(HNM) - Ngày 26 Tết, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý về Nam Định, vùng đất học luôn dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ tốt nghiệp, điểm trung bình thi vào đại học và kết quả thi học sinh giỏi; rồi ghé qua Ninh Bình, cố đô xưa để trao những món quà Xuân đầy ý nghĩa.
Chuyện trong mơ
Cô giáo mầm non Vũ Thị Minh (Trường Mầm non Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình) đã nói như vậy khi nhận được chiếc tivi 32 inch của Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Liên Việt. Với hoàn cảnh một nách 2 con, chồng ốm đau và không có việc làm, lương giáo viên mầm non nông thôn chỉ vỏn vẹn 700 nghìn đồng/tháng thì dù cô có cấy đến 1,8 mẫu ruộng một vụ, nuôi dăm con lợn nái cũng không thể dành dụm để mua cho con cái tivi. Cô kể, khi nhận được tin sẽ được nhận món quà này cô không tin vào tai mình, còn chồng thì rơi nước mắt. 23 năm gắn bó với trẻ, dẫu phải dậy từ 1, 2 giờ sáng đi cấy để 6 giờ quay về trường đón học sinh, nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc, bởi cô luôn nghĩ rằng nghề dạy học là một nghề mang lại cho mình những niềm vui dù có khó khăn, vất vả và thua thiệt. Cùng chung tâm sự ấy, cô Lê Thị Kim Thanh (Trường Mầm non Mỹ Thuận, Mỹ Lộc, Nam Định), vội giấu đôi mắt ngấn nước khi nhắc đến người cha đã hy sinh khi cô còn rất nhỏ và hoàn cảnh đơn côi của mình khi sắp được nghỉ hưu, nhưng lại mỉm cười khi nói về những lứa học trò cô đã dạy dỗ, chăm sóc khi chúng mới 5 tuổi. Cô kể, mặc dù tốt nghiệp 7+3 nhưng cô đã xin về trường mầm non ở xã để tiện chăm sóc mẹ già. Sau khi học thêm chương trình đào tạo dành cho giáo viên mầm non, cô đã có 30 năm gắn bó với lớp 5 tuổi và không ít học trò của cô giờ đã trưởng thành, khôn lớn vẫn trở về thăm cô giáo của mình. Đó là niềm vui, là sự an ủi đối với những giáo viên mầm non ngoài biên chế ở khu vực nông thôn, lực lượng đang chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi chỉ được hưởng một mức lương theo hệ số thấp dù đã cống hiến rất nhiều năm cho ngành. Có lẽ vì thế, trong số hơn 50 cá nhân được nhận tivi trong tổng số 150 chiếc do Ngân hàng Liên Việt tặng lần này, giáo viên mầm non và tiểu học chiếm đa số.
Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi bất hạnh khác nhau nhưng qua trò chuyện chúng tôi đều thấy họ cùng có chung một hạnh phúc: được đứng trên bục giảng để dìu dắt các thế hệ học sinh để rồi mai đây, vào những thời khắc thiêng liêng của đất trời và của mỗi con người, họ được đón những con người đã trưởng thành trở về thăm thầy, cô giáo cũ theo truyền thống của dân tộc "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy".
Chuyện đời thực
Chăm lo cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn khi Tết đến, Xuân về là truyền thống của ngành giáo dục. Dù ít, dù nhiều mỗi cơ sở giáo dục đều đã cố gắng để đồng nghiệp của mình có được tấm bánh chưng trên bàn thờ tổ tiên, manh áo mới cho con. Từ Tết Kỷ Sửu, sau lời kêu gọi của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thì không chỉ ngành giáo dục mà nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân đã chung tay chia sẻ khó khăn với một ngành có lực lượng lao động đông nhất, hơn 1 triệu người. Năm nay, việc làm này vẫn diễn ra dù không cần có lời hiệu triệu. Trong những ngày giáp Tết, nhiều đoàn đã đi tặng quà cho giáo viên; nhiều địa phương đã chăm lo cho các thầy cô bằng nhiều hình thức. Tại Hà Nội, ngành giáo dục đã tặng quà Tết cho 168 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, với 2 mức 1 triệu và 500 nghìn đồng.
Ngoài hỗ trợ, tặng quà cho giáo viên khó khăn, việc thưởng Tết cho các kỹ sư tâm hồn cũng đã có những đổi thay so với trước. Dẫu không thể so sánh với các ngành khác nhưng năm nay, ở nhiều nơi, giáo viên đã có một cái Tết ra tết. Một vài trường THPT ở thành phố lớn, mức thưởng đã lên đến chục triệu đồng. Ở Hà Nội, có trường cũng tiết kiệm chi tiêu trong năm để Tết đến chi cho giáo viên 2 đến 3 triệu đồng. Theo Công đoàn giáo dục Việt Nam, mức thưởng cũng phân hóa theo cấp học, mầm non và tiểu học từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng; trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng; đại học, cao đẳng hơn 1 triệu đồng. Nhiều đơn vị đã có lương thứ 13 cho anh em. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 70% số trường trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm chi tiêu để có kinh phí chi tháng lương thứ 13 cho giáo viên.
Chọn nghề dạy học, đa số thầy, cô giáo đã chấp nhận cuộc sống đạm bạc. Bởi vậy, dù ngày Tết không được thưởng nhiều nhưng họ vẫn bình thản với những khoảng lặng khi Xuân về. Sự quan tâm của ngành, của toàn xã hội với các thầy, cô giáo trong những thời khắc này cũng đã đem lại cho họ những niềm vui.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.