(HNM) - Ngày 1-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Đây là những vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước, với kỳ vọng đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Báo Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này.
Nền kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định là vấn đề được người dân quan tâm. Trong ảnh: Lắp ráp xe tải tại Nhà máy Ô tô nông dụng Cửu Long. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Anh Nguyễn Tiến Thành (Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo):
Nền kinh tế phát triển ổn định
Tôi rất đồng tình với đánh giá của Chính phủ tại Báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010 đã trình Quốc hội, trong đó quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý. Với một năm nhiều khó khăn như 2010 mà tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa đều vượt so với dự toán, bội chi ngân sách dự kiến thấp hơn chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội là những con số đáng mừng. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhận thấy, sự tăng trưởng kinh tế đất nước còn chưa vững chắc, sức cạnh tranh thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, vẫn còn nhập siêu, bội chi, giá cả tăng…, cần được Quốc hội trao đổi kỹ, kết luận rõ nếu nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.
Ông Đặng Như Phúc (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm):
Cần quan tâm đến các vấn đề dân sinh
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được nhiều quốc gia, tổ chức... trên thế giới chọn làm nơi tổ chức các hội nghị lớn, nhiều dự án lớn được đầu tư, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng theo từng năm... Tất cả là do chúng ta có một nền chính trị ổn định, một môi trường đầu tư hấp dẫn... Một nước nghèo có thể vươn lên bằng nhiều cách, nhưng một nền chính trị ổn định thì không phải quốc gia nào cũng có được. Bên cạnh những thành công đáng khích lệ đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nhưng nhiều năm nay những bất cập về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, dự án "treo"... vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có chung nỗi bức xúc về tắc nghẽn giao thông, ngập úng, vệ sinh môi trường... Mong rằng những vấn đề bức xúc dân sinh sẽ được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Bà Nguyễn Phương Loan (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai):
Có giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá
Cứ đến cuối năm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày lại tăng giá một cách chóng mặt. Rồi học phí, viện phí cũng rục rịch tăng giá... Cứ đà này thì người lao động làm công ăn lương, người có thu nhập thấp phải "thắt lưng buộc bụng" thế nào mới đủ trang trải các chi phí thiết yếu cho cuộc sống. Đặc biệt, giá vàng hiện đang tăng vọt, không kiểm soát được sẽ gây nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước cũng như đời sống người dân. Đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, theo dõi diễn biến thị trường thế giới để đánh giá mức độ tác động đến thị trường trong nước; có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá trong những tháng cuối năm; đồng thời có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, không ngừng nâng cao đời sống của người dân, nhất là đối với người nghèo.
Võ Quang Huy, phường Trung Liệt, quận Đống Đa:
Quan tâm đến các dự án lớn
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đại biểu Quốc hội nói về quy hoạch lớn khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng đô thị, đường sá… bởi đây là vấn đề thể hiện tầm nhìn của chúng ta về tương lai. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có những đổi thay lớn, nhiều vùng đất canh tác đã trở thành các khu, cụm điểm công nghiệp và các khu đô thị. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đánh giá tổng thể về hiện trạng, hiệu quả của các dự án và thực sự chưa thống kê hết các dự án "treo", những dự án cần "thay máu", nhiều dự án đã bị "biến hóa" so với kế hoạch ban đầu, vì thế lợi ích cũng chỉ mang lại cho một nhóm người, trong khi đó đa số người nông dân lại trở thành thất nghiệp, tình trạng hộ nghèo và các tệ nạn xã hội có nguy cơ gia tăng. Các dự án về nông nghiệp, nông thôn, về khoa học kỹ thuật… cần được đẩy mạnh, vì nó mang lại tính bền vững cho sự phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.