(HNM) - Sau 22 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã chứng kiến nhiều bước phát triển đáng nhớ trong các lĩnh vực hợp tác. Về chính trị, lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt, tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên.
Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những chuyến thăm rất thành công tới EU và các nước thành viên. Nguyên thủ nhiều nước thành viên EU, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) và nhiều Ủy viên EC phụ trách thương mại, hợp tác phát triển cũng đã thăm Việt Nam.
EU hiện là một trong những bạn hàng, đối tác đầu tư và nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU trong ASEAN. Quan hệ thương mại giữa hai bên từ chỗ còn thấp, đến nay đã tăng gấp nhiều lần. Trong vòng 11 năm (2000-2011), kim ngạch thương mại song phương từ mức một con số đã nhanh chóng đạt đến trên 24 tỷ USD vào năm 2011. Riêng 8 tháng đầu năm 2012, giao dịch thương mại hai chiều đã đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao và ít cạnh tranh. Một dấu hiệu đáng mừng là Việt Nam liên tục xuất siêu vào EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ; đồng thời là địa chỉ quan trọng cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang thương hiệu "Made in Việt Nam" như: giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ…
Về đầu tư, đã có 20 trong tổng số 27 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam cùng với sự "đổ bộ" của nhiều tập đoàn lớn và nổi tiếng tại 49 tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang 10 nước EU với 33 dự án, tổng số vốn khoảng 107 triệu USD. Tuy quy mô đầu tư còn nhỏ, song đây là những bước đi đáng ghi nhận để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU rộng lớn với 500 triệu người nhưng "khó chiều" với nhiều rào cản về kỹ thuật và thương mại.
Viện trợ phát triển chính thức ODA cũng là một "mảng màu tươi sáng" trong quan hệ Việt Nam - EU. Ủy ban Châu Âu (EC) và các nước thành viên EU là những nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA, cũng là những nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn ODA cam kết trong 18 năm (1993-2011) trên 13 tỷ USD. Nguồn viện trợ quý báu này của EU là nguồn lực quan trọng với công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, mốc son trong lộ trình hợp tác song phương còn thể hiện rõ bằng Hiệp định đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) được ký chính thức vào ngày 27-6 vừa qua. Ngoài ra, quá trình đàm phán tiến tới Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được hai bên triển khai hứa hẹn một giai đoạn mới cực kỳ quan trọng cho sự phát triển vượt bậc trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU.
Có thể thấy, trong chiến lược chung của EU, Việt Nam là quốc gia đang ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới, một nước có vị trí địa - chiến lược và kinh tế trong khu vực phát triển kinh tế được cho là năng động nhất trong thế kỷ XXI. Vì vậy, thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của EU tại Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương qua cơ chế hợp tác Á-Âu (ASEM). Ngược lại, là một liên minh tài chính lớn, một trong ba trung tâm kinh tế chủ chốt của thế giới, EU có những ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia. Do đó, tăng cường hợp tác với EU sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu H.Rompuy đang diễn ra đã đánh dấu một mốc son mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - EU, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở cả Châu Á lẫn Châu Âu và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.