Trong những ngày này, trên khắp nẻo đường phố Sài Gòn, những gánh hàng rong trên đôi vai gầy của những người phụ nữ mưu sinh xa quê hình như thêm nặng hơn.
Một phút nghỉ chân của các chị hàng rong - Ảnh: Như Hùng
Những bước chân của họ dường như cũng kéo dài hơn trong đêm khuya, bởi vì trong họ có thêm một nỗi lo toan: ngày tết đã đến gần...
Xóm hàng rong nửa đêm về sáng
Đã gần nửa đêm, những đôi gánh đong đưa tụ về khu chung cư nằm khuất sâu dưới chân cầu Ông Lãnh. Những tiếng thở dài trút nỗi nhọc nhằn suốt một ngày cất lên. Gánh của chị Nguyễn Thị Tuyền - quê ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định - vẫn còn lùm xùm một mớ đậu phộng rang, bánh tráng, cốm bắp, ống thổi, mấy quả xoài...
Bước vào căn nhà trọ, chị quẳng gánh xuống thở dài: “Đi tuốt từ Bình Thạnh về mà chẳng bán được lấy một bịch bánh tráng, hôm nay sao nặng vía ghê!”, rồi chị lấy dưới thúng hàng ra mẩu bánh mì khô queo vừa nhai vừa dặm thêm ngụm nước, than thở: “Trưa thấy bà già bán bánh bèo cũng ế như mình nên ăn giúp bà một đĩa 2.000đ, chiều tới giờ mua ổ bánh mì nhai chưa hết”.
Đồng hồ nhà ai vang lên một tiếng khô khốc trong đêm - đã sang một ngày mới. Chị Tuyền leo lên căn gác thấp lè tè, nơi đã có hai đồng nghiệp nằm cong queo trên chiếc chiếu nhỏ...
Đã gần chục năm, cứ đến mùa này là chị Tuyền cùng những người dân nhập cư lại vất vả hơn vì phải toan tính làm sao để có thêm cho gia đình đang mong chờ ở quê nhà một bữa cơm ngon, một tấm áo mới “gọi là có tết” với người ta. Nhưng ngày càng khó khăn vì người bán dạo từ quê vào đông hơn, lại phải cạnh tranh với trà trân châu, chè Mỹ... đầy trên phố, trước cổng trường.
Mấy chị trong xóm hàng rong này bày cho nhau cách đi xa ra ngoài thành phố, bán cho mấy cô công nhân, ông xe ôm... Chị Tuyền cho biết năm nay chị quyết định ở lại Sài Gòn khi ngoài quê nhắn tin vào: chồng và bốn cô con gái đang phải sạ lúa vụ đông xuân lần thứ hai vì lần đầu vừa sạ xong là bão về nước trắng đồng. Chị buồn buồn nói: “Ở lại tết nhớ nhà lắm...”.
Hơn 40 chị bán hàng rong đang trọ chung căn nhà này thì có đến hơn nửa cùng ngụ ở Đập Đá, Bình Định. Trần Thị Mộng Thơ mới 25 tuổi mà đã có ba đứa con, đứa lớn năm nay vào lớp 1, còn đứa nhỏ nhất mới thôi nôi được ba tháng gửi bà ngoại ngoài quê. Mộng Thơ theo chị Thanh hàng xóm vào đây “kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ ngoài đó ai nuôi - Thơ rơm rớm - Ông xã mình đi biển làm thuê, giờ nằm nhà vì mắc phải bệnh gan”.
Nhắc đến chồng con, có tiếng sụt sịt nơi góc phòng. Trong cái xóm hàng rong ấy mỗi người mỗi cảnh éo le được lặng lẽ kể ra cho tới tận sáng... Có ai đó lục tục leo xuống bảo: “Thôi mấy bà, đi sớm không thôi lại ế đói nhăn răng...”.
Và tình người xa quê
Mới tháng trước, khi nghe tin chị Huyền phải bỏ gánh hàng đón xe về quê gấp vì thằng con đi học về bị tai nạn, cả khu trọ nghèo bấn loạn lên như chính con mình lâm nạn. Thế rồi tự động người 2.000, 5.000, 10.000, 20.000đ... gom góp gửi chị Huyền chút tiền về quê lo cho con.
