Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người giữ “lá phổi xanh”

Chí Kiên| 15/05/2016 07:25

(HNM) - Xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn nhất ở thành phố. Trong những năm qua, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng đến các hộ đồng bào Mường sinh sống lâu đời tại địa phương để họ yên tâm phát triển kinh tế rừng góp phần bảo vệ


Những người yêu rừng

Ở bản Mường Đầm Bối, nhiều người biết đến Nguyễn Anh Sơn vì những thành tích trồng rừng ít ai bì kịp. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, rắn rỏi, trong câu chuyện về rừng với chúng tôi Sơn luôn thường trực nụ cười: "Sinh ra và lớn lên ở núi rừng nên phải biết gắn bó và yêu rừng. Làm được điều này rừng sẽ cho con người nguồn sống và bảo vệ cuộc sống trong lành hằng ngày".

Nguyễn Anh Sơn nhớ lại cách đây 15 năm, khi mới nhận 17ha đất rừng, cả gia đình lo lắng vì chưa biết phải làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả. Không nản chí, Sơn tham khảo bạn bè, học hỏi trên sách báo và quyết định trồng keo. Để "lấy ngắn nuôi dài", trong những năm đầu tiên Nguyễn Anh Sơn trồng xen canh cây sắn và một số loại cây hoa màu, cây ăn quả khác cho thu hoạch trong thời gian ngắn để có tiền tái đầu tư việc chăm sóc cây keo. Cứ như vậy đến năm thứ 3, từ một khu đất trống đồi núi trọc, cánh rừng Chằm Mi của Nguyễn Anh Sơn đã trở thành một vạt rừng xanh tốt.

Cùng Nguyễn Anh Sơn chạy xe vượt qua con đường khúc khuỷu đã bê tông hóa, chúng tôi đến được cánh rừng Chằm Mi. Xe máy để lại dưới chân núi, chúng tôi đi bộ quãng đường khá xa mới lên đến "đại bản doanh" của Nguyễn Anh Sơn. Đứng dưới rừng keo bạt ngàn, xanh mát khiến cái mệt nhanh chóng tan biến. Vạt rừng keo đã 4 năm tuổi tán cây rộng đến 2m, đường kính thân 15-20cm. Chỉ tay ra bìa rừng phía trước mặt, Nguyễn Anh Sơn cho biết: "Niềm hạnh phúc lớn nhất của người trồng rừng là được nhìn ngắm cây lớn lên từng ngày".

Trong 17ha rừng ở thời điểm này của Nguyễn Anh Sơn có 5ha rừng vừa trồng sau khi thu hoạch lứa keo thứ 3 đã bắt đầu mở lá non và hứa hẹn phát triển tốt. Diện tích còn lại là cây keo 3 năm, 2 năm tuổi cũng đã khép tán, việc chăm sóc như làm cỏ, bón phân đã chấm dứt, hiện chỉ tập trung vào công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Nguyễn Anh Sơn chia sẻ: Người trồng rừng ở Yên Trung luôn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là "không cho đất nghỉ" để đất rừng luôn được phủ màu xanh. Vì thế việc trồng và thu hoạch trên đất rừng sản xuất được thực hiện luân phiên, hiếm khi để đất trống. Ngoài diện tích rừng sản xuất, anh Sơn cũng nhận bảo vệ 2ha đất rừng sinh thái. "Đây là nhiệm vụ không thể tách rời của người trồng rừng vì rừng sinh thái nằm trên khu vực cao nhất, sẽ là nơi giữ gìn nguồn nước cho rừng sản xuất, cho cây lúa ở dưới thung lũng" - anh Sơn lý giải.

Ngoài diện tích vỏn vẹn 1ha của gia đình, anh Nguyễn Văn Long ở bản Mường Đầm Bối còn mạnh dạn thuê thêm 10ha của một số hộ dân khác để phát triển kinh tế rừng. Long tâm sự: "Thu nhập từ trồng rừng keo không cao, nhưng vì niềm đam mê với rừng, muốn góp công sức nhỏ bé giữ "lá phổi xanh" tôi vẫn quyết tâm thuê thêm đất để trồng cây xanh". Diện tích đất rừng anh Long thuê đều nằm ở những khu vực xa, trên núi cao hẻo lánh, đất xấu, canh tác gặp nhiều khó khăn là bằng chứng nói lên tâm huyết của anh với rừng. Một ví dụ dễ thấy nhất là ngọn núi Cổ Gà, vừa sâu, vừa xa, lại cao nhưng dưới bàn tay lao động cần cù, chăm chỉ của vợ chồng anh Long giờ đây đã trở thành cánh rừng mà nhiều người mơ ước. Cánh rừng keo tai tượng hơn 4 năm tuổi do được chăm bón thường xuyên nên cây phát triển tốt, thân cây đều tăm tắp. Anh Long cho biết, điều quan trọng nhất với người trồng rừng là phải có lòng kiên trì và luôn đặt mục đích cao nhất là "trồng rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ chính môi trường ta đang sống".

