Dư luận đang bàn tán xôn xao sau khi xuất hiện tin nói rằng, ông Gaddafi vẫn còn sống và người chết hôm 20/10 tại thành phố Sirte là nhân vật đóng thế có tên là Ahmed.
Theo thông tin đăng tải trên trang web La Voix des Opprimes (tiếng nói của những người bị áp bức), ông Gaddafi đã ẩn náu ở một địa điểm xa thành phố Sirte từ ngày 20/10 và lực lượng đặc biệt của NATO bắt được cựu Tổng thống, muốn nhà lãnh đạo này cung cấp tài khoản ngân hàng cũng như nơi cất giấu số tài sản lên tới 200 tỷ USD.
Ông Gaddafi khi bị bắt (trái) và khi chết (phải). |
Nếu đây là sự thật thì có thể NATO đã trả gấp đôi những gì ông Gaddafi hứa chi cho lính đánh thuê để làm cho cả thế giới tin rằng, chính họ đã giết chết cựu Tổng thống. Nếu cả thế giới đều tin ông Gaddafi đã chết, sẽ chẳng còn ai yêu cầu xét xử, hay trả tự do cho cựu Tống thống và nhà lãnh đạo này sẽ không thể tiết lộ những bí mật "chết người" có liên quan tới nhiều cá nhân, tổ chức và quốc gia trên thế giới.
Những nhận định kể trên xuất hiện sau tuyên bố gây sốc của một chuyên gia Nga giấu tên, theo đó ông Gaddafi vẫn chưa chết và đang được giam giữ tại một nơi bí mật nào đó. Chuyên gia này đưa ra 4 căn cứ để lý giải cho nghi ngờ của mình.
Thứ nhất, hôm ông Gaddafi bị bắt, ở Sirte có một trận bão cát và đây là điều kiện tuyệt vời giúp che giấu hình ảnh thật của cựu Tổng thống.
Thứ hai, ông Gaddafi có mái tóc màu đen, nhưng người đàn ông bị bắt trong các video được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng lại có mái tóc màu nâu. Sau đó, xác chết được lưu trong một kho lạnh ở thành phố Misurata (Misrata) lại có mái tóc màu đen.
Thứ ba, trước khi được đưa tới bệnh viện, các cảnh quay cho thấy ông Gaddafi bị bắn vào đầu, phía trên tai trái và ở bụng. Nhưng trong một số cảnh quay khác được công bố lại cho thấy, cựu Tổng thống bị thương ở vùng trán. Thứ tư, ông Gaddafi từng trải qua một ca phẫu thuật ở vùng bụng nên phải để lại sẹo, nhưng những hình ảnh công bố thi thể mình trần của ông lại không có bất kỳ vết sẹo nào ở bụng.
Những thông tin kể trên được đăng tải trong thời điểm dư luận tiếp tục bán tín bán nghi trước việc "thái tử" Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi đang vừa cố tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn tại Zimbabwe, vừa tìm cách thương lượng với Toà án hình sự quốc tế (ICC) để ra đầu thú. Mặc dù ICC khẳng định đây là đàm phán gián tiếp, nhưng danh tính của nhà trung gian vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ICC đã từ chối điều kiện của Saif al-Islam về việc phải tìm một nơi trú ẩn an toàn để sống nếu được trắng án hoặc sau khi mãn hạn tù. Giới truyền thông đưa tin, Zimbabwe, Nam Phi là 2 địa danh được đề cập sẽ là "thiên đường tự do" của Saif al-Islam, nhưng hiện chưa có thông tin chính thống xác nhận điều này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nam Phi từng bác bỏ thông tin nói rằng, người thân trong gia đình ông Gaddafi đang chuẩn bị đến Nam Phi để lánh nạn sau cái chết của cựu Tổng thống Libya. Có tin nói rằng, Saif al-Islam đã chạy khỏi Libya tới Niger dưới sự hộ tống của những người chăn gia súc, nhưng dư luận vẫn tranh luận về nơi ẩn náu hiện tại của "thái tử". Niger cho biết, sẽ giao nộp Saif al-Islam cho ICC nếu bắt được nhân vật này.
Trước đó có tin nói rằng, ông Saif al-Islam đang ở phía Bắc Arlit, Niger cùng các tay súng trung thành hộ tống và đã liên hệ với Lực lượng vũ trang Niger (FAN) ở vùng Agadez, cách Arlit khoảng 40km. Nhưng cũng có tin cho rằng, "thái tử" Saif al-Islam đã vượt biên bằng phà vào Niger dưới sự hộ tống và bảo vệ của các cựu binh du mục Tuareg.
Giới truyền thông đưa tin, Niger đang đối mặt với nguy cơ bị phản ứng dữ dội, thậm chí châm ngòi cho tình trạng bất ổn tại các khu vực khác của sa mạc Sahara từ những người du mục Tuareg ở phía Bắc nếu giao nộp Saif al-Islam cho ICC. Nghe nói, trong suốt thời gian chạy trốn, Saif al-Islam được những người du mục Tuareg đón tiếp như người anh hùng. Nhưng Niger hiện vẫn từ chối bình luận trước sự việc kể trên.
Giới truyền thông đưa tin, ngày 31/10, Nhật Bản sẽ chính thức tái mở cửa Đại sứ quán ở thủ đô Tripoli sau khi đóng cửa hồi tháng 2, còn các nhân viên sứ quán tạm thời di chuyển sang Đại sứ quán Nhật Bản ở Ai Cập. Trước đó (28/10), Nga đã hoan nghênh nghị quyết 2016 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc dỡ bỏ vùng cấm bay ở Libya bởi Moskva đã nhiều lần lên án các cuộc không kích của NATO tại quốc gia Bắc Phi này.
Dư luận cho rằng, mặc dù đã thông qua nghị quyết chấm dứt sứ mạng quân sự kéo dài 7 tháng tại Libya trước ngày 31/10, nhưng NATO vẫn chưa kết thúc hoạt động ở nước này sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ mối quan ngại trước sự "vung vãi" của nhiều loại vũ khí tại quốc gia Bắc Phi này.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen không tiên đoán vai trò đáng kể nào cho NATO ở Libya, nhưng NATO có thể hỗ trợ tân chính phủ trong các lĩnh vực như an ninh và quốc phòng, nếu được yêu cầu. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, NATO và NTC bắt đầu thảo luận về vai trò tương lai của NATO trong việc đảm bảo an ninh ở Libya như hiệp lực bảo đảm an ninh vùng biên giới Libya, cho phục viên binh sĩ và giải giáp vũ khí trong dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.