“Người đi trước rước người đi sau chị ơi...”, một chị còn trẻ nói giọng đặc sệt Quảng Ngãi lên tiếng. Trong căn gác trọ khoảng 30m2 được cơi nới chỗ ván, chỗ nilông của “ông bà chủ” cũng người xứ Quảng đã là nơi ngả lưng của gần 70 người cùng huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
“Khỏi cần vốn chi hết chị ơi, muốn đi bán thì cứ lấy hàng của ông bà chủ đi bán trước rồi khi về trả tiền cùng với 2.500đ tiền nhà mỗi ngày” - chị Thanh Xuân cho biết. Tôi hỏi: “Gác nhỏ vậy sao ở đủ chỗ cho 70 người?”. Chị Xuân cười: “Ngủ cũng thay ca mà, ai đi bán buổi sáng thì về ngủ tối, ai đi bán thâu đêm thì được ngủ ngày…”.
Tiếng chân người chạy rầm rập trong khu nhà trọ nằm ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 3 lúc nửa đêm báo hiệu điều chẳng lành. Bốn người phụ nữ ốm o, rách rưới đang khiêng một cô gái mềm như sợi bún chạy ra đầu hẻm gọi xe chở đi bệnh viện. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị ngộ độc thức ăn, nôn ói suốt đêm. Mọi người tranh nhau kể: “Chiều đi bán về đói lả người mà hổng còn một cắc, nó lấy ổ bánh mì thịt bị thiu từ hôm qua ăn cho đỡ đói. Ăn xong là ói đến gần 1 giờ sáng...”. Hôm sau trở lại thăm, căn nhà trọ vắng teo, Ngọc Hà - 20 tuổi, mới từ quê vào - cho biết: “Chị Thủy vẫn còn nằm nhà thương, chị em thay ca đi nuôi. Ai cũng cần tiền sắm tết nên mỗi người nhín một tiếng đi bán tạt ngang vào lo cho người bệnh...”. |
Công nhân vào mùa tăng ca, các gánh hàng rong cũng tăng ca. Trong số phụ nữ mưu sinh xa quê ấy có những chị mỗi ngày chỉ ngả lưng vài tiếng bởi phải “tăng ca” bán suốt. Chị Hằng chủ nhà cho biết: “Mấy bà có con ăn học trong này thì phải bán hai ca luôn, chỉ bữa nào bết lắm không đi nổi mới chịu đi một ca. Có bà sợ chồng con ngoài quê không có tết nên cứ đi ca ba suốt, có đêm nào về trước bình minh đâu...”.
Trưa cuối tuần tôi ghé thăm chị Trần Thị Sơn, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Chị đang đếm tiền, những đồng tiền cắc, tờ 1.000đ, 2.000đ cũ mèm được phủi thẳng cho đủ 100.000 đồng gửi đứa con gái đầu lòng đang theo học Đại học Nông lâm TP.HCM năm 2. “Cứ mỗi tuần tôi gom đủ 100.000 đồng cho con. Tôi lặn lội vào đây bán hàng rong cũng vì chuyện lo cho con học mà”.
Mấy ngày này vào xóm hàng rong tàu hũ, bánh bèo của những người xứ Quảng gần khu chợ Cầu Muối hay trên đường Cộng Hòa, Tân Bình tôi đã thấy cái cảnh chộn rộn của ngày tết. Sớm nào cứ vào khoảng 3 giờ là mọi người đã lục tục xay bột, đậu nành để nấu tàu hũ, đường gừng, bánh bèo... Tối đến khi từ mọi nẻo đường trở về phòng trọ, chị thì lôi trong thúng ra bịch lạp xưởng, bộ đồ mới cho con, chị thì săm soi đôi giày mới cho thằng con trai, chiếc áo sơmi hàng thanh lý cho chồng.
Còn bánh mứt nữa, với sức dẻo dai của đôi chân, các chị đến tận lò mua rồi lại lội đi mua hộp về tự cắt dán để đem về làm quà, bởi “mang tiếng đi Sài Gòn cả năm, tết về cũng phải có quà chứ” - chị Hương vừa đặt quang gánh trên vai xuống vừa gạt mồ hôi và cười cho biết như thế...
Theo TT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.