Hướng tới phát triển rừng sinh thái

Xã Yên Trung có địa hình núi cao hiểm trở. Phía Bắc được án ngữ bởi hai dãy núi Lý Nương cao 354m và dãy núi Đồng Doi cao 356m cùng một số ngọn núi khác như núi Voi, núi Mâm Xôi, núi Hùm; phía Tây là dãy núi U Bò cao 343m, phía Nam là dãy núi Vua Bà. Từ xa xưa, đồng bào Mường Yên Trung đã gắn bó với rừng và sống bằng rừng. Khi nguồn tài nguyên rừng bị khai thác cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Nhận thức rõ được tác hại khôn lường này, người Mường Yên Trung đã từng bước "tái sinh rừng" bằng cách trồng cây trên những diện tích đồi núi trọc. Đặc biệt, trên cơ sở chính sách giao đất rừng đến hộ dân của Nhà nước, trong tổng số hơn 1.000ha đất đồi núi của xã Yên Trung đến nay đều đã có chủ và được phủ kín cây xanh.

Ông Đinh Văn Thặm, người có uy tín ở bản Mường Luồng, cho biết trước đây khi chưa có phong trào trồng rừng nhiều diện tích đất rừng bị bỏ không rất xót xa. Phong trào "phủ xanh đất trống đồi núi trọc" đã thay đổi diện mạo cho Yên Trung. "Tôi thường xuyên nói với người dân trong bản làng là trồng cây có nhiều cái lợi như được hít thở không khí trong lành, giữ được đất, giữ được nước cho cây lúa và phát triển kinh tế gia đình" - ông Thặm cho biết. Nhớ lại cảnh tượng nhiều năm về trước, Trưởng bản Mường Đầm Bối, bà Nguyễn Thị Thu cho biết: "Người trồng cây thì ít mà người phá cây thì nhiều, giờ thì khác, người dân đã biết lợi ích của cây xanh và luôn yêu quý, trân trọng từng cánh rừng vì bản thân họ đã phải bỏ rất nhiều công sức để tạo nên nó". Người dân ở thôn Đầm Bối hiện đang sản xuất, bảo vệ gần 100ha rừng, trong đó có hàng chục héc ta diện tích rừng sinh thái, rừng nguyên sinh. Theo bà Thu, hằng năm các hộ dân trong bản đều được tuyên truyền, tập huấn về trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng chống cháy rừng.

Trao đổi về công tác bảo vệ "lá phổi xanh" trên địa bàn, ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, hằng năm xã đều xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ và PCCC rừng; duy trì ổn định đội PCCC, trong đó có lực lượng công an, quân sự xã 50 người và đội xung kích thanh niên 100 người; ở các bản làng cũng tổ chức lực lượng tại chỗ bao gồm toàn bộ người trong độ tuổi lao động; phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức tập huấn cho nhân dân và làm đường băng cản lửa ở những khu vực giáp ranh. "Xã cũng được UBND huyện Thạch Thất đầu tư mua sắm các trang thiết bị phòng chống cháy rừng như máy thổi gió, bình xịt, áo giáp chống cháy… trị giá 500 triệu đồng" - ông Tuân cho biết.

Về phương hướng bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Tuân khẳng định, ngoài diện tích rừng sản xuất đang được các hộ dân trên địa bàn xã duy trì, chăm sóc thì hơn 100ha rừng sinh thái, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, không có hiện tượng chặt phá và cháy rừng xảy ra. Theo ông Tuân, xã đang bước đầu triển khai đề án trồng rừng sinh thái do Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai với 12ha của Công ty cổ phần Kova.

Ông Tuân cho rằng, đây là một hướng đi đúng đối với các xã có thế mạnh về đất đồi rừng như Yên Trung. Theo tính toán ban đầu, thu nhập từ mô hình chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái như cây lấy gỗ, cây mít, xoài, sấu, trám đen… sẽ cao gấp 4 đến 6 lần so với trồng keo và bạch đàn. "Điều quan trọng nhất là khi hiệu quả kinh tế tăng, người dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ và PCCC rừng. Thực tế này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển rừng bền vững" - ông Tuân chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người giữ “lá phổi xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.