Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người “đánh thức”... văn hóa của người xưa!

ANHTHU| 22/08/2004 07:53

Lặng lẽ, miệt mài những con người ấy đang hướng về ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long  - Hà Nội bằng những việc làm rất độc đáo mà có lẽ không mấy ai biết đến. Trong không gian tĩnh lặng, họ cứ cần mẫn như những chú ong thợ xây tổ, cứ tự tâm mà làm, cũng chẳng ai giám sát, thúc giục. Nhưng dường như trong suy nghĩ mỗi người, thời gian không còn nhiều cần ráng sức làm một việc gì đó như để trả nợ cho đời vậy.

Nhà khoa học Hán nôm Mai Xuân Hải và tiến sĩ Đinh Công Vĩ xem lại bức khánh mới được dập in ở chùa Phúc Khánh

Lặng lẽ, miệt mài những con người ấy đang hướng về ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội bằng những việc làm rất độc đáo mà có lẽ không mấy ai biết đến. Trong không gian tĩnh lặng, họ cứ cần mẫn như những chú ong thợ xây tổ, cứ tự tâm mà làm, cũng chẳng ai giám sát, thúc giục. Nhưng dường như trong suy nghĩ mỗi người, thời gian không còn nhiều cần ráng sức làm một việc gì đó như để trả nợ cho đời vậy.

Việc thu thập tư liệu, phân loại, in dập Bia, Chuông, Khánh, ghi chép Câu đối... không chỉ làm cơ sở cho việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa sau này đã được các nhà Hán Nôm bắt tay vào làm rất sớm. Nhiều tổ tỏa đi khắp nơi, chỉ cần tính sơ sơ mỗi phường, mỗi xã ở Hà Nội, địa phương nào chẳng có Đình, Chùa, nhà thờ Tổ... hễ cứ liên quan đến Hán Nôm, là ở đấy công việc lại diễn ra tỉ mỉ, chính xác. Người được cử đi làm công tác đặc biệt này phải nắm được cơ bản công việc của mình phải làm những gì, đọc và hiểu xuất sứ của nhiều hiện vật văn bia mà nơi mình đến, ví như về bia, thì có bia trước cổng chùa, mang tính giới thiệu, phía trong là bia công đức, bia vong, về câu đối, nguyên tắc bao giờ cũng có hai vế đối nhau và luôn có dòng chữ nhỏ ghi tên người cung tiến. Văn hóa của từng triều đại, đôi khi cũng không hẳn giống nhau, đại loại, con rồng đời nhà này dài hơn con rồng đời nhà kia... người thợ khắc thì tất nhiên cũng có người tài hoa, cũngcó người trình độ vừa vừa thể hiện qua nét khắc sâu, nông; những nhà Hán nôm, thực sự là những người kín đáo bởi họ hiểu thế nào cho đủ thứ ngôn ngữ đa nghĩa, khi mà dịch thuật không chính xác sẽ sẩy một ly đi một dặm, ví như cũng là chữ “Tử”, trường hợp phản ánh sự trung hiếu, thì nghĩa của từ là “Con”, nhưng ở trường hợp “Thiên thu tiễn biệt” lại là nghĩa “chết”. Chỉ cần sơ suất khi dùng từ, là chuyện cười ra nước mắt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc gần đây ở một làng khiến cho mọi người còn nhớ như in, cái ngày nào bao người hồ hởi đánh xe đi mãi sang tỉnh bạn để đón chiếc đỉnh ở Đình làng mình bị thất lạc, vì có người tự cho là mình biết chữ xưa và nói chắc như đinh đóng cột là có in chữ địa phương mình trên cái đỉnh đó ! Ai dè, khi rước đỉnh về rồi đặt trang trọng nơi tôn nghiêm nhất trong đình làng, mời một nhà Hán nôm xịn tới thẩm định lại, té ra không phải đỉnh của làng mình, sự chót mất thời gian, mất tiền bạc lại đổ lên đầu vị học thật, hóa ra... là học giả (!). Chẳng biết làm sao nữa, đã chót đi đón “vật báu”, lại không của làng mình, biết chuyển đi đâu bây giờ ?

Hành trang của các nhà khoa học cũng thật gọn nhẹ: con lăn, mực in, giấy dó khổ 80x50 và... chuối tiêu, nghe có vẻ thô sơ, xong thiếu một trong những thứ gọi là đồ nghề đó thì không thể xúc tiến được công việc. Có dịp, gặp một tổ hiện đang làm ở chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở - Hà Nội), mới đầu ai cũng nghĩ là công việc của họ nhàn nhã lắm. Đâu phải vậy, những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, trong điều kiện làm việc không quạt gió, không điều hòa, có lúc lo công việc không hoàn thành, họ làm quá cả giờ nghỉ trưa, có hôm tới tối mịt mới về, chẳng thế mà vợ nhà Hán nôm Mai Xuân Hải, trẻ con vẫn gọi là mẹ của “Cúc già”, biết tính chồng say mê với công việc, cản cũng chẳng được, thỉnh thoảng người vợ vẫn nói với hàng xóm với vẻ “giận dỗi”:

- Anh ấy mới ngã tuần trước khi làm ở một chùa trên ga, sáng nay, đứa cháu lại chở đi rồi, mấy hôm nay tới “dự báo thời tiết” của đài truyền hình TƯ mới mò về, người đâu có được khỏe cơ chứ, mấy năm trước dịch “Tây Du Ký” nhiều tập sang tiếng Việt, quên cả ăn, cả ngủ...

