivi Panasonic 21 inch xem chung của cả dãy đặt ở phòng cô giáo Đinh Thị Thu Hà được xem là tài sản có giá trị nhất. Phòng của cô giáo Hà cũng có điểm "đặc biệt" hơn so với các phòng khác là có thêm nhiều vật dụng như sữa đến quần áo của con trẻ. Cô giáo Hòa cho biết, cô Hà đã công tác ở Khánh Thượng được 12 năm nhưng đến nay vẫn ở nhà công vụ. Nhà ở cách trường 80km, tít tận xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), chồng đi làm ở Điện Biên nên cô Hà phải đưa con theo lên trên này. Nói về những khó khăn, vất vả khi chỉ có hai mẹ con phải bươn trải ở nơi xa, cô Hà xúc động: "Vì tình yêu con trẻ, tôi và nhiều giáo viên ở đây luôn khắc phục khó khăn để làm tốt nhiệm vụ. Con tôi theo mẹ cũng chịu nhiều thiệt thòi nhưng cũng thấy cháu rất vui vì được học với các bạn cùng trang lứa, bé còn may mắn hơn một chút so với các bạn khác có mẹ đang công tác ở đây khi hằng ngày vẫn được mẹ chăm sóc". Cũng như cô Hà, nhiều tấm gương bình dị khác cũng đã, đang là những "đóa hoa thơm" nở trên vùng rừng núi Ba Vì mà không thể không kể đến, như cô giáo Nguyễn Thị Mai Hảo, gia đình ở Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, cách trường 120km; cô Chu Thị Thành ở Vật Lại, Ba Vì, cách trường 40km...

Đối với cô giáo Đặng Thị Hiền thì dù có may mắn hơn các cô giáo khác là có nhà ở xã Khánh Thượng nhưng cũng có những nỗi niềm riêng. Cô Hiền quê ở Quảng Nam, lấy chồng và gây dựng sự nghiệp tại xã Khánh Thượng. Ở mãi thôn Bưởi, trong 3 năm qua, cô Hiền vẫn đều đặn hằng ngày dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Cô Hiền cho biết: "Nhà cách trường chỉ có 3km nhưng toàn là đường rừng, đi lại khó khăn nên tôi thường phải ra khỏi nhà vào khoảng 5h30, đi bộ khoảng hơn 1 tiếng thì mới kịp giờ dạy. Giờ đã là một người con của bản làng nên tôi rất hiểu những khó khăn của học trò vùng cao và muốn góp một phần nhỏ bé, chấp nhận khó khăn để nuôi dạy các con nên người. Niềm vui đối với giáo viên vùng cao và cũng là món quá quý giá nhất là mong sao các trẻ không phải bỏ trường, bỏ lớp vì bất cứ lý do gì".

Cũng trực thuộc Trường Mầm non Khánh Thượng B là điểm Trường Mầm non Hương Canh - một bản xa nhất và nghèo nhất của xã Khánh Thượng. Đi vào đây, chúng tôi phải chạy xe máy 5km, tính từ trường Khánh Thượng B. Điểm trường là một ngôi nhà cấp 4 đã cũ, nằm côi cút ngay dưới sườn một quả đồi, chạy quanh là núi Ba Vì dựng đứng. Dù điểm trường chỉ có 9 học sinh nhưng theo cô Đinh Thị Hòa, vẫn phải duy trì một giáo viên là cô Nguyễn Thị Mai "cắm chốt" để nuôi dạy các cháu. "Nếu không bố trí một điểm trường ở khu vực này thì việc vận động các cháu đến lớp là việc hết sức khó khăn, vì thôn Hương Canh ở xa trung tâm, có nhiều hộ hoàn cảnh còn rất khó khăn" - cô Hòa nói.

Cô Đinh Thị Hòa cho biết, Trường Mầm non Khánh Thượng B là trường học nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài việc nuôi dạy trẻ ở trường, các giáo viên cũng phải đảm nhận cả nhiệm vụ vận động các gia đình cho con em đến trường đúng độ tuổi. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện, vì vậy mỗi giáo viên luôn phải gần gũi với người dân trong bản để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn với họ. Từ năm 2010 đến nay, số trẻ đến lớp liên tục tăng, từ chỗ chỉ có 2 lớp đã tăng lên 8 lớp, đội ngũ giáo viên 32 người cũng cơ bản đáp ứng nhiệm vụ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên ở đây luôn phấn đấu để đạt được những kết quả tốt nhất. Cô Hòa khoe: "Trước đây, mảng thi đua khen thưởng của nhà trường luôn nằm trong tốp cuối của hệ thống trường mầm non huyện Ba Vì. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, nhà trường liên tục có chiến sĩ thi đua cấp huyện; mỗi năm ít nhất có 2 đề tài khoa học cấp huyện loại A, 3 đề tài loại B, gần đây nhất có một đề tài loại C cấp thành phố". Góp thêm niềm vui chung này, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Thành cho biết: "Hệ thống cơ sở giáo dục của Khánh Thượng đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống trường mầm non ở các thôn, bản xa xôi. Khánh Thượng đã huy động 100% số trẻ 5 tuổi đến lớp không còn hiện tượng học sinh bỏ học. Kết quả này nhờ một phần rất lớn từ những giáo viên đang "cắm bản" ở Khánh Thượng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “người hùng” thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.