(HNM) - Cuối năm là thời điểm
Nhiều lao động phải đăng ký tìm việc làm trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Trà My |
Sinh viên đua nhau đi làm thêm
Một cách làm thêm khá đặc biệt của sinh viên các trường ĐH Công nghiệp, Cao đẳng nghề Cơ điện, Trung cấp Điện tử điện lạnh, Trung cấp in… là làm công nhân tại các doanh nghiệp thuộc các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Từ Liêm, Đông Anh… Hiện nay nhiều doanh nghiệp tung các chỉ tiêu tuyển dụng với mức lương hấp dẫn không đòi hỏi trình độ (tốt nghiệp PTCS, PTTH), chỉ cần sức khỏe tốt. Có nhiều bạn phải bỏ học hoặc thức đêm để làm ca từ 17h30 đến 6h sáng hôm sau. Nguyễn Quang Trung (SV ĐH Công nghiệp đang trọ tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm) cho biết: Em làm thêm được 2 năm nay nhưng chỉ làm mỗi đợt 2 tháng nên cảm thấy sức khỏe vẫn ổn, tuy học tập có giảm sút một chút. Quang Trung chỉ tranh thủ dịp Tết để kiếm thêm một khoản đỡ tiền trọ, tiền ăn, nhưng cũng muốn làm thêm để cọ xát với nghề, sau này ra trường xin đi làm tránh những bỡ ngỡ lúc ban đầu.
Tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, thông báo đăng tuyển việc làm thời vụ như phát tờ rơi, chuyển quà, điều tra viên nghiên cứu thị trường, tiếp thị, bán hàng khuyến mãi... được dán khắp nơi với mức lương hấp dẫn. Nhiều sinh viên đã quen với các công việc làm thêm cuối năm nên cứ đến hẹn lại bắt đầu hành trình mới. Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm thứ 3 Đại học Luật, một trong những bạn trẻ đã trúng tuyển cho việc phân phối hàng tiêu dùng nhập khẩu cho biết: Công việc là mặc đồng phục công ty đứng phát tờ rơi tại một số ngã 4 trên một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm với mức tiền công trả 640.000đồng/8 buổi (mỗi buổi 4 tiếng). Tuy nhiên, do chọn ngoại hình nên dù nhiều bạn sinh viên rất háo hức được đi làm nhưng không đạt yêu cầu. Ngoài ra, các công việc làm điều tra viên nghiên cứu thị trường, mức lương tăng đến 50% - 100% trong những ngày này khiến các bạn sinh viên đăng ký tới tấp. Cụ thể trước đây mức lương cho 4 giờ nghiên cứu thị trường là 100.000 đồng thì nay đã tăng lên 200.000 đồng/ca. Hoặc các công việc như tư vấn, cung cấp các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết kế, tư vấn giáo dục, tài chính... cũng rất cần sự góp mặt của sinh viên.
Các trung tâm giới thiệu việc làm nhộn nhịp
Đó là không khí chung tại các TTGTVL trên địa bàn Hà Nội. Các vị trí tuyển dụng từ doanh nghiệp tới tấp gửi đến, hầu hết đều là việc làm thời vụ. Ngoài những công việc truyền thống như phát tờ rơi, bán hàng, chuyển phát nhanh, phát quà khuyến mãi... có khá nhiều công việc mới được đăng tuyển ráo riết. Theo một cán bộ tuyển dụng của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Quang Minh thì các doanh nghiệp, cá nhân đang rất cần thuê bảo vệ tại các điểm phục vụ kinh doanh dịp cận Tết. Tuy nhiên, do việc tuyển dụng khó khăn nên số bảo vệ hiện có của công ty không đủ đáp ứng nhu cầu. Các vị trí trực điện thoại, tư vấn khách hàng của các công ty Hoa Sao, Kim Cương cũng luôn cập nhật tại các phiên giao dịch việc làm của TTGTVL Hà Nội và nhiều phiên lưu động khác. Theo cán bộ tuyển dụng của các công ty thì cuối năm các đơn vị, doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình khuyến mại, các sản phẩm mới nên các vị trí trực điện thoại, tư vấn khách hàng luôn "nóng" máy. Do đó nhu cầu tìm kiếm ứng viên làm ở vị trí này ngày càng lớn.
Một nghề cũng không mới và luôn nhộn nhịp trong dịp cuối năm này là nghề dọn dẹp nhà cửa. Đây chính là dịp các TTGTVL "tung" ra các chiêu tuyển dụng lao động ở quê tranh thủ lên thành phố làm thêm vì nhu cầu dọn dẹp nhà, phục vụ công trình rất lớn. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Thanh Hóa) cho biết, cứ cuối năm là có một chị làm nghề đồng nát về quê tìm kiếm lao động lên Hà Nội để dọn dẹp nhà cửa. Mỗi dịp như vậy, chị này tìm được khoảng 5-7 người lên Hà Nội thuê một phòng trọ ở tạm. Hằng ngày, họ đứng ở các chợ lao động như chân cầu Vượt Thăng Long để chờ việc. Công việc chủ yếu là dọn dẹp phế liệu hay lau chùi ở các công trình xây dựng đã hoàn thiện.
Tuy có vất vả hơn ở quê nhưng mỗi ngày các chị cũng kiếm được 200-400.000 đồng/người. Chị Hoa cho biết: "Có việc đều đặn thì dù có vất vả 1-2 tháng cũng bõ công lên thành phố". Hoặc như chị Nguyễn Thị Đoan (quê ở Vĩnh Phúc), người chuyên tìm mối làm giúp việc theo giờ tại các bệnh viện cho biết: Càng cuối năm, nhu cầu tìm người bệnh đang điều trị dài ngày tại các bệnh viện càng lớn. Tôi thường gọi người nhà, hàng xóm ở quê lên làm thêm cho đỡ phí bởi họ trả công cao hơn ngày thường. Ký hợp đồng dài ngày với người bệnh lâu năm thì giá dao động từ 120-150.000 đồng/ngày. Nhưng dịp Tết thì người nhà bệnh nhân "thoáng" tay hơn trả từ 150-200.000 đồng/ngày.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, mỗi ngày có trên 100 nhu cầu tuyển dụng mới nhất phù hợp với việc làm thời vụ. Tại Trung tâm 20-10, khoảng 50% chỗ làm thuộc nhóm việc làm ngắn ngày. TTGTVL Hà Nội thì luôn có hàng nghìn vị trí tuyển dụng. Theo nhận xét của các chuyên gia lao động việc làm, chỉ tiêu rao tuyển năm nay tăng 15-25% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng gấp gáp nhu cầu lao động thời vụ là để giải quyết sự thiếu hụt lao động phổ thông tại hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.