Thấy các nhà khoa học lại không ngại làm việc chân tay, nhà chùa động lòng từ bi. Sư thầy mời cơm trưa, bên mâm cơm chay tịnh, câu chuyện giữa người trụ trì với “cánh thợ văn hóa” thêm sâu lắng về cõi tâm linh. Việc in dập mỗi hiện vật biết nói kia cũng không hề giản đơn như người ta tưởng. Mới nghe, ai đó bảo là “công nghệ căn ke, sao y bản chính”. Vâng, cứ cho là như vậy, những câu đối, biathường bài trí trong các di tích vị trí thấp hơn, nên công việc cũng không mấy là khó khăn cho lắm, những quả chuông, khánh thì luôn được treo cao, muốn in dập thì thấp nhất cũng phải kê một cái bàn, sao đặt vừa chỗ cho 2 cái ghế tựa, sau đó 2 người đứng lên ghế, khâu đầu tiên là phải làm vệ sinh quả chuông rồi phết lớp chuối tiêu mỏng lên chuông, khi độ se của chuối vừa phải, người ta đắp tờ giấy dó lên mặt chuông, lúc này khi mặt giấy đã êm với mặt chi tiết, con lăn được thấm mực in, dưới bàn tay khéo léo đến độ tài hoa của những người “gọi chữ” về cứ hiện dần đều theo tay đưa, nào họa tiết, nào chữ chìm, chữ nổi. Được bản nào, người ta lại chuyển cho người đứng dưới sàn nhà ghi chép tỉ mỉ, đánh số thứ tự theo đơn đặt hàng: Trung ương 2 bản, Hà Nội 1 bản, có lẽ mất thời gian hơn cả, đó là việc in dập những quả chuông, mặt giấy phải xoay tới 4 mặt mới thu hết những gì mà người ta cần phải thu, phải mất 2 giờ đồng hồ mới làm xong 1 chuông cỡ bằng cái thùng gánh nước, cũng có quả chuông treo sâu phía trong ban thờ, khi làm địa hình rất chật hẹp, nào: đỉnh, bát hương vây quanh khá nhiều, khi thao tác in ấn lại phải xếp những thứ ấy sang một bên, xong việc, lại trả nó về vị trí cũ, thỉnh thoảng người nhóm trưởng vẫn phải nhắc:

- Chữ Cảnh Thịnh chưa rõ (đời Cảnh Thịnh, con vua Tây Sơn, 1795).

- Trán chuông, mắt chuông chưa hiện đều, cảnh Lưỡng Long chầu Nguyệt ở bức khánh phải làm lại !

...

Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có chữ quốc ngữ, các cụ lấy chữ Hán Nôm làm ngôn ngữ cho thời bấy giờ (trước đó, còn có chữ của người Việt cổ được khắc trên bãi đá Sapa, di chỉ mộ Mường... đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa “giải mã” được, cái hồi ấy người xưa viết thông tin những gì). Việc không muốn lệ thuộc vào tiếng nước ngoài thể hiện bản sắc dân tộc của những lớp người đi trước thậtđáng khâm phục. Hán Nôm có gốc của người “hàng xóm” Trung Hoa, Nôm là Nam, được gọi chệch đi (âm đọc của người Việt là Nôm). Cứ vậy, công việc đồ sộ, theo ước tính của một cán bộ Viện Hán nôm, thì phải cỡ hết năm 2008 mới hoàn thành việc in dập mảng văn hóa ở Đình chùa, miếu mạo nội, ngoại thành Hà Nội.

Cha ông chúng ta đã để lại cho thế hệ hậu sinh một kho tàng văn hóa quí báu, việc kế thừa và phát triển nền văn hóa này, nên chăng phải ở những con người được “xã hội hóa trình độ Hán nôm”. Có vậy, chúng ta mới hiểu được hết cha ông ta đã nói gì để học hỏi và làm theo. Nghe nói, tỷ lệ một trăm người, mới có một người biết Hán nôm ! Như vậy, có thực là nguy cơ ?

Điều đáng buồn là hiện nay có người vào cỡ quản lý di tích nhưng một chữ Hán nôm “bẻ đôi” cũng không biết, lại không hiếm cảnh làm khó cho đoàn chuyên muôn xuống các di tích để làm việc. Họ cứ nghĩ việc cán bộ về là để xếp hạng di tích cho địa phương, sau phải nhờ cán bộ cơ sở giải thích mãi, họ mới cho làm, “cái của tôi” đôi khi cũng sinh chuyện...cũng có người lầm tưởng, ai biết Hán nôm thì sẽ biết tiếng Trung Hoa hiện đại, người Trung Hoa cũng không thể biết Hán nôm (nếu không học). Có lẽ, chuyện văn hóa Hán nôm còn tốn nhiều giấy mực, mong các nhà chiến lược gia sớm tháo gỡ những vướng mắc ở mảng này.

Những người đang “đánh thức” nền văn hóa của người xưa, chúng ta thật biết ơn và trân trọng họ để cho Hà Nội đi lên cùng cả nước, trong cái nay lại có cái xưa, sự hòa quyện như điều tất yếu khi mà lòng người đau đáu trong không khí háo hức chờ mong, để chào đón ngày lễ lớn của Hà Nội tròn một nghìn tuổi.

HNM
(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Những người “đánh thức”... văn hóa của người xưa!